Hoạt động nghiệp vụ

Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Long An

20/07/2023 04:12:12PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngày 09/6/2014 Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 37-CTr/TU và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chương trình, nghị quyết đã đề ra. Năm 2017 và 2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành sơ kết, xác định nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có sáng kiến, thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo. Hằng năm, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển giáo dục và đào tạo được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát, được thực hiện thường xuyên, kịp thời nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trong các cuộc giao ban khoa giáo định kỳ, Ban Tuyên giáo các cấp nắm hình hình hoạt động của ngành giáo dục - đào tạo; qua đó định hướng chính trị, tư tưởng, kịp thời báo cáo cấp ủy những vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Công tác chính trị, tư tưởng được quan tâm thông qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy các cơ sở giáo dục;… Công tác phát triển đảng trong trường học được chú trọng; tính đến tháng 5/2023, tổng số đảng viên trong toàn ngành khoảng 8.800 người, đạt 42,57%. Ngoài ra, thực hiện Chương trình đột phá Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh, đội ngũ giáo viên cũng là một trong những đối tượng được quan tâm đào tạo, phát triển. Tỉnh cũng đã chủ trương về chế độ hỗ trợ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Long An.

Về giáo dục mầm non, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai và phát triển giáo dục mầm non như quy định mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đề án giải quyết vấn đề trường, lớp học cho con em công nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; chủ trương đầu tư Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2021 - 2025;…

Về giáo dục phổ thông, tổ chức rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên phục vụ cho đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức “cuốn chiếu” ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2020 - 2021, cấp trung học cơ sở từ năm học 2021 - 2022, cấp trung học phổ thông từ năm học 2022 - 2023. Xây dựng mô hình giáo dục đạo đức kỹ năng sống, tình yêu quê hương, gia đình;… Công tác dạy và học ngoại ngữ được quan tâm, số lượng trung tâm ngoại ngữ phục vụ nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên về ngoại ngữ ngày càng gia tăng. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 118 trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được cho phép hoạt động giáo dục (công lập 01 trung tâm, loại hình tư thục 117 trung tâm), trong đó có 107 trung tâm ngoại ngữ và 11 trung tâm ngoại ngữ, tin học.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mở rộng, xã hội hóa ngày càng hiệu quả. Phương pháp, chương trình, giáo trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề, bảo đảm tính khoa học, hiện đại, hệ thống, thực tiễn, linh hoạt, đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động. Phương thức tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường chủ động tuyển sinh phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Ngành giáo dục và đào tạo thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng tiếp cận năng lực học sinh. Đối với công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông được triển khai thực hiện nghiêm túc theo các hướng dẫn, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện đầy đủ các chương trình đánh giá quốc gia và quốc tế khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn mẫu khảo sát đánh giá. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục luôn đảm bảo. Hiện nay, trong mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có Trường Cao đẳng Long An đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, góp phần củng cố và phát huy thành quả phổ cập giáo dục, thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, động viên khuyến khích học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Các đơn vị, tổ chức, cơ quan đều tham gia xây dựng các mô hình “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, công dân học tập”. Hoạt động của Hội khuyến học tỉnh ngày càng lớn mạnh. Tỉnh thường xuyên biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình học tập.

Để thực hiện tốt công tác phân luồng, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh đến các trường THCS để tư vấn công tác tuyển sinh, nhằm giúp cho các em học sinh có định hướng và lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp. Các trường thực hiện đầy đủ kế hoạch giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 và THPT; đồng thời, chủ động liên kết với các khu công nghiệp trên địa bàn để học sinh đến tham quan, học tập và trải nghiệm; tổ chức chương trình trải nghiệm cho học sinh tại các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống.

Tỉnh đã tổ chức rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tổ chức sáp nhập Trường Trung cấp nghề Đức Hòa, Trường Trung cấp nghề Đồng Tháp Mười, Trường Trung cấp nghề Cần Giuộc vào Trường Cao đẳng nghề Long An và đổi tên thành Trường Cao đẳng Long An. Toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (10 cơ sở công lập; 15 cơ sở ngoài công lập); Ngoài ra, tỉnh có 02 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Trường Cao đẳng Long An và Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã miền Nam) được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư 07 nghề trọng điểm (02 nghề cấp độ quốc tế, 02 nghề cấp độ ASEAN và 03 nghề cấp quốc gia).

Chủ trương xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp của tỉnh bước đầu đạt hiệu quả, đã huy động được nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2013 - 2023, 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập; đã tuyển sinh đào tạo gần 60.000 lao động, chiếm tỷ lệ 39,29% tổng số tuyển sinh đào tạo cả tỉnh.

Tỉnh đã tổ chức sáp nhập các trường trung cấp vào trường cao đẳng công lập; đảm bảo về cơ bản, tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, biên soạn điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình đào tạo; thực hiện tự kiểm định và đăng ký được kiểm tra công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng. Hiện nay, việc tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ; tuy nhiên, các cơ sở chỉ tự chủ về chi thường xuyên, chưa giao tự chủ về tổ chức, nhân sự và tài sản.

Tỉnh triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch về phát triển, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học là 99,98%. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đúng quy trình. Thực hiện rà soát sắp xếp lại đội ngũ giáo viên cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Định kỳ hàng năm, tỉnh xét đề nghị công nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Tỉnh triển khai thực hiện 79 chương trình, kế hoạch, đề án sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2023 với tổng vốn trên 7.300 tỷ đồng; đồng thời, thực hiện lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững,… Công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh. Thực hiện tốt các chính sách hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên. Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện 04 dự án do doanh nghiệp đầu tư trực tiếp với tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng; 07 dự án do doanh nghiệp đầu tư theo chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo gồm với tổng vốn đầu tư 145,5 tỷ đồng.

Hàng năm, tỉnh tổ chức cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học, để tìm chọn sản phẩm dự thi cấp quốc gia. Các trường còn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức cho học sinh, sinh viên thực hành, thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo

Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục có chất lượng cao của nước ngoài về trao đổi học sinh, giáo viên, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy. Triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 nhằm đưa môn ngoại ngữ vào giảng dạy có hệ thống từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông.

Tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án MeKong 1000 để đào tạo sau đại học bằng hình thức đi học nước ngoài do ngân sách tỉnh tài trợ. Tiếp nhận đào tạo trình độ trung cấp ngành Y sỹ cho  học sinh người Campuchia tại Trường trung cấp Y tế Long An. Hợp tác với tổ chức Room To Read (Hoa Kỳ) thực hiện “Chương trình hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh”, “Chương trình hỗ trợ và phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học”; với tổ chức Worldwide Orphans Foundation thực hiện dự án “Chăm sóc toàn diện cho trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Long An”. Hợp tác thực hiện dự án “Khoa học phiêu lưu ký” dành cho học sinh cấp tiểu học của tổ chức OUCRU (Đại học OXFORD - Anh quốc) tài trợ cho 05 trường tiểu học huyện Bến Lức. Triển khai chương trình trợ giảng tiếng Anh Fulbright của Đại sứ quán Mỹ tài trợ cho Trường THPT Chuyên Long An.

An Châu

Các tin khác

  • Kết quả 03 năm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận số 01-KL/TW (04/06/2024)
  • Kết quả tình hình hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện (04/06/2024)
  • Kế hoạch tổ chức thẩm định Kỷ yếu “Long An nhân kiệt” Tập 1 (04/06/2024)
  • Hội nghị tuyển chọn nhiệm vụ khoa học “Biên soạn Quyển Địa chí Long An theo quy chuẩn địa chí quốc gia Việt Nam” (25/05/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tổng kết 10 năm kết luận 94- KL/TW (20/05/2024)
  • Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn tỉnh Long An (16/05/2024)
  • Công tác giáo dục lý luận chính trị quý I và phương hướng hoạt động quý II năm 2024 (16/05/2024)
  • Huyện Cần Đước họp bàn biên soạn tập sách ảnh Đình Vạn Phước (10/05/2024)
  • Long An ban hành Chỉ thị thực hiện Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới (10/05/2024)
  • Những hoạt động nổi bật của lĩnh vực khoa giáo trong quý I năm 2024 (26/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối