Hoạt động nghiệp vụ

Vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và hoàn thiện chủ trương phát triển

31/07/2024 03:38:37PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Những năm qua, Long An thường xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và hoàn thiện chủ trương phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh đạt nhiều kết quả.

Nghiên cứu, vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và hoàn thiện chủ trương phát triển kinh tế-xã hội. Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến sự phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trước tình hình trên, trong quá trình đề ra các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Long An luôn nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với điều kiện tình hình của địa phương. Trong đó tập trung vào 04 nội dung chủ yếu như sau:

Kế thừa tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Long An luôn xác định yếu tố con người giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển con người. Cụ thể, tỉnh đã chọn Chương trình “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh” là một trong 03 chương trình đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025. Cụ thể hóa Chương trình này, ngày 15/4/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh Long An. Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh ủy các sở, ngành, địa phương đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện ở ngành, địa phương, đơn vị mình. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đồng thời xác định đây là nguồn lực quan trọng trong việc phát triển KT-XH của địa phương hiện tại và kể cả trong tương lai. Bên cạnh đề án xuất khẩu lao động, Long An cũng ban hành các chính sách thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh theo Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong đó, chú trọng việc thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn gắn với yêu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước đột phá để tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Kế thừa tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”, trong quá trình hoạch định và ban hành các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, luôn chú trọng đến lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân lên trên hết, trước hết; luôn cầu thị và lắng nghe ý kiến của nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân,... Đặc biệt năm 2023, lần đầu tiên tỉnh Long An tổ chức Cuộc vận động “Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An”. Có thể nói đây là diễn đàn để tập hợp, lắng nghe và ghi nhận ý kiến đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm của các tầng lớp nhân dân vì mục tiêu xây dựng tỉnh “Long An giàu mạnh - người dân vui vẻ, hạnh phúc - xã hội an toàn, văn minh - chính quyền trong sạch, vững mạnh”.

Quan điểm phát triển kinh tế phải gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiến bộ xã hội, văn hóa và đạo đức. Kế thừa tư tưởng của Người, thời gian qua, tỉnh Long An đã tập trung, phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Yếu tố bền vững luôn là vấn đề then chốt trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của địa phương. Việc đầu tư, phát triển kinh tế phải hướng đến mục tiêu phục vụ nhân dân, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động đến môi trường, để lợi ích của các doanh nghiệp không trái ngược với lợi ích của địa phương và của người dân. Để đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, kinh tế với tiến bộ xã hội – đạo đức, kinh tế với môi trường tự nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh Long An luôn chú trọng xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; gìn giữ môi trường, môi sinh. Bên cạnh đó, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội của tỉnh luôn hướng đến sự phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Long An đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ sang hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đó là sự cân bằng giữa hiện đại và truyền thống, giữa kinh tế và văn hóa - xã hội. Có thể nói, Long An là một trong số ít địa phương xây dựng và ban hành một Nghị quyết chuyên đề về văn hóa. Trong đó, Tỉnh ủy chủ trương, không chỉ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong chính trị mà còn phải tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong kinh tế và trong nhân dân.

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đồng thời với mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế: Tỉnh Long An luôn có chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Quan điểm thu hút đầu tư của tỉnh Long An là sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu,... Các doanh nghiệp đầu tư vào Long An luôn được quan tâm, lắng nghe, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để phát triển một cách bình đẳng. Hằng năm, tỉnh Long An luôn duy trì việc tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh cho rằng đây là dịp để lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành trong tỉnh và các Doanh nghiệp FDI có cơ hội gặp mặt, nắm bắt yêu cầu, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các Doanh nghiệp FDI trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để có sự điều chỉnh kịp thời, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh đóng góp cho sự phát triển của kinh tế địa phương. Tỉnh Long An cũng đã hoàn thiện và đưa vào vận hành Bản đồ số cơ sở dữ liệu về thông tin quy hoạch, xúc tiến đầu tư của tỉnh (https://gis.longan.gov.vn) giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đầy đủ các thông tin về môi trường đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư tỉnh Long An giai đoạn 2021-­2025, bao gồm 25 dự án thuộc các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh như đô thị, dịch vụ; logistics; nông nghiệp; y tế; văn hóa - du lịch; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; môi trường.

Nghiên cứu vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc hoàn thiện chủ trương bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ tịch Hồ chí Minh về quốc phòng, an ninh, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Long An đã kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân được quan tâm; trong đó, công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng theo quy định tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, làm tiền đề ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ vậy, các tiềm lực trong khu vực phòng thủ đều được quan tâm, đầu tư xây dựng ngày càng vững mạnh; tiềm lực chính trị - tinh thần từng bước được tăng cường, hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt là “thế trận lòng dân” ngày càng được củng cố vững chắc. Điểm nổi bật là, tỉnh đã tập trung xây dựng lực lượng thường trực đủ mạnh, ưu tiên bảo đảm quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, trên tuyến biên giới và các hoạt động phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn,… kịp thời xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Về xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ để động viên cho quốc phòng được cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm. Tỉnh Long An xác định “phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên”. Tập trung thực hiện tốt việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh ngay từ khâu quy hoạch, trong từng dự án, từng công trình xây dựng; đồng thời, đảm bảo các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn kết chặt chẽ với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và ngược lại. 

Công tác lập quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp đều được tỉnh rà soát, thẩm định chặt chẽ, chú trọng những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh. Việc quy hoạch, xây dựng các công trình có tính “lưỡng dụng”, như: hệ thống giao thông, tuyến dân cư vượt lũ, bệnh xá quân dân y, dự án trồng rừng,... được tỉnh đặc biệt quan tâm, đảm bảo vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tạo thế liên hoàn trong bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về việc kế thừa phương châm toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh tại địa phương: Thời gian qua, tỉnh Long An luôn đảm bảo sự nhất quán, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, lấy lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt, bên cạnh đó tỉnh cũng thực hiện tốt chủ trương phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, đặc biệt là ở các khu vực biên giới trong công tác tuyên truyền, bảo vệ đường biên, cột mốc. Thực hiện tốt phương châm: lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện làm nền tảng, gắn bó chặt chẽ, liên hoàn với thế trận của khu vực phòng thủ cấp huyện và tỉnh; nhất là đảm bảo cả về tiềm lực, lực lượng, thế trận trên các mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tỉnh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và xây dựng Điểm dân cư liền kề đồn, trạm, chốt Biên phòng theo kế hoạch; triển khai thực hiện chủ trương chăm sóc, trồng tre gai bên trong đường tuần tra biên giới. Cùng với đó là chủ trương đẩy mạnh các hoạt động tăng gia, sản xuất; quan tâm đầu tư ngân sách xây dựng sở chỉ huy, các công trình trong khu vực phòng thủ then chốt, nhất là các công trình “cốt lõi” của căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, các xã trọng điểm, biên giới bảo đảm chất lượng, hiệu quả, bí mật, an toàn, vững chắc, lâu dài.

Phòng LLCT, LSĐ

Các tin khác

  • Tỉnh Long An trong việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế (20/08/2024)
  • Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc đề ra giải pháp phát triển kinh xã hội của tỉnh Long An (31/07/2024)
  • Đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm việc tại Long An (25/07/2024)
  • Công tác giáo dục lý luận chính trị của các địa phương, đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2024 (25/07/2024)
  • Công tác giáo dục lý luận chính trị 6 tháng đầu năm 2024 (25/07/2024)
  • Công tác lịch sử Đảng ở các địa phương, đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2024 (24/07/2024)
  • Công tác lịch sử Đảng 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực (24/07/2024)
  • Công tác thông tin tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sau 03 năm Kết luận số 01-KL/TW (15/06/2024)
  • Đoàn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khảo sát việc thực hiện Kết luận 94-KL/TW (15/06/2024)
  • Đang cập nhật (05/06/2024)
  • Trang đầu 1 Trang cuối