Những mẫu chuyện về Bác

Bác Hồ với tiếng Anh

28/04/2021 05:45:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Qua tiếng Pháp, Bác học thêm tiếng Anh.

- Tại sao đi Anh?

- Bác nói là để học tiếng Anh.

Bác sang Anh có nhiều mục đích, nhưng chắc chắn cũng là để học thêm một thứ tiếng nước ngoài ở ngay trên đất nước nói tiếng đó. Bác muốn học được nhanh hơn, thuận lợi hơn nên sang Anh để có một môi trường tiếng Anh tốt hơn là ở đất Pháp. Tất nhiên, vẫn phải vừa làm vừa học. Ngày nay, đường phố Hâymakít lớn rộng giữa thủ đô Luân Đôn còn ghi dấu vết tiệm ăn khách sạn Cáclơtơn (Carlton Hotel), nơi khoảng năm 1914 Bác đã làm phụ bếp ở đấy. Khách sạn lớn nhất nước Anh hồi bấy giờ có ông ''vua bếp'' nổi tiếng là Étcốpphie được huân chương vinh dự. Cũng làm ở tiệm này có ông Nam, người đồng hương với Bác.

- Ai đưa anh đến đây, đến nước Anh?

- Tôi đến đây một mình để học tiếng Anh.

- Hay đấy, nhưng tiếng Anh rất khó học. Đã hai năm tôi ở thành phố này mà không biết hơn, ngoài hai chữ Yes và No (vâng và không).

- Phải học chứ. Chúng ta sẽ cùng nhau học.

Trước khi đến khách sạn này, Bác đã đi làm công việc đốt lò. “Ở đây thật đáng sợ'' vì luôn luôn ở trong cảnh “tranh tối, tranh sáng”, vì “trong hầm hết sức nóng, ngoài trời hết sức rét''. Không đủ quần áo nên Bác bị cảm, phải nghỉ việc luôn hai tuần. Khi Bác trả tiền thuê phòng, tiền bơ, bánh mì và tiền ''sáu bài học chữ Anh'' rồi trong túi chỉ còn vẻn vẹn có sáu hào rưỡi! Bác đã phải thắt lưng buộc bụng để học tiếng Anh trong một hoàn cảnh khó khăn như thế đấy!

Thường ngày, Bác phải làm từ 8 đến 12 giờ, chiều từ 5 đến 10 giờ. Phương tiện học là vài quyển sách và một cây bút chì. Sớm chiều, Bác đến ngồi ở Vườn hoa Hayđơ (Hyde Park) nơi có nhiều cây to, cột đèn cổ xưa để học. Vườn hoa Hayđơ là nơi mít tinh thị uy của nhân dân lao động ở Luân Đôn. Thật là một cuộc “gặp gỡ” kỳ thú! Trước kia, Lênin và Cơrúpxkaia cũng đã học tiếng Anh ở vườn hoa này! Có lần, khi đến thăm một lớp học. Bác nói rằng học tiếng nước ngoài phải kiên nhẫn, vượt khó, có lúc Bác phải ra Vườn hoa Hayđơ học vì ở đấy lạnh không buồn ngủ''.

Quả là như vậy, một ngày làm đến 9, 10 tiếng vất vả, ăn mặc thiếu thốn, tiếng Anh học đã khó lại thêm phương tiện, điều kiện chẳng có gì, Bác phải tự học, không thầy, không bạn, không trường, không lớp. Do đó, Bác phải tìm một chỗ học thuận lợi hơn, giúp thêm cho nghị lực quyết tâm và điều kiện học của mình hơn.

Đó là điều bình thường thôi. Dĩ nhiên, “hàng tuần vào ngày nghỉ”, Bác vẫn đi học tiếng Anh với một giáo sư người Ý.

Ở Anh không lâu, thời gian học cũng ngắn, thế nhưng trình độ tiếng Anh của Bác chẳng thua kém mấy so với tiếng Hán và tiếng Pháp là những thứ tiếng thành thạo của Bác. Bác học tiếng Anh chủ yếu trong thời gian này. Trong tờ báo Phong trào, số tháng 10 năm 1969, Rơnê Đipét có viết rằng: ''Trên đường đi tìm hiểu thế giới, ở mỗi nơi tàu dừng lại, “đối với anh Ba, đều là một trường đại học, ở đó anh đã trực tiếp thu lượm được những hiểu biết về sự tàn bạo của bọn tư bản. Tuy vậy, anh cảm thấy cần phải mở rộng kiến thức của mình bằng sách vở…Ở Luân Đôn, tại đây anh đã làm nhiều nghề khác nhau để có tiền ăn học. Trong thời gian chiến tranh, anh đã để thì giờ để nghiên cứu lịch sử thế giới, học tiếng Anh và suy nghĩ về tương lai của các dân tộc thuộc địa”.

Qua nhiều tư liệu, ta thấy Bác nói giỏi tiếng Anh, thông thạo văn hoá và lịch sử Anh, Mỹ - nhất là Mỹ. Bác đã dịch nhiều đoạn, nhiều câu rút trong báo chí Anh, Mỹ và các nước khác để đưa vào tiểu phẩm của mình. Tài liệu nói về Mỹ của Bác đã lên đến hàng mấy trăm bài với các thể loại khác nhau đề cập toàn diện và sâu sắc đến nước Mỹ (Bác ký nhiều tên khác nhau).

Qua thăm nhiều thành phố ở Mỹ như Oasinhtơn, Niu Yoóc, Bôstơn…xem nhiều sách báo Mỹ, những việc đó đã phần nào giúp Bác hiểu tường tận hơn để những dự đoán khoa học, kết luận cách mạng thiên tài hơn. Qua nghiên cứu ta thấy Bác là nhà lý luận về chủ nghĩa thực dân nói chung cũng như về chủ nghĩa thực dân kiểu mới nói riêng. Chính tiếng Anh (của Bác) đã giúp nhiều cho Bác trong hoạt động đó. Bác đã đọc biết bao nhiêu là sách tiếng Anh, nào là Uyliam Sếchxpia (1564 – l6l6), nhà viết kịch thời Phục hưng, nào là Sáclơ Đíchken (1812-1870), những nhà văn hiện thực phê phán vĩ đại, như là Hariétbítchơ Stao (1811- 1896)… cho đến đủ loại báo chí tiếng Anh như báoBang Oóclêăng mới báo tin tức hàng ngày ở Giắcxơn…Bản thân Bác cũng là một nhà báo đã từng viết bài bằng chữ Anh. Khi cùng làm việc với Bôrôđin, cố vấn Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ cách mạng Quảng Châu. Bác giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng trong đó có việc phiên dịch từ tiếng Hán sang tiếng Anh và ngược lại, Bác đã viết bài và phụ trách mục tuyên truyền cho tờ báo Quảng Đông ra hằng ngày bằng chữ Anh của Trung ương Quốc dân Đảng. Đó là những ngày cuối năm 1924 và đầu năm 1925. Trong thời gian ở Hương Cảng, Bác đã làm cho hãng Thông tấn Rớtsta của Anh và đã dành dụm tiền lương để nuôi anh em, đồng chí Việt Nam hoạt động ở đấy.

Bài viết chữ Anh của Bác thì nhiều lắm. Hiện nay, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng của ta còn giữ được Bản báo cáo của Bác gửi Quốc tế Cộng sản bằng chữ Anh (tháng 2 năm 1924), Bức thư Bác gửi Quốc tế Cộng sản (tháng 12 - 1924), bản “Đề nghị” (Proposition) và “Lời kêu gọi” (Appeal) bằng chữ Anh. Đó là những văn kiện lịch sử quan trọng.

Dưới sự chủ toạ của Bác, đại diện cho Quốc tế Cộng sản, Hội nghị thành lập Đảng họp vào ngày 3- 2-1930 đã thông qua các văn kiện của Đảng, trong đó có “Lời kêu gọi” này của Bác. Hiện nay ta vẫn chưa sưu tầm được bản gốc bằng tiếng Việt của văn kiện, do đó bản tiếng Anh của “lời kêu gọi'' kèm theo Bản báo cáo của Bác gửi cho Quốc tế Cộng sản (cũng vào dịp đó) có một ý nghĩa quan trọng đối với công việc nghiên cứu lịch sử Đảng .

Tiếng Anh còn được Bác dùng nhiều trong việc giao thiệp, tiếp xúc, họp báo. Qua cuốn sách của Trần Dân Tiên, ta được biết thêm một chuyện lý thú khác: “Cuối năm 1944, một chiếc máy bay Mỹ lượn trên Cao Bằng và bị hỏng máy. Phi công trẻ tuổi - trung uý Sao (Shaw) nhảy dù xuống một hòn núi gần tỉnh 1ỵ. Sao được Việt Minh cứu thoát.

Trước việc này Việt Minh đã chỉ thị cho các hội viên trong toàn quốc phải cố gắng giúp đỡ Đồng minh. Những người Việt Minh Nam Bộ đã liên lạc bí mật với nhiều lính Mỹ, Anh bị giam ở Sài Gòn nhưng vì không hiểu tiếng của nhau nên họ không thể thảo luận và làm những việc có ích hơn (…). Sao rất vui sướng khi được gặp Cụ Hồ gần biên giới. Từ một tháng nay nhịn nói, Sao bây giờ có thể tha hồ nói. Sao thỉnh cầu Cụ Hồ đi với mình đến Bộ Tổng tư lệnh không quân ở Côn Minh. Cụ Hồ vui vẻ nhận lời . Hai người chia tay sau năm ngày đi với nhau trên đất Trung Quốc (Tất nhiên là Sao đã được năm ngày tha hồ nói!). Bác đến Côn Minh (Vân Nam), người Mỹ gặp Bác để cảm ơn. Sau đó Bác đi Quảng Tây và gặp tướng Sennô (Chennault), Tổng tư lệnh Không quân Mỹ ở Trung Quốc. Qua nhiều ngày nói chuyện với tướng Sennô, với Đại tá Hêlioen (Heliwell), với Trung uý Sao,...Bác nắm được nhiều tình hình. Theo Giulơ Asơ trong cuốn Hồ Chí Minh - chuyện thần kỳ của Hà Nội, thì hồi ấy “trong khi chờ đợi, Cụ đã đồng ý dịch viết và dịch nói cho Bộ Thông tin chiến tranh của Mỹ” những tài liệu quan trọng lấy được của địch (tức của phát xít Nhật).

Qua tiếp xúc với nhiều hoạt động trên, Bác nắm được rất nhiều tin tức, Bác rất chủ động. Chúng phải tin, phục và kính nể Bác. Việt giúp Sao, việc đi thương lượng với phái bộ Đồng minh (Mỹ) ở Trung Quốc, việc nhận giúp đỡ các nạn nhân của Đồng minh thoát khỏi nanh vuốt phát xít Nhật 1à để thực hiện một sách lược phong phú và linh hoạt hết sức có lợi cho đấu tranh cách mạng. Hồi ấy Bác thường đến cơ quan Đồng minh Mỹ trong một khu rừng ở Việt Bắc, nhờ thạo tiếng Anh nên nghệ thuật ''tác chiến'' đối ngoại của Bác càng thêm tài tình. Theo R. Sáplên, trong Điều bí ẩn về cụ Hồ Chí Minh (Eaigma of Hồ Chí Minh) thì tháng 5 năm 1945 một trung uý Mỹ tên là Giôn nhảy dù xuống Việt Bắc với mục đích nhằm xây dựng một cơ sở giúp các cá nhân của đồng minh thoát khỏi vùng do phát xít Nhật chiếm đóng. Giôn đã sống và làm việc với Bác trong vài tháng.

Ngay lúc đó, Bác đã chuẩn bị cho bản ''Tuyên ngôn độc lập” vẻ vang của chúng ta sau này. Bác hỏi Giôn có thể nhớ một đoạn văn của bản ''Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ không? Anh ta trả lời rằng tôi là một người Mỹ bình thường, tôi không thể nhớ được. Tôi có thể gọi điện đến Côn Minh và sẽ có một bản thả xuống cho tôi''. Sau này Giôn rất khâm phục Bác: ''Cụ dường như thực sự biết (về bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ) hơn tôi. Thực tế là, Cụ đã biết hơn tôi về hầu hết mọi thứ''. Mãi sau này, Giôn vẫn còn giữ hai lá thư bằng chữ Anh mà Bác đã gửi cho anh ta ở trong rừng ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh. Trong thư ấy, Bác đã dùng cả những khẩu ngữ, ví dụ Bác dùng chữ Japs (mang nghĩa xấu, có nghĩa là bọn Nhật - phátxít).

Có lần, một vị Tổng thống của một nước bạn đến thăm. Ta đón tiếp nồng nhiệt. Khách cao tuổi đi không vững. Sau khi ôm hôn, Bác dìu khách đi chậm từng bước dọc theo tấm thảm nhung đỏ. Giản dị, chân tình và khiêm nhường, Bác đỡ vị khách lên bục. Khách nói tiếng Anh. Dù Bộ Ngoại giao ta đã bố trí người dịch giỏi, nhưng Bác không câu lệ thủ tục ngoại giao, nhằm tranh thủ chính trị nên đã dịch sang tiếng Việt cho mọi người nghe. Không khí gần lại. Giới ngoại giao ngạc nhiên và xôn xao. Việc làm ấy, bình thường không phải công việc của một chủ tịch nước, nhưng đã có sức cảm hoá lớn. Người ta thấy ngay vẻ ngạc nhiên, kính cẩn của các vị khách đối với ''người phiên dịch'' hiếu khách, quý bạn vĩ đại này. Ngày lên đường, trong diễn văn từ biệt, vị khách nhiều hơn Bác đến sáu tuổi và 1à người đứng đầu của một nước lớn này, đã kính trọng gọi Bác là ''người anh cả''.

Bác nghe tiếng Anh cũng thạo. Trước cách mạng, hồi còn ở Trung Quốc, Bác đã phải nghe máy thu thanh để theo dõi tin tức quốc tế nhằm phục vụ cho công tác cách mạng. Bác kể lại rằng: Việc nghe rađiô cũng không dễ, vì lần này là lần đầu tiên mó tay đến cái máy thu thanh, không biết đài nào phát, phát giờ nào và làn sóng nào Bác thức suốt năm đêm, vặn đi vặn lại tìm nghe. Đến khuya đêm thứ sáu mới nghe được đài Luân Đôn.

Qua một số mẩu chuyện trên, ta thấy Bác giỏi tiếng Anh về nhiều mặt, cũng vì vậy nên không ai lấy làm ngạc nhiên khi trong thiên hồi ký của mình, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhắc đến chuyện hồi còn hoạt động bí mật ở Trung Quốc nhiều đồng chí Trung Quốc ở Quế Dương cứ mong đồng chí Hồ Quang (một bí danh của Bác) đến công tác để dạy họ “nói tiếng Nga và tiếng Anh”.

Đồng chí Hoàng Xuân Sính (giáo sư, tiến sĩ toán học) cũng nhớ một kỷ niệm xa xưa khi mình còn niên thiếu (khoảng 1945-1946).

Bác đến thăm trường nữ trung học ở Hà Nội. Sính đang học bài tiếng Anh thì Bác vào, theo sau là cô Hiệu trưởng. Cả lớp bật dậy vỗ tay nồng nhiệt. Bác ra hiệu ra hiệu cho tất cả ngồi xuống và Sính được tiếp tục được đọc bài ghép vần. Giọng Sính không được bình thường vì cô bé xúc động trong niềm vui sướng bất ngờ. Vì thế Sính phát âm sai khá nhiều. Bác đến gần Sính và ôn tồn đọc lại cho nghe những câu trong bài. Sính chăm chú đọc theo Bác, nhưng cảm động nên vẫn đọc sai. Bác kiên trì chữa lại cho từng câu. Hơi nghiêng người về phía Sính, hai tay đưa lên cổ khích lệ, Bác nói dịu dàng: “Cháu đọc thế này mới đúng”.

Trần Đoàn (ST)

Các tin khác

  • Học tập và làm theo phong cách làm việc của Bác Hồ (21/09/2022)
  • Gương mẫu tôn trọng luật lệ (02/06/2021)
  • Chú còn trẻ, chú vào hầm trú ẩn trước đi (02/06/2021)
  • Quả táo của Bác Hồ cho em bé (02/06/2021)
  • Mừng cho các cháu, Bác càng thương nhớ Mẹ (02/06/2021)
  • Làm sao lo cho các cháu ăn no, có quần áo mặc (02/06/2021)
  • Bác Hồ tăng gia rau cải (20/05/2021)
  • Việc chi tiêu của Bác Hồ (20/05/2021)
  • Bác Hồ là thế đấy (20/05/2021)
  • Sự ra đời của một bài thơ (20/05/2021)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối