Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ

Chương trình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

10/01/2023 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 22-CTr/TU ngày 01/12/2022 thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhất quán quan điểm chỉ đạo:

Tỉnh Long An có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển nhanh và bền vững là định hướng phù hợp; trở thành tỉnh phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển trong dài hạn.

Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh phải phù hợp với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, tôn trọng quy luật tự nhiên; phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hoá - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên. Tăng cường thúc đẩy liên kết với các địa phương trong vùng, trở thành trung tâm kết nối giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ. Phát triển nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao, gắn với từng vùng sinh thái, thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, với công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp hỗ trợ, chế biến, năng lượng. Phát triển nhanh, hài hoà các khu vực kinh tế và loại hình doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng, nước, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các chuỗi đô thị, nhất là đô thị sinh thái.

Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và nước; chủ động thích ứng với lũ, nước lợ, nước mặn, bảo đảm an ninh nguồn nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu so. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc quyền, lãnh thổ của tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn liền với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng; phát huy cao độ truyền thông văn hoá, cách mạng, khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong tỉnh.

Chương trình xác định mục đến năm 2030 như sau:

Xây dựng tỉnh Long An là một trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất của cả nước, dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và công nghệ đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ kết nối thông suốt, hiệu quả giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biển đổi khí hậu; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Trong đó, xác định một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030:

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9,0%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế (GRDP) của khu vực I, II, III lần lượt là 7%, 64% và 29%. GRDP bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng. Tỷ lệ đô thị hoá đạt 55%; có 100% số xã đạt chuân nông thôn mới, trong đó có hơn 50% số xã nông thôn mới nâng cao.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 40%; tỷ trọng lao động phi nông nghiệp đạt 75 - 80%. Giảm 50% số hộ nghèo trong từng giai đoạn 5 năm của thời kỳ 2021 - 2030. Cơ sở giáo dục đạt chuẩn: 80% mầm non, 85% tiểu học, 85% trung học cơ sở, 90% trung học phổ thông. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ, 3 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân.

Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 3-3,5%. Tỷ lệ nước sạch của khu vực dân cư đô thị duy trì 100%; khu vực nông thôn nước sạch đạt 80%, nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại từ đô thị và công nghiệp đạt 100%.

Tầm nhìn đến năm 2045: Tỉnh Long An phát triển đột phá, là cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Thành phố Hồ Chí Minh, duy trì vị thế tỉnh công nghiệp phát triển bền vững hàng đầu của cả nước, cân bằng giữa giá trị về kinh tế - xã hội và môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc.

Để triển khai thực hiện, Chương trình xác định 05 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Tập trung cụ thể hóa, triển khai các chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; Phát triển nhanh và bền vững kinh tế tỉnh gắn với liên kết vùng; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị./.

                                                                                                PTTTT-LLCT

Các tin khác

  • Nghị định số 49/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động thông tin cơ sở (20/05/2024)
  • Sử dụng cờ Đảng và hình ảnh cờ Đảng Cộng sản Việt Nam (27/02/2024)
  • Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (05/02/2024)
  • Công tác thông tin đối ngoại góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh (02/02/2024)
  • Nhiệm vụ trọng tâm công tác tuyên truyền năm 2024 (01/02/2024)
  • Nhiệm vụ trọng tâm công tác lý luận chính trị năm 2024 (01/02/2024)
  • Nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên năm 2024 (14/01/2024)
  • Định hướng công tác tuyên truyền miệng tháng 01/2024 (11/01/2024)
  • Định hướng công tác tuyên truyền miệng tháng 12/2023 (08/12/2023)
  • Định hướng công tác tuyên truyền miệng tháng 11/2023 (01/11/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối