Chủ điểm tuyên truyền

04 Tổng Bí thư trẻ tuổi nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

02/02/2023 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

93 năm kể từ ngày thành lập đến nay (3/21930 - 3/2/2023), Đảng ta đã trải qua 13 lần đại hội đại biểu toàn quốc với 12 đồng chí Tổng Bí thư. Trong đó, có 04 đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng trẻ tuổi nhất.

Tổng Bí thư Trần Phú   

 Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/05/1904. Quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học ở Huế, được bổ về dạy trường Cao Xuân Dục ở Vinh. Thời gian này Trần Phú cùng với các giáo viên tiến bộ mở lớp dạy quốc ngữ ban đêm cho thanh niên và công nhân nghèo.

 Năm 1925, đồng chí tham gia thành lập Hội Phục Việt (sau đổi thành Hưng Nam rồi Tân Việt cách mạng Đảng). Tháng 07 năm 1926, đồng chí Trần Phú được cử sang Quảng Châu để gặp các đồng chí lãnh đạo Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, để bàn việc hợp nhất Hội thanh niên với Tân Việt. Tại đây, đồng chí Trần Phú được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được huấn luyện về chủ nghĩa Mác - Lênin và về kinh nghiệm cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga.

Đầu năm 1927, đồng chí được cử sang học tại trường Đại học Phương Đông, Liên Xô. Tháng 04/1930, đồng chí Trần Phú về nước được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được giao trách nhiệm khởi thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Bản luận cương này được Hội nghị trung ương lần thứ nhất họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) tháng 10-1930 thông qua. Cũng tại Hội nghị này đồng chí Trần Phú được cử làm Tổng Bí thư  của Đảng cộng sản Đông Dương. 

Sau Hội nghị đồng chí trở về nước tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Tháng 03/1931, chủ trì Hội nghị trung ương lần thứ hai nhằm đấu tranh với những tư tưởng lệch lạc trong Đảng và chủ trương tập hợp lực lượng các đoàn thể quần chúng: công hội, nông hội, phụ nữ, thanh niên để đưa phong trào cách mạng tiến lên.

Ngày 19/04/1931, do lời khai của một tên phản bội, đồng chí Trần Phú bị địch bắt tại Sài Gòn. Biết đây là Tổng Bí thư của Đảng, bọn địch đã dùng đủ mọi cực hình để tra tấn nhưng chúng đã không thể nào khuất phục được người cộng sản trẻ tuổi kiên cường này. 

Tháng 08/1931, đồng chí lâm bệnh nặng. Ngày 06/09/1931, đồng chí Trần Phú qua đời. Trước khi mất, đồng chí Trần Phú dặn lại các đồng chí của mình: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu". Câu nói đó của người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng mới 27 tuổi đời đã trở thành một vũ khí mà mỗi người Việt Nam yêu nước mang theo để xông vào quân thù, vượt qua những khó khăn trên con đường cách mạng.

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong  

Đồng chí Lê Hồng Phong sinh năm 1902 (có tài liệu ghi 1900). Quê ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sau khi đỗ bằng sơ học, đồng chí Lê Hồng Phong làm thư ký cho một hiệu buôn của người Hoa kiều tại Vinh. Ít lâu sau, đồng chí Lê Hồng Phong được đồng chí Phạm Hồng Thái, công nhân nhà máy Xi pha, giới thiệu vào học nghề thợ máy. Hai đồng chí đã vận động, giác ngộ công nhân đấu tranh đòi quyền lợi.

Tháng 01/1924, đồng chí Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái sang Thái Lan rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) cùng với đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn thành lập Tâm Tâm xã. Cuối năm1924, đồng chí được đồng chí Nguyễn Ái Quốc huấn luyện về chủ nghĩa Mác- Lênin và các kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Sau khi tốt nghiệp trường Quân sự Hoàng Phố, năm 1926 đồng chí được cử sang Liên Xô học trường không quân. Lê Hồng Phong tham gia Hồng quân Liên Xô và được phong quân hàm trung tá. Tiếp đó, đồng chí được vào học trường Đại học Phương Đông. Năm 1932, tốt nghiệp được trở về Trung Quốc, bắt mối liên lạc với trong nước và thành lập Ban hải ngoại của Đảng.

 Tháng 03/1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng diễn ra tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 07 / 1935, đồng chí đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII và được cử làm uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Quốc tế cộng sản. Tại đây, đồng chí Lê Hồng Phong đã gặp nữ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và hai người yêu nhau rồi cưới nhau ở Trung Quốc.

Năm 1936, đồng chí Lê Hồng Phong được cử về Việt Nam hoạt động với danh nghĩa là đại diện của Quốc tế cộng sản bên cạnh Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương. Trong thời kỳ mặt trận dân chủ, đồng chí đã viết một số sách giới thiệu Liên Xô và phổ biến đường lối chủ trương của Đảng chống chủ nghĩa phát xít.

Năm 1938, đồng chí bị đế quốc Pháp bắt ở Sài Gòn và kết án 10 tháng tù. Mùa thu năm 1939, hết hạn tù, bọn đế quốc đưa đồng chí về làng quản thúc. Đồng chí chưa kịp liên lạc với Đảng để thoát ly thì bị bọn thực dân Pháp bắt giam lại ở Khám Lớn Sài Gòn rồi đày ra Côn Đảo. Đồng chí bị bọn cai ngục đánh đập tra khảo rất dã man nhưng vẫn không chịu khai báo, một lòng trung thành với Đảng.  

Ngày 06/09-1942, đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí đã gắng nói to lên nhắn với đồng chí nằm ở buồng bên cạnh: "Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng". Cuộc đời hoạt động của Lê Hồng Phong là biểu tượng cho lòng trung thành, ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản.

Tổng Bí thư Hà Huy Tập    

 Đồng chí Hà Huy Tập sinh năm 1902. Quê ở làng Kim Nặc, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1923, tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học ở Huế, đồng chí Hà Huy Tập được bổ nhiệm về dạy ở thị xã Nha Trang, rồi lại về dạy tại trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh. Tại đây, đồng chí dượ giác ngộ cách mạng.

 Năm 1926, đồng chí Hà Huy Tập tham gia Hội Phục Việt. Đồng chí hoạt động tích cực trong phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh, tổ chức học quốc ngữ ban đêm cho công nhân các nhà máy ở Vinh - Bến Thuỷ. Vì thế, đồng chí Hà Huy Tập bị đổi đi dạy ở Quỳ Châu. Đồng chí chống lại quyết định nên đã bị cách chức.

 Năm 1927, đồng chí Hà Huy Tập vào hoạt động ở Nam Kỳ. Tháng 07/1928, đồng chí được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc thống nhất Đảng. Sau đó, đồng chí được giới thiệu sang học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Năm 1932, học xong, đồng chí tìm cách về nước. Qua Pari, Hà Huy Tập bị chính phủ Pháp trục xuất. Đồng chí sang Bỉ rồi trở lại Liên Xô. Đầu năm 1934, Hà Huy Tập về tới Ma Cao (Trung Quốc), đã cùng với Lê Hồng Phong lập ra ban lãnh đạo Đảng ở hải ngoại. Hà Huy Tập là người chủ trì ban lãnh đạo này và chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng vào tháng 03-1935.

 Tháng 07/1936, đồng chí Hà Huy Tập cùng với đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ở Thượng Hải (Trung Quốc) để bổ sung nghị quyết của trung ương trước tình hình mới. Tại hội nghị này, đồng chí Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Hồng Phong. Sau đó, đồng chí trở về Sài Gòn cùng cơ quan Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Thời gian này, đồng chí Hà Huy Tập viết sách báo giải thích chính sách mới của Đảng, vạch mặt bọn Tơrôtxkít phản cách mạng.

 Ngày 14/07/1938, do một tên phản bội chỉ điểm, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt và kết án tù. Hết hạn tù, bọn thực dân trục xuất đồng chí về nguyên quán. Ngày 30/03/1940, đồng chí lại bị bắt, đưa vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 25/08/1941, bọn chúng buộc đồng chí vào tội "chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa này" và tuyên bố xử tử hình. Trước toà, đồng chí Hà Huy Tập đã trả lời: "Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động!"

Ngày 26/08/1941, đồng chí bị xử bắn tại Hóc Môn (Gia Định) cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu. Là một nhà nho yêu nước theo cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã thể hiện nhân cách cao cả của một người luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, chiến đấu hy sinh vì cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Đồng chí là một trong những nhà hoạt động nổi tiếng góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh 09/07/1912 ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tham gia cách mạng từ khi còn là học sinh trường Bưởi. Tháng 06-1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. Sau ngày Đảng cộng sản Việt Nam thành lập, Nguyễn Văn Cừ được phân công làm Bí thư đặc khu Hòn Gia - Uông Bí. Năm 1932, đồng chí bị địch bắt và đày ra Côn Đảo.

 Năm 1936, phong trào đấu tranh của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ cùng với thắng lợi của Mặt trận bình dân ở Pháp đã buộc thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả lại tự do cho Nguyễn Văn Cừ. Ra tù, về Hà Nội, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng. Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban thường vụ trung ương trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 09/1937.

Tháng 03/1938, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân chủ. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư  thay đồng chí Hà Huy Tập. Sau đó, đồng chí vào hoạt động tại Sài Gòn. Phong trào cách mạng lên cao, địch theo dõi đồng chí rất sát, rồi chúng trục xuất đồng chí ra khỏi Nam Bộ. Trở ra Hà Nội, đồng chí chú trọng việc thành lập Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, trực tiếp chỉ đạo báo chí công khai của Đảng.

Mùa thu năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào Nam Kỳ cùng với thường vụ trung ương đấu tranh chống bọn Tơrôtxkít giả danh mác xít phá hoại cách mạng. Ký tên Trí Cường, đồng chí viết tác phẩm Tự chỉ trích - một tác phẩm có giá trị lớn về lý luận và thực tiễn. Với tác phẩm này, đồng chí đã có đóng góp quan trọng vào việc củng cố sự nhất trí trong Đảng và tăng cường ảnh hưởng, uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân.

Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì ngày 18/01/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại đường Nguyễn Tấn Nghiêm, Sài Gòn. Biết đây là Tổng bí thư của Đảng, bọn đế quốc đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhất để moi tài liệu. Trước sau đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Ngày 28/08/1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân pháp xử bắn taị pháp trường Bà Điểmcùng một số đồng chí khác.

Cả bốn đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ) đều bị thực dân Pháp bắt giam và hy sinh trong quá trình hoạt động cách mạng khi còn khá trẻ (đồng chí Trần Phú, đồng chí Lê Hồng Phong qua đời khi bị giam trong nhà tù Pháp, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị Pháp xử tử hình)./. 

P.TTTT & LLCT (tổng hợp)

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối