Hoạt động nghiệp vụ

Long An ban hành Chương trình về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

12/10/2024 10:50:57AM
Màu chữ Cỡ chữ

   Ngày 26/9/2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chương trình số 59-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư (khoá XIII) về “Đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.

Thời gian qua, công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; các chương trình nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp được tổ chức rộng rãi. Các hoạt động này đã góp phần tích cực trong việc bảo đảm công bằng và an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, người tiêu dùng; ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn, sức khỏe và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Tuy nhiên, công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng có mặt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức doanh nghiệp và người dân có lúc, có nơi chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa thường xuyên; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách đối với tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng chưa phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; năng lực quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế; chưa tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất có tiêu chuẩn chất lượng cao đủ năng lực cạnh tranh và xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Công tác đầu tư và phát triển các tổ chức dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng còn thiếu quy hoạch, thiếu đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thống nhất, các biện pháp xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, làm giảm đi hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xác định công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng là công cụ quản lý nhà nước có đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công bằng, an sinh xã hội, an toàn sức khỏe, môi trường và sự phát triển triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, tổ chức, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030, nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển của tỉnh. Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học và công nghệ tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng và yêu cầu phát triển của tỉnh. Mở rộng lĩnh vực cung cấp dịch vụ của Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Thông tin Khoa học và Công nghệ Long An và các tổ chức dịch vụ kỹ thuật của tỉnh về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. Đổi mới hình thức, cách thức quản lý, giám sát, thanh tra kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phù hợp với tình hình hiện nay và theo quy định của pháp luật. Tăng cường thiết lập danh mục các chuẩn đo lường chính thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh, đảm bảo liên kết chuẩn đến quốc gia. Chủ động, tích cực trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo với cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành có hoạt động mạnh về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng, xây dựng dữ liệu hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từng bước đưa nội dung đào tạo về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng vào một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh.

Tầm nhìn các năm tiếp theo, tiếp tục triển khai các mục tiêu, định hướng đã đề ra ở những năm trước, trọng tâm là tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tiên tiến, hiện đại, hội nhập, đồng bộ với đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân lực đảm bảo số lượng và chất lượng, đủ năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hiệu quả.

Để thực hiện các quan điểm, mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp sat với tình hình thực tế của tỉnh. Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục phổ biến, quán triệt, triển khai, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư gắn với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, phát triển của tỉnh và trong đời sống xã hội; về ý nghĩa của việc sản xuất, tiêu dùng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng. Qua đó, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền thông qua các hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội, internet, phát huy ưu thế của tuyên truyền miệng và công cụ trực quan. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác vận động, tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác phát triển tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ở địa phương.

Hai là, ban hành cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Rà soát, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng bảo đảm khả thi, đồng bộ, hiệu quả phù hợp tình hình thực tế của tỉnh, đồng thời đảm bảo phù hợp các quy định hiện hành. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Chuyển hình thức kiểm soát đối tượng, công đoạn cụ thể sang quản lý chuỗi sản phẩm, từ khâu nghiên cứu tiền sản xuất, tổ chức sản xuất đến tổ chức phân phối, lưu thông, tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong các ngành, lĩnh vực, như ứng dụng các giải pháp về chuyển đổi số, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến… để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển thương mại, thị trường xuất, nhập khẩu. Tiếp tục duy trì tổ chức và hoạt động của cơ quan đầu mối quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ở địa phương đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với quy định hiện hành. Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, mở rộng phạm vi, các lĩnh vực cung cấp dịch vụ của tổ chức dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, mở rộng phạm vi, các lĩnh vực cung cấp dịch vụ của Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Thông tin Khoa học và Công nghệ Long An và các tổ chức dịch vụ kỹ thuật của tỉnh về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, đáp ứng yêu cầu quản lý theo quy định quốc gia và phù hợp thông lệ quốc tế.

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đảm bảo số lượng và chất lượng theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 15/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trường nghề về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; năng suất; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa; mã số, mã vạch... Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị, các cấp ủy, tổ chức đảng và các doanh nghiệp liên quan; gắn đào tạo, bồi dưỡng với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn, chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. 

Bốn là, quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tập trung, tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học và công nghệ tương xứng với vị trí, vai trò. Quan tâm đầu tư trang thiết bị, tiềm lực khoa học công nghệ lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho các huyện, thị xã, thành phố nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ở địa phương, cơ sở. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực đối với tổ chức thực hiện nhiệm vụ về kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị kiểm định, kiểm nghiệm đạt chuẩn theo quy định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương. Đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong các ngành, lĩnh vực để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quan tâm đầu tư nguồn lực cho hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng lĩnh vực quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng ở địa phương theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhằm tạo môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định; bảo đảm an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Có chính sách khuyến khích, kịp thời khen thưởng và có biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Sáu là, tích cực hội nhập quốc tế về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng; cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới, nhất là với các quốc gia có năng lực kiểm định tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tiên tiến. Đẩy mạnh xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao năng lực hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, năng suất chất lượng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

An Châu

Các tin khác

  • Kết quả hoạt động trên các lĩnh vực khoa giáo quý III năm 2024 (12/10/2024)
  • Kết quả hoạt động công tác khoa giáo quý III năm 2024 (12/10/2024)
  • Kết quả bồi dưỡng, tập huấn lý luận chính trị hè năm 2024 trên địa bàn tỉnh Long An (12/10/2024)
  • Hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2024 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (29/08/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ khảo sát việc triển khai công tác bồi dưỡng chính trị hè tại Kiến Tường, Vĩnh Hưng (29/08/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ khảo sát việc triển khai công tác bồi dưỡng chính trị hè tại huyện Tân Trụ (20/08/2024)
  • Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại Long An (20/08/2024)
  • Đoàn công tác của Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc tại Long An (31/07/2024)
  • Công tác văn hóa, văn nghệ quý II và nhiệm vụ trọng tâm quý III năm 2024 (24/07/2024)
  • Kết quả thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực khoa giáo trong quý 2 năm 2024 (12/07/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối