Hoạt động nghiệp vụ

Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Long An

08/05/2023 03:53:13PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Ngày 04/7/2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Chỉ thị số 24-CT/TW về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; ngày 03/12/2008 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1279-CV/TU, về “Tăng cường chỉ đạo phát triển nền đông y và Hội Đông y trong tình hình mới ”.

Trong 15 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Đông y và ngành Đông y của tỉnh phát triển. Quan tâm xây dựng chính sách đào tạo nhân lực, thực hiện chế độ tài chính, chính sách đối với cán bộ đông y. Các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có đông y được các cấp ủy, chính quyền đưa vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chỉ đạo, lãnh đạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân có khả năng về tài chính và chuyên môn đâu tư thành lập cơ sở chẩn trị, đào tạo nhân lực, sản xuất kinh doanh các loại thuốc đông y và phát triển các vùng dược liệu. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành, liên ngành được triển khai thực hiện thường xuyên nhằm kiếm soát chất lượng thuốc, phòng, chống thuốc giả, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm, đặc biệt là các hoạt động lợi dụng y học cổ truyền để hành nghề mê tín dị đoan.

Mạng lưới y dược cổ truyền được phát triển về số lượng và chất lượng, qua các giai đoạn, các đơn vị thay đổi, phát triển, gia tăng số lượng giường bệnh, số lượt khám chữa bệnh nội trú ngày một tăng, hoàn thiện bộ máy hoạt động, nâng cao chất lượng, trình độ của các cán bộ y tế hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có 110 giường nội trú. Toàn tỉnh có 13/15 huyện, thị có khoa Y học cổ truyền; 208 cơ sở hành nghề Đông y được Sở Y tế cấp phép và 120 Tổ chẩn trị trong Trạm y tế, trong đó có 167 phòng chẩn trị tư nhân, 26 phòng chẩn trị miễn phí, 15 đại lý thuốc Đông y và dịch vụ Đông y.

Công tác khám chữa bệnh bằng Đông y và kết hợp Đông y với y học hiện đại trong khám chữa bệnh phục vụ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư; cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; việc kết hợp chặt chẽ các phương pháp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị đã đem lại hiệu quả cao. Trong 15 năm qua, các phòng chẩn trị đã khám chữa bệnh cho hơn 15 triệu lượt người, bốc thuốc nam, bắc gần 58 triệu thang, điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc cho gần 7,3 triệu lượt người; trong đó, khám chữa bệnh miễn phí cho gần 9,6 triệu lượt người, cấp phát gần 42,2 triệu thang thuốc, điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc cho gần 5,3 triệu lượt người, cấp gần 122.000 kg thuốc thành phẩm; tổng trị giá miễn phí trên 337,5 tỷ đồng.

Việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí phần lớn được thực hiện tại các phòng chẩn trị miễn phí trong Chùa Tịnh độ, Thánh thất Cao Đài và các Tổ Đông y trong Trạm y tế, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa. Công tác phổi hợp Đông y và Tây y trong khám chữa bệnh phục vụ sức khỏe nhân ở tuyến cơ sở đạt hiệu quả cao và góp phần cùng ngành Y tế xây dựng xã đạt chuấn quốc gia và xã tiên tiến y học cổ truyền theo Bộ tiêu chí mới. Hội Đông y các cấp đưa lương y vào khám chữa bệnh tại 120 tổ Đông y trong các Trạm Y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng Đông y, góp phần cùng ngành Y tế xây dựng xã tiên tiến y học cổ truyền theo Bộ tiêu chí mới. Đến nay, toàn tỉnh có 30 xã đạt tiến tiến y dược cổ truyền.

Các cơ chế, chính sách về công tác Đông y được tỉnh tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Tỉnh đã nghiên cứu, ban hành các chính sách về phát triển nguồn nhân lực đối với ngành y tế, trong đó có Đông y, từ đó đáp ứng một phần nhu cầu về nhân lực của địa phương về lĩnh vực này. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế như Nghị quyết số 264/2016/NQ-HĐND, về đào tạo nguồn nhân lực ngành y yế giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; Nghị quyết 17/2022/NQ-HĐND, về quy định chính sách thu hút nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2022-2025;...

Đến nay, các cấp Hội đã trồng 270 vườn thuốc nam mẫu có từ 40- 60 loại cây để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và cộng đồng với diện tích khoảng 25.240 m2; trong vườn, mỗi hội viên trồng nhiều loại thuốc làm rau ăn vừa làm cây cảnh dưới dạng “Tủ thuốc xanh ” tại gia đình với phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn” để trị một số bệnh thông thường và đưa Đông y vào cộng đồng góp phần cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng Đông y. Hội phối hợp với Trạm y tế củng cố 188 vườn thuốc mẫu (tổng diện tích khoảng 7.520 m2) trong trạm có từ 40- 60 cây thuốc theo danh mục của Bộ Y tế và cây thuốc quý có tại địa phương để tuyên truyền trong cộng đồng. Các cấp Hội còn trồng 16 vườn thuốc, mỗi vườn trên 3.000 m2 (tổng diện tích khoảng 77.000 m2) trồng trên 200 loại dược liệu khác nhau tại các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Cần Đước và thành phố Tân An để cung cấp thuốc nam cho các phòng chẩn trị miễn phí trong tỉnh, vừa trao đổi dược liệu với các tỉnh bạn tạo nguồn thuốc dồi dào phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Ngoài ra, tỉnh có Công ty cổ phần Nghiên cứu và Bảo tồn Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười (xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) với diện tích trên 1.041 ha đất, trong đó có 25 ha trồng, lưu giữ nguồn gen của hơn 80 loại cây thuốc quý để chiếc xuất tinh chất cung cấp cho các Công ty sản xuất dược liệu vừa là khu du lịch sinh thái rất hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Năm 2016, thực hiện Công văn số 50/CV-HĐY, ngày 27/5/2016 của Trung ương Hội Đông y Việt Nam về việc “Tiếp tục triển khai một số nội dung trong đợt thi đua không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu ”, tất cả các lương y trong phòng chẩn trị đều đăng ký vào phiếu cam kết không sử dụng mật gấu trong ngành Đông y, hưởng ứng việc bảo tồn các loài gấu bằng việc kê đơn, bốc thuốc có sử dụng cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu.

Hiện nay, có một số phòng chẩn trị ứng dụng việc phơi sấy thuốc bằng năng lượng mặt trời, với công nghệ hiệu ứng nhà kính thuốc đạt chất lượng, ít tốn công, nhất là vào mùa mưa thuốc không bị ẩm mốc ở huyện Bến Lức, Cần Giuộc, thành phố Tân An, Cần Đước mô hình này đang nhân rộng trong các phòng chẩn trị miễn phí.

Tỉnh có 03 cơ sở sản xuất 60 mặt hàng thuốc Đông dược và thực phẩm chức năng được Bộ Y tế cấp phép lưu hành toàn quốc.

Tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và tập thê thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh về đông y, đông y - tây y kết hợp. Hiện nay, ngoài các cơ sở khám chữa bệnh công lập, nhiều tổ chức, cá nhân đã thành lập phòng khám bệnh, có sử dụng phương pháp điều trị y học cổ truyền; nhiều lương y mở phòng khám tại nhà phục vụ nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 167 phòng chẩn trị tư nhân, 26 phòng chẩn trị miễn phí. Tỉnh đã xây dựng các Tổ sưu tầm, thu hái và vận động nhân dân đóng góp dược liệu trồng tại gia đình nhằm bổ sung nguồn thuốc cho các phòng chuẩn trị miễn phí.

Đến nay, Hội Đông y đã có 3 cấp hoạt động từ tỉnh đến cơ sở; toàn tỉnh có 14/15 huyện, thị, thành Hội (riêng huyện Mộc Hóa chưa thành lập hội) và 327 hội cơ sở. Trong 15 năm, Hội phát triển gần 750 hội viên, nâng tổng số lên gần 1.600 hội viên, đến năm 2019 một số hội viên chuyển đi nơi khác và hội viên lớn tuổi không tham gia hội nên số hội viên đối thẻ chỉ còn 1.059 người.

Các huyện, thị, thành Hội có trụ sở làm việc kết hợp mở phòng chẩn trị thuận lợi như Bến Lức, Đức Hòa, TX. Kiến Tường, Cần Đước, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, thành phố Tân An và Tân Hưng; còn 05 huyện chưa có cơ sở làm việc phải lồng ghép với cơ quan khác như:Thủ Thừa, Cần Giuộc, Vĩnh Hưng, Tân Trụ và Châu Thành.

Từ năm 1993 đến năm 2011, toàn tỉnh có 20 biên chế ( 06 biên chế Văn phòng Tỉnh Hội và 14 biên chế các huyện, thị, thành Hội). Đến năm 2012, tỉnh Hội chuyển biên chế huyện, thị, thành Hội về địa phương quản lý; đồng thời, thực hiện việc “Giao bổ sung biên chế cho Hội Đông y cấp huyện năm 2012 và hỗ trợ thù lao cho Chủ tịch Hội Đông y cấp xã”; tổng số biên chế và hỗ trợ định suất lương trong toàn tỉnh là 170 người. Đến năm 2017, số biên chế và hỗ trợ định suất lương trong toàn tỉnh là 125 người giảm 45 người. Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 29/12/2017 của Tỉnh ủy, từ tháng 10/2018, các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ được giao từ nguồn kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ ngày 01/4/2022, tỉnh thực hiện khoán thù lao đối với các tổ chức Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội cấp tỉnh và huyện được hỗ trợ chế độ thù lao; cấp xã, phường, thị trấn hỗ trợ chế độ thù lao cho Chủ tịch hội; toàn tỉnh có 117 người được hưởng chế độ thù lao.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc quán triệt và ban hành văn bản cụ thể hoá thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW; công tác tuyên truyền về công tác đông y chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nguồn nhân lực về y học cổ truyền còn hạn chế về số lượng các tuyến, nhất là tuyến cơ sở. Sự kết hợp giữa đông y và tây y trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân còn gặp nhiều khó khăn nhất là việc đưa lương y vào trạm y tế, do đó công tác phối hợp đạt hiệu quả chưa cao. Một số ít huyện, thị, thành Hội còn gặp khó khăn trong việc thành lập hội cấp cơ sở. Còn nhiều bất cập trong việc hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về khám chữa bệnh y học cổ truyền (cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, khám chữa bệnh nhân đạo), khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thanh quyết toán thuốc y học cổ truyền).

Trong thời gian tới tỉnh đề ra một số nhiệm vụ để phát triển nền Đông y như: Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm công tác cụ thể hóa, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đông y và phát triển Hội Đông y. Chú trọng công tác quy hoạch, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, trong đó có đông y. Đa dạng các loại hỉnh đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về đông y nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực về y, dược cổ truyền, đào tạo đội ngũ kế thừa cho hội viên và đưa đông y vào cộng đồng. Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội Đông y các cấp; quan tâm bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho Hội Đông y các cấp làm việc thuận lợi. Phấn đấu đến năm 2030, công tác khám chữa bệnh bằng Đông y kết hợp tây y ở tuyến cơ sở đạt 40%, tuyến huyện 25%, tuyến tỉnh 20%. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cho khám chữa bệnh y học cổ truyền, đầu tư nuôi trồng cây, con giống dược liệu để cung cấp cho công tác điều trị. Tăng cường công tác xã hội hoá trong lĩnh vực đông y, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản xuất thuốc Đông y, phát triển nuôi trồng dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên một cách hợp lý nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Hội Đông y với ngành Y tế và các ban, ngành đoàn thể trong tỉnh, đặc biệt chú trọng việc xây dựng và củng cố vườn thuốc mẫu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam, góp phần nâng cao tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại địa phương.

An Châu

Các tin khác

  • Kết quả 03 năm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận số 01-KL/TW (04/06/2024)
  • Kết quả tình hình hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện (04/06/2024)
  • Kế hoạch tổ chức thẩm định Kỷ yếu “Long An nhân kiệt” Tập 1 (04/06/2024)
  • Hội nghị tuyển chọn nhiệm vụ khoa học “Biên soạn Quyển Địa chí Long An theo quy chuẩn địa chí quốc gia Việt Nam” (25/05/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tổng kết 10 năm kết luận 94- KL/TW (20/05/2024)
  • Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn tỉnh Long An (16/05/2024)
  • Công tác giáo dục lý luận chính trị quý I và phương hướng hoạt động quý II năm 2024 (16/05/2024)
  • Huyện Cần Đước họp bàn biên soạn tập sách ảnh Đình Vạn Phước (10/05/2024)
  • Long An ban hành Chỉ thị thực hiện Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới (10/05/2024)
  • Những hoạt động nổi bật của lĩnh vực khoa giáo trong quý I năm 2024 (26/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối