Những mẫu chuyện về Bác

Từ Pác Bó đến Tân Trào

14/05/2021 07:15:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Tôi cùng anh Vũ Anh lên Pác Bó. Những ngày qua đã được tin chắc chắn Bác thoát khỏi tù ngục của bọn Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch và đã trơ về nước. Nhưng lên đường đi vẫn hồi hộp. Khi được nhìn thấy Bác ở trong căn lán nhỏ trên sườn một quả đồi, mới thực tin là sự thực.

Bác vẫn như xưa với bộ quần áo chàm của đồng bào Nùng. Nhìn lâu, thấy Bác có gầy và già hơn trước. Không biết lấy gì so sánh với nỗi mừng khi được gặp lại Bác.

Những chuyện về thời kỳ Bác bị bắt, sau này chúng tôi mới biết nhiều, lúc ấy Bác chỉ kể qua rồi hỏi ngay về tình hình cách mạng trong nước.

Chúng tôi báo cáo xong, Bác nói: “Phong trào lên, địch khủng bố là chuyện tất nhiên, nhưng có phần vì ta bộc lộ lực lượng”. Bác nhắc lại những cuộc duyệt binh huy động đến hàng nghìn người.

Bác nhận định: Bây giờ thời kỳ cách mạng hoà bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy mạnh phong trào tiến lên. Nếu phát động đấu tranh mà mỗi khi địch đến nhân dân hại phải tản cư cả vào rừng núi, thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phải làm sao vẫn hoạt động vũ trang mà dân ở đâu cứ ở đấy sản xuất, chỉ cần tăng cường canh gác đề phòng không để địch bắt, hại những người hoạt động…

Rồi Bác đề ra một cách giải quyết: Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại phân tán quá. Bây giờ lên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến phải nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập đội quân giai phóng...

Ngay trong buổi họp đó, tôi được chỉ định đảm nhiệm công tác này.

Rồi Bác hỏi:

-Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không?

Tôi đáp:

- Có thể được.

Tôi trình bày cơ sở chính trị vũ trang tại vùng giáp giới hai tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn, từ Nguyên Bình đến Ngân Sơn, Chợ Rã; từ Tĩnh Túc, Phja Oắc đến Phja Bioóc. Cơ sở quần chúng tại vùng này rất tốt, trong suốt thời gian khủng bố của địch vẫn vững vàng, cơ sở lực lượngvũ trang cũng tốt.

Trước khi quyết định, Bác hỏi:

- Có thể tìm được một căn cứ “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ'', mình còn yếu, địch mạnh, nhưng nhất định không thể để địch tiêu diệt, có thể như thế được không?

Tôi đáp:

- Có thể. Nhất định quân địch không thể tiêu diệt ta được.

Đêm hôm ấy, chúng tôi nằm nghe Bác nói chuyện rất khuya. Trên núi cao, cái rét của mùa đông đến sớm hơn. Trong căn lều lạnh giá, không đèn đóm, Bác và chúng tôi mỗi người gối đầu lên một khúc gỗ cứng. Bác phác ra những nét chính về đội Việt Nam Giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động mà vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược Bác hướng dẫn cho tôi làm một bản kế hoạch Bác dặn đi dặn lại nhiều lần: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo''. Chuyện trò hào hứng đến hai, ba giờ sáng.

Sáng hôm sau tôi cùng một số anh em lên mỏm núi sau cơ quan trao đổi làm kế hoạch…

Buổi chiều, cuộc họp lại tiếp tục. Chúng tôi báo cáo lại bản kế hoạch đã dự thảo. Nghe xong, Bác nói:

- Được, tình hình quốc tế đang có nhiều điều kiện thuận lợi. Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi.

Đúng vào dịp này, anh chị Tống Minh Phương và bà con Việt kiều ở Côn Minh lại mới gửi về một số vũ khí: một khẩu tiểu liên Mỹ Sub Machine gun và 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, một hộp bom nổ chậm. Cùng với số vũ khí này, chúng tôi còn được nhận thêm 500 đồng để chi phí về quân nhu.

Sau khi suy nghĩ, Bác đề nghị thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên đội quân giải phóng cho đúng với nhiệm vụ hiện tại của nó.

Chúng tôi được giao trách nhiệm điều động tất cả 34 đội viên và cán bộ trong các đội vũ trang địa phương, hai khẩu súng thập, l0 khẩu súng trường vừa giáp năm, giáp ba, vừa khai hậu và súng Tầu chế tạo, 14 khẩu súng kíp.

Thế là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời.

Chúng tôi có hỏi Bác: Đội tuyên truyền hoạt động theo kế hoạch của Liên tỉnh, khi tới một địa phương thì quan hệ giữa đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương ra sao?''.

Bác nói: “Thống nhất chỉ đạo cả chủ lực và địa phương. Hai lực lượng ấy đoàn kết phối hợp chặt chẽ với nhau. Đội chủ lực có nhiệm vụ dìu dắt giúp đỡ các đội địa phương trưởng thành''. Điều Bác nói đó chính là phương châm xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng mà chúng ta đã thực hiện trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của toàn dân, và đã thấy được hiệu lực vô cùng mạnh mẽ.

Anh em trong cơ quan mấy ngày trước đã nghe ngóng thấy Bác không đồng ý với nghị quyết phát động chiến tranh du kích của Liên tỉnh uỷ, kém phần phấn khởi, lúc này được biết quyết định mới của Bác, vui hẳn lên.

Một buổi sớm tháng chạp, chúng tôi từ giã Bác, trở về, Bác căn dặn chúng tôi một lần nữa: “Nhớ bí mật: ta ở đông, địch tưởng ta ở tây, “Lai vô ảnh, khứ vô hình””.

Để thi hành đúng chỉ thị của Bác: ''Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội''. Chúng tôi họp bàn kế hoạch tác chiến, và quyết định sẽ chiến đấu ngay sau khi thành lập đội.

Vấn đề đặt ra là đánh ở đâu? Có ý kiến nên lên không nên đánh vào những nơi có cơ sở của ta để tránh cho cơ sở bị địch khủng bố. Nhưng khi bàn, thấy đánh vào nơi không có cơ sở thì chuẩn bị sẽ rất khó khăn không nắm được tình hình, khi đánh thiếu sự giúp đỡ của nhân dân, khó đảm bảo thắng lợi. Chúng tôi nhận thấy trận đánh đầu tiên chỉ có thể thành công nếu đánh vào những nơi có cơ sở nhân dân thật tốt, giúp để cho bộ đội chuẩn bị thật chu đáo. Các đồng chí tại các địa phương có địch đóng đều yêu cầu cứ đánh, còn đối với sự khủng bố của kẻ địch, chỉ cần có một kế hoạch đề phòng cho nhân dân.

Một điều rất quan trọng khác phải bàn bạc là đánh cách nào? Trong trận đấu chúng ta phải giành được thắng lợi mà không để bị tổn thất nặng nề về người cũng như về vũ khí. Lực lượng của ta trong thời kỳ trứng nước này còn rất mỏng manh. Vũ khí đã thiếu, đạn dược càng thiếu hơn. Mỗi khẩu súng trường trung bình chỉ có hai mươi viên đạn. Chỉ cần đánh một trận là sẽ bắn đến viên đạn cuối cùng, và khi đó khẩu sung trường, thứ vũ khí chủ lực của đội sẽ trở nên vô dụng. Khi bàn bạc thấy, nếu đánh phục kích các đội quân lưu động của địch thì tương đối dễ đạt thắng lợi và bộ đội cũng đỡ bị tổn thất, nhưng cũng thấy đánh phục kích thì chỉ có thể thu được một số súng mà không giải quyết được vấn đề đạn dược. Bọn chỉ huy người Pháp vốn không tin ở binh lính người Việt, khi đi tuần tiễu chỉ phát cho mỗi tên từ năm đến mười viên đạn. Về vũ khí lúc này, súng chưa quan trọng bằng đạn dược. Mặt khác, muốn đánh phục kích phải có thời gian mới gặp hoặc tạo nên được cơ hội, như vậy sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ trong vòng một tháng. Cuối cùng chúng tôi đi đến quyết định, trong mấy trận đầu phải tập trung vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược, mặc dầu đánh tập kích khó khăn hơn.

Một số đồn trại địch đóng trên dưới một trung đội trong vùng Kem Mã và Cẩm Lí được chọn để tiến hành công tác điều tra: đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần.

Các đồng chí Hồng Quân, Đức Long được phái đi trinh sát. Thực ra các làng địch đóng đều là quê của nhiều đồng chí trong đội. Địch ở Phai Khắt đóng chính ngay tại nhà đồng chí Lạc. Anh em có thể vẽ sơ đồ đồn địch, rồi phái một số đồng chí đến nơi đối chiếu lại là biết rõ tình hình. Việc khó khăn hơn là làm sao đột nhập đồn địch, điều tra cách bố trí, sắp xếp bên trong và mọi quy luật hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của chúng. Người trinh sát đầu tiên của đội lọt vào đồn là em bé Hồng.

Hồng mới mười hai tuổi. Ngày ngày em phải mang bánh và rượu vào đồn cho tên quan Tây trong đồn. Em đã lân la trò chuyện với lính địch, xem kỹ kho lương, kho đạn, nơi ăn nghỉ, nơi canh gác, giờ giấc canh gác, giờ giấc sinh hoạt, tập hợp của địch. Đêm đêm em luồn ra khỏi luỹ tre làng đến báo cáo với Đội.

Căn cứ vào những quy luật hoạt động của địch từ vùng này chúng tôi bàn nhau rất có thể cải trang thành lính dõng để đột nhập đồn địch.

Các đồng chí trung kiên đưa làng đi tìm gặp những hội viên là lính dõng, mượn ba chục bộ quần áo. Cũng phải tìm một số hội viên cựu binh sĩ mượn thêm mấy bộ quần áo ka ki để cải trang thành lính tập vì những đoàn lính dõng đi tuần bao giờ cũng có lính tập đi kèm.

Ngoài ra, còn phải chuẩn bị một số nón lính. Các chị ở dưới làng lên, mang theo vải chàm là kim chỉ để khâu áo nón. Nón của dõng bọc vải chàm, có viền vành trắng và điểm một miếng tròn trắng trên chóp. Khi qua cơ quan in báo Việt Nam độc lập, tôi đã mượn máy chữ ngồi đánh mấy tờ ''Giấy đi tuần'' giả. Các đồng chí tại cơ quan đã cắt củ khoai trổ một con dấu rất khéo, đóng đỏ chót lên cạnh chữ ký. Hồi đó, những giấy giới thiệu đánh máy là loại giấy có giá trị.

Ba chiếc lán bên cạnh sườn núi đã làm xong. Các đồng chí nhận lệnh điều động đã về đầy đủ. Bà con hội viên ở dưới làng có nhiệm vụ đi lại nơi trú quân để giúp đỡ Đội. Lần đầu thấy quân cách mạng tập trung đông đảo như vậy, súng ống lại nhiều, mọi người đều hết sức phấn khởi. Không khí tấp nập như ngày hội.

Chúng tôi tiếp tục hoàn thành việc thảo những lời thề và những điều kỷ luật của Đội.

Mọi việc chuẩn bị đã xong.

Một ngày trước lễ thành lập Đội, chúng tôi nhận được một bức thư Bác đặt trong một bao thuốc lá. Giở ra, đó là chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

“…Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầụ quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang, nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Về đến Chợ Chu đúng vào ngày mồng l tháng 5, chúng tôi dừng lại đây làm mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Một số tin mừng đến. Bên chiến trường châu Âu, phát xít Đức sắp hoàn toàn gục ngã trước hồng quân Liên Xô và Đồng minh. Cũng lúc ấy, được

tin Bác đi xa mới về, đang từ biên giới xuống với chúng tôi. Trước đó, có tin Bác định về dưới này, chúng tôi đã đề nghị Bác đi theo con đường Nam tiến Bác đã vạch ra cho Đội Tuyên truyền ngày trước.

Tôi vội vã đi đón Bác. Dọc đường ngựa phóng nhanh quên nghỉ. Lên Đèo Re, qua Nghĩa Tá, tới Nà Kiên thì gặp Bác đang đi về, Bác ngồi trên mình ngựa, có vẻ mệt sau một chặng đường xa, mặt võ vàng, râu để dài, duy đôi mắt Bác vẫn tinh anh như bất cứ lúc nào.

Từ ngày Bác trao nhiệm vụ xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đến bây giờ tôi mới được gặp lại Bác. Tôi không nén được xúc động báo cáo với Bác:

- Vùng giải phóng đã mở rộng...

Tôi trình bày với Bác tình hình phong trào nhân dân trong những vùng rộng lớn mà chúng tôi đi qua, từ ngày Bác chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuy truyền Giải phóng quân. Tôi báo cáo đã liên lạc được với Trung ương, đã gặp anh Trường Chinh và các anh phong trào cách mạng ở miền xuôi đang lên mạnh. Bác chăm chú nghe bình tĩnh, điềm đạm, trong đôi mắt Bác có ánh vui.

Bác kể chuyện tình hình bên ngoài, thời cơ cũng đang có lợi cho ta. Bác nói, cần chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng hoặc Tuyên Quang và Thái Nguyên, một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài.

Tôi trở về Kim Quan Thượng bàn với anh Song Hào. Chúng tôi nhận thấy nên chọn vùng Tân Trào. Tân Trào là một vùng rừng núi hiểm trở, giữa Tuyên Quang và Thái Nguyên, rất xa đường cái lớn. Từ ngày các anh Song Hào, Tạ Xuân Thu... thoát ngục Chợ Chu, đã về đây cùng các đồng chí Dục Tôn, Lê Trung Đình…xây dựng cơ sở và thành lập chính quyền cách mạng. Nhân dân và cơ sở tại đây rất tốt.

Bác về đến Tân Trào vào một buổi trưa, anh Song Hào cùng một số đồng chí cán bộ đón Bác trước đình Hồng Thái.

Bác ở lại ít ngày tại một gia đình cơ sở ở xóm Kim Lộng rồi chuyển lên một chiếc lán nhỏ làm trên sườn một quả đồi. Tiếng đồn bay di khắp nơi: “Có ông cụ đã cao tuổi, sao mà nhanh nhẹn, tài giỏi, tốt đến thế. Dân mình lắm người tài giỏi, phen này nhất định lấy lại được nước”.

Thời gian này canh cả ở xuôi lên và anh Hoàng Quốc Việt ở nước ngoài mới về, cũng đến Tân Trào. Tôi báo cáo lại với Bác và các anh những nghị quyết của Hội nghị dân sự Bắc Kỳ. Bác nhận xét hội nghị tiến hành rất tốt, nhưng Bác nói: ''Chia các tỉnh ra làm nhiều chiến khu như thế rườm rà quá, không lợi cho việc chỉ huy. Vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, địa thế nối liền với nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là Khu Giải phóng. Thống nhất các lực lượng vũ trang lại là rất đúng, nên đặt tên là Quân giải phóng. Bác bàn với chúng tôi làm dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Khu Giải phóng và quyết định triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác.

Theo Nghị quyết của Hội nghị cán bộ ngày 4-6-l945, được triệu tập theo chỉ thị của Bác, Khu Giải phóng phải trở thành một căn cứ địa vững chắc về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá để làm bàn đạp Nam tiến, giải phóng toàn quốc.

Tân Trào được chọn làm thủ đô của Khu Giải phóng.

Tôi làm việc ở dưới làng, hằng ngày vẫn lên cơ quan của Bác để báo cáo.

Các đồng chí ở địa phương đã làm cho Bác một cái lán khá xinh xắn, náu kín trong khu rừng nứa ở sườn đồi. Lán chia làm hai gian nhỏ, một bên là nơi Bác nằm nghỉ, một bên vừa là chỗ làm việc, vừa là chỗ để tiếp khách.

Bác làm việc không mấy lúc nghỉ ngơi. Lần nào tôi lên cũng thấy Bác đang cặm cụi với công việc. Mọi giấy tờ chỉ thị, Bác đều tự tay đánh máy và đánh số cẩn thận, rõ ràng.

Trung ương đã quyết định cần tích cực chuẩn bị cho cuộc Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội đại biểu. Bác giục chuẩn bị cho kịp họp hai hội nghị quan trọng này từ tháng 7. Tình hình đã khẩn trương lắm. Bác nói: ''Có thể còn thiếu một số đại biểu nào đó chưa về kịp cũng họp. Nếu không thì không kịp được với tình hình chung''. Nhưng, dù chuẩn bị rất gấp các đại biểu của Đảng và các đảng phái dân chủ trong Mặt trận Việt Minh ở toàn quốc vẫn không thể về đúng hẹn.

Giữa lúc công việc bề bộn như thế, Bác bỗng bị mệt. Đã mấy hôm liền Bác sốt nóng. Song, Bác vẫn gượng làm việc. Mỗi khi tôi tới thảo luận công việc, hỏi thăm sức khoẻ, Bác chỉ nói: ''Chú cứ xuống làm công tác, tôi không việc gì''. Nhưng tôi thấy Bác yếu nhiều, người hốc hác hẳn. Có hôm tôi đến, Bác đang lên cơn sốt, miệng còn nói mê. Thuốc men chẳng có, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh, Bác đã uống mà không thấy đỡ. Thường khi, nếu không phải lúc nghỉ, không bao giờ Bác nằm, thế mà bây giờ Bác phải chịu nằm, lại mê sảng luôn.Bây giờ, trong các đồng chí thường gần Bác, chỉ còn lại mình tôi ở Tân Trào. Hôm ấy Bác mệt lắm, tôi rất lo. Tôi nói: “Hôm nay tôi cũng thong thả, xin ở lại với Bác đêm nay''. Bác mở mắt và hơi gật đầu.

Đêm ấy, tôi nghỉ lại với Bác trên cái lán ở giữa rừng, lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập''. Mỗi lúc nhớ ra điều gì, Bác lại dặn. Bác lúc ấy chắc cũng thấy mình yếu quá, có ý muốn dặn lại công việc. Chỉ có công việc, Bác nói về công tác củng cố phong trào: ''Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và các phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trọng xây dựng căn cứ cho thật vững chắc để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được''.

Suốt đêm ấy, Bác vẫn lúc tỉnh lúc mê. Hôm sau, tôi viết thư hoả tốc về Trung ương. Tôi lại tìm hỏi bà con địa phương xem có thứ thuốc men gì không. Bà con nói gần đây có một ông lang quen trị bệnh sốt nóng. Tôi cho người cưỡi ngựa đi đón ông thầy về. Ông cụ lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hoà vào cháo loãng. Sau đó Bác tỉnh. Hôm sau, Bác ăn thêm vài lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần. Bác lại gượng dậy tiếp tục làm việc ngay.

Mặc dầu Bác đã chỉ thị viết nhiều thư hoả tốc, tung giao thông đặc biệt đi các hướng để thúc giục các đại biểu, nhưng vì đường sá trắc trở, liên lạc khó khăn, nhiều đại biểu đã cố gắng đi cho chóng mà mãi tới 13, 14 tháng 8 mới lên tới Tân Trào. Có những đoàn đại biểu 16, 17, 18 mới đến kịp.

Trung ương và Tổng bộ Việt Minh quyết định không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Ngày 11, 12 tin vô tuyến điện cho biết có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật.

11giờ đêm 13, Uỷ ban Chỉ huy Lâm thời Khu giải phóng hạ mệnh lệnh khởi nghĩa cho nhân dân và bộ đội...

Nửa đêm nhận lệnh, bộ đội và nhân dân reo mừng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để thực hiện nhiệm vụ lớn. Các đơn vị giải phóng quân đóng tại Chợ Chu, Tuyên Quang được lệnh chuyển gấp về tập trung tại Tân Trào.

Ngày 14-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp, Bác vừa dứt cơn sốt, gượng tới họp, người còn võ vàng, Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Hội nghị quyết định mục đích của cuộc chiến đấu là giành quyền độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền nhân dân, thi hành mười chính sách của Mặt trận Việt Minh, định ra chính sách ngoại giao đối với Đồng minh. Để đạt mục đích đó, phải huy động toàn thể nhân dân gồm tất cả các giới, các đảng phái tham gia phong trào cứu quốc, phải gấp rút vũ trang nhân dân chống Nhật và mở rộng Giải phóng quân Việt Nam. Hội nghị định ra nhiệm vụ quân sự cần kíp thống nhất các lực lượng vũ trang thành Giải phóng quân Việt Nam; gấp rút củng cố và phát triển bộ đội, thống nhất biên chế, kỷ luật, tăng cường công tác chính trị, tổ chức Đảng trong quân đội, lấy trung đội làm đơn vị cơ sở, củng cố các tổ chức chiến đấu và tiểu tổ du kích để lập những đơn vị Giải phóng quân mới ngoài khu giải phóng.

Sang ngày 15, được tin đích xác Nhật Hoàng đã ra lệnh cho quân đội hắn đầu hàng, Hội nghị toàn quốc của Đảng đang họp quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa và lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam. Một số chúng tôi ngừng họp và nhận nhiệm vụ. Tôi sẽ cùng Giải phóng quân tiến về phía Nam. Anh Song Hào về phía Tuyên Quang cùng các đồng chí ở đấy lãnh dạo nhân dân cướp chính quyền các tỉnh phía Tây.

Chiều ngày 16-8, một đơn vị Giải phóng quân tập họp dưới cờ làm lễ xuất phát tiến về Nam. Các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội đều có mặt dưới cây đa cổ thụ, cạnh ngôi nhà Hội đồng Cứu quốc xã Tân Trào để tiễn đưa bộ đội lên đường chiến đấu. Chưa bao giờ Tân Trào lại đón tiếp một đoàn người nhiều màu sắc như vậy.

Cùng với màu chàm của rừng núi quen thuộc, còn có màu nâu dày dặn của đồng bằng và những màu sắc tươi sáng của đô thị. Những chiến sĩ Giải phóng quân, quần áo đủ kiểu, mang trên người dấu vết của những cuộc vật lộn ác liệt với quân thù trên các nẻo đường rừng trên các triền núi đá Việt Bắc, tề tựu nghiêm trang dưới cờ nghe đọc bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa.

“Hỡi quân dân toàn quốc!

12 giờ trưa ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chính của chúng ta đã ngã gục.

Giờ tổng khởi nghĩa đã đến!

Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!

Mang nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn quốc cho đến ngày toàn thắng. Uỷ ban Khởi nghĩa đã thành lập.

Hỡi các tướng sĩ vô đội viên quân Giải phóng Việt Nam!

Dưới mệnh 1ệnh của Uỷ ban Khởi nghĩa, các bạn hãy tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch; đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước vũ khí của chúng! Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến!

Hỡi nhân dân toàn quốc!

Dưới mệnh lệnh của Uỷ ban Khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo quân Giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù.

Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!

Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn!

Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!''.

Trong lòng chúng tôi khi đó rạo rực lạ thường.

Trước mắt chúng tôi lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ hào quang, xa xa là nền trời xanh cao lồng lộng, tươi sáng vô cùng của nước Việt Nam giải phóng. Đoàn quân giải phóng, áo vải chân đất, rầm rập tiến về phía Nam trước những bàn tay vẫy chào chúc mừng thắng lợi, cất cao lời ca hùng tráng.

“Cờ giải phóng phất cao, mau thẳng tiến!

Trời phương Nam, dân chúng đang ngóng chờ, ''

Tại Tân Trào, lần đầu từ khi về, Bác ra mắt các đại biểu đồng bào Trung, Nam, Bắc. Quốc dân Đại hội đã lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng toàn quốc, chuẩn bị khi cần có thể trở thành Chính phủ nhân dân lâm thời… 

Trần Đoàn (ST)

Các tin khác

  • Học tập và làm theo phong cách làm việc của Bác Hồ (21/09/2022)
  • Gương mẫu tôn trọng luật lệ (02/06/2021)
  • Chú còn trẻ, chú vào hầm trú ẩn trước đi (02/06/2021)
  • Quả táo của Bác Hồ cho em bé (02/06/2021)
  • Mừng cho các cháu, Bác càng thương nhớ Mẹ (02/06/2021)
  • Làm sao lo cho các cháu ăn no, có quần áo mặc (02/06/2021)
  • Bác Hồ tăng gia rau cải (20/05/2021)
  • Việc chi tiêu của Bác Hồ (20/05/2021)
  • Bác Hồ là thế đấy (20/05/2021)
  • Sự ra đời của một bài thơ (20/05/2021)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối