Hoạt động nghiệp vụ

Một số vấn đề về xây dựng chuẩn mực con người Long An

31/08/2023 03:51:36PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, có tác động sâu rộng đến toàn bộ các hoạt động của đời sống xã hội. Văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người và bản sắc, cốt cách của dân tộc. Nói đến văn hóa là nói đến con người, vì văn hóa là của con người, do con người và vì con người. Con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng trực tiếp hưởng thụ các giá trị văn hoá. Vì vậy, quá trình xây dựng, phát triển văn hóa cũng chính là quá trình xây dựng con người; trong đó, xây dựng chuẩn mực con người vừa là yêu cầu khách quan, vừa mang tính cấp thiết nhằm góp phần xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Xây dựng chuẩn mực con người là tìm kiếm những giá trị, phẩm chất, đặc tính tốt đẹp của con người, nhằm định hướng cho mỗi cá nhân phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình. Mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có những thước đo, những chuẩn mực khác nhau và những thước đó, chuẩn mực đó sẽ được kế thừa, bổ sung và phát triển cho phù hợp với đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử.

Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đề ra nhiệm vụ phải xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với 05 đức tính sau: (1) Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. (2) Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung. (3) Có lối sống lành mạnh, nếp sống vǎn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. (4) Lao động chǎm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, nǎng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội. (5) Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chuẩn mực mới để định hướng xã hội. Chính vì vậy, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định một trong những mục tiêu cụ thể là: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”.

Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề bất cập trong thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa và con người đã nảy sinh. Để chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCHTW Đảng (khóa XI), ngày 4/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 76-KL/TW. Kết luận chỉ rõ, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) tiếp tục đặt ra vấn đề xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình, trong tương quan với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa.

Ngày 24/11/2021, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc;…” và đã đúc kết, khái quát các giá trị con người Việt Nam bao gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Đây có thể xem là những giá trị, những chuẩn mực cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay.

Như vậy, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, trong đó có con người Long An, vừayêu cầu khách quan, vừa mang tính cấp thiết nhằm góp phần xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa và con người, Đảng bộ tỉnh Long An đã quán triệt, cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện nghiêm trên địa bàn tỉnh. Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 24/11/1998 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đề ra 6 chương trình và 4 giải pháp cụ thể, trong đó có việc xây dựng con người trong giai đoạn phát triển mới. Trên cơ sở quán triệt 5 đức tính cơ bản của con người Việt Nam được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), Chương trình hành động số 13-CTr/TU đã xác định nhiệm vụ xây dựng con người là phải:Giáo dục nâng cao tinh thần yêu quê hương đất nước, ý thức sống cộng đồng, sống nhân nghĩa, lành mạnh, tôn trọng pháp luật, qui ước xóm làng, không ngừng học tập nâng cao kiến thức, trình độ nghề nghiệp, lao động sáng tạo, trung thực có năng suất cao”.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) trên địa bàn tỉnh, tính cố kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn và phát huy; những nhân tố mới với những nhận thức, hành động mang đậm tính nhân văn trên các lĩnh vực đời sống xã hội xuất hiện ngày càng nhiều và có sức lan tỏa mạnh; hình thành một số mô hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; một số chuẩn mực đạo đức truyền thống được bổ sung các giá trị tích cực như: Khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp, thiết thực của người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng con người trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) vẫn còn có mặt hạn chế. Vẫn còn một số biểu hiện trái thuần phong mỹ tục, tội phạm, tệ nạn xã hội và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng Chương trình số 38-CTr/TU ngày 17/10/2014. Theo đó, mục tiêu cụ thể trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên của tỉnh Long An là: “Xây dựng và thực hiện tốt các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam xứng đáng với truyền thống của dân tộc và truyền thống Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”; tạo môi trường thuận lợi để mỗi cá nhân phát triển về nhân cách, đạo đức, lối sống, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước và quê hương Long An”. Chương trình số 38-CTr/TU cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng con người Long An phát triển toàn diện, trong đó phải “Xây dựng con người có lối sống trung thực, giàu lòng nhân ái…; có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội…”. Với Chương trình số 38-CTr/TU, các chuẩn mực con người Long An đã được cụ thể hóa từ các đặc tính cơ bản của con người Việt Nam nói chung phù hợp đặc trưng văn hóa địa phương.

Tiếp theo đó, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 04/01/2023 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết này được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và những kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm sau 08 năm thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU, ngày 17/10/2014 của Tỉnh ủy. Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 04/01/2023 xác định nhiệm vụ: “Xây dựng con người Long An có lòng yêu nước, đoàn kết, có lối sống trung thực, có ý thức chấp hành pháp luật; tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội với các đặc trưng nổi bật “Đoàn kết, tự cường, sáng tạo, nghĩa tình, trách nhiệm”. Với việc đề ra những đặc trưng này, lần đầu tiên những chuẩn mực cụ thể của con người Long An được xác định cụ thể nhất, rõ ràng nhất. Ngoài yêu nước là chuẩn mực cơ bản nhất, cốt lõi nhất và xuyên suốt nhất, thì các đặc trưng “Đoàn kết, tự cường, sáng tạo, nghĩa tình, trách nhiệm” được lựa chọn để định hướng mỗi cá nhân và toàn xã hội phấn đấu đạt được. Đó là sự kế thừa, bổ sung và phát triển các chuẩn mực con người Long An trong bối cảnh cùng với cả nước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đoàn kết là sự hợp tác, góp sức để kết thành một khối thống nhất về cả tư tưởng lẫn hành động nhằm thực hiện một mục đích chung, đem lại lợi ích chung cho tập thể. Đây là truyền thống từ hàng ngàn năm qua của dân tộc ta, bắt nguồn từ sự gắn kết trong mỗi gia đình, dòng họ, làng xã..., nhất là khi đứng trước thiên tai, địch họa đe dọa sự tồn vong của cộng đồng, dân tộc. Đây là giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần kế thừa và phát huy nhằm tạo nên sức mạnh to lớn để phát triển xã hội bền vững, nhất là trong bối cảnh mặt trái của cơ chế thị trường tác động tiêu cực đến mối quan hệ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội.

Tự cường có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, tự mình lo công việc của mình, tự tạo sức mạnh cho mình, không lệ thuộc vào người khác. Đó cũng chính là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân.

Sáng tạo là luôn suy nghĩ để tìm ra cách làm mới đạt hiệu quả tốt nhất; dám nghĩ, dám làm khác những gì đã có. Sáng tạo đòi hỏi một tư duy năng động, một tinh thần tự chủ, linh hoạt trong mọi việc; biết phát huy năng lực bản thân và có ý thức học hỏi tri thức xã hội. Sáng tạo là đức tính rất cần thiết, là đức tính nổi bật của con người mới hiện nay.

Nghĩa tình là tình yêu thương, lòng chân thành, biết chia sẻ, biết sống vì mọi người; không ích kỷ, không tranh giành quyền lợi; không tự phụ, tự cao, tự đại. Nghĩa tình không chỉ là xây dựng lối sống hòa thuận trong mỗi gia đình, có tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng mà còn là tinh thần quốc tế trong sáng, vượt qua ranh giới quốc gia, dân tộc, giai cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình, có nghĩa là như thế. Từ khi có Đảng lãnh đạo và giáo dục, định nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu, bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa[1]. Lối sống có nghĩa, có tình là một chuẩn mực mà con người Long An phải tiếp tục giữ gìn, phát huy.

Trách nhiệm là việc mà mỗi người phải làm và phải có ý thức đối với những việc làm đó. Con người Long An phải là người sống có trách nhiệm, trước hết là đối với bản thân, tiếp đến là đối với gia đình, xã hội, đất nước. Sống có trách nhiệm được thể hiện ở việc luôn chủ động trong mọi việc, biết làm chủ bản thân bằng khả năng độc lập, tự chủ, tự tin phát huy năng lực bản thân, dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng chịu trách nhiệm về những việc đã làm; luôn suy nghĩ và hành động vì cộng đồng. Trách nhiệm là đức tính rất cần thiết đối với mỗi cá nhân.

Là cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, giữ vị trí kết nối giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, con người Long An luôn đoàn kết, tự cường, sáng tạo, nghĩa tình, trách nhiệm, vượt mọi khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Nhiều chủ trương lớn có tính đột phá, thể hiện sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tỉnh như: thực hiện cơ chế “một giá”, xóa bao cấp trên lĩnh vực phân phối lưu thông, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới kinh tế của Đảng; thực hiện chương trình khai mở vùng Đồng Tháp Mười, biến Đồng Tháp Mười từ một vùng hoang hoá, kém phát triển thành vùng trọng điểm lương thực của tỉnh; xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, chương trình đột phá về kinh tế- xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn, tạo động lực mạnh mẽ đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển, trở thành một trong những địa phương năng động trong khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Là một trong những địa phương “tâm dịch” của cả nước, năm 2021, tỉnh Long An đã trải qua những tháng ngày vô cùng khó khăn trong đại dịch Covid-19. Và cũng chính trong thời điểm khó khăn nhất, truyền thống “trung dũng, kiên cường”, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường và lối sống nghĩa tình của con người Long An thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bằng những giải pháp quyết liệt và linh hoạt, tỉnh Long An đã ứng phó nhanh chóng, hiệu quả với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid- 19, hoàn thành “mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế và ổn định xã hội; đồng thời hỗ trợ một số địa phương bạn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống đại dịch Covid-19.

Để xây dựng con người Long An với các đặc trưng “Đoàn kết, tự cường, sáng tạo, nghĩa tình, trách nhiệm”, Tỉnh ủy Long An đã chỉ đạo phải tăng cường sự lãnh đạo của các ủy đảng và quản lý nhà nước của chính quyền về xây dựng văn hóa, con người; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng và phát triển văn hóa, con người; chăm lo, tạo điều kiện để con người Long An phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ; quan tâm công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, nhân cách, lối sống, tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, tự hào về truyền thống lịch sử - văn hóa, tự hào về thành tựu của đất nước và địa phương trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Trong thời gian tới, nhất là sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 04/01/2023 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo”,  Tỉnh ủy sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển các chuẩn mực con người Long An phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thảo Lê

 

[1] Hồ Chí Minh: Tuyển tập, t2, NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, trang 486-487.

Các tin khác

  • Kết quả 03 năm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận số 01-KL/TW (04/06/2024)
  • Kết quả tình hình hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện (04/06/2024)
  • Kế hoạch tổ chức thẩm định Kỷ yếu “Long An nhân kiệt” Tập 1 (04/06/2024)
  • Hội nghị tuyển chọn nhiệm vụ khoa học “Biên soạn Quyển Địa chí Long An theo quy chuẩn địa chí quốc gia Việt Nam” (25/05/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tổng kết 10 năm kết luận 94- KL/TW (20/05/2024)
  • Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn tỉnh Long An (16/05/2024)
  • Công tác giáo dục lý luận chính trị quý I và phương hướng hoạt động quý II năm 2024 (16/05/2024)
  • Huyện Cần Đước họp bàn biên soạn tập sách ảnh Đình Vạn Phước (10/05/2024)
  • Long An ban hành Chỉ thị thực hiện Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới (10/05/2024)
  • Những hoạt động nổi bật của lĩnh vực khoa giáo trong quý I năm 2024 (26/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối