Hoạt động nghiệp vụ

Hoạt động, cống hiến của đồng chí Châu Văn Liêm trên địa bàn tỉnh Long An

11/09/2023 01:46:50PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Đồng chí Châu Văn Liêm đã ngã xuống trên quê hương Đức Hoà - Chợ Lớn ngay trong những ngày đầu của cao trào cách mạng 1930 - 1931, nhưng sự nghiệp cách mạng và lòng dũng cảm của đồng chí vẫn còn sống mãi với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An.

Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29 tháng 6 năm 1902, ở ấp Rạch Tra, xã Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) trong một gia đình nông dân. Năm 1927, Châu Văn Liêm được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Năm 1929, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Kỳ bộ Nam kỳ và dự Đại hội Thanh niên toàn quốc ở Hương Cảng (Trung Quốc).

Ngày 03-2-1930 đồng chí Châu Văn Liêm đại diện An Nam Cộng sản Đảng dự cuộc họp hợp nhất ba tổ chức đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí được giao nhiệm vụ Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn. Đồng chí đã chọn Đức Hòa làm địa bàn xây dựng cơ sở và phong trào cách mạng.

Vùng Đức Hòa - Chợ Lớn (một phần của tỉnh Long An ngày nay) là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với nhiều di chỉ khảo cổ như Cái Tháp, Gò Chàm, Bình Tả, An Sơn in đậm phế tích vương quốc Phù Nam xưa và nền văn hóa Óc Eo. Đây còn là chiếc nôi sản sinh ra những người con ưu tú, có nhiều cống hiến cho đất nước, dân tộc như Huỳnh Văn Ngưu, Nguyễn Văn Quá, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân... Do vị trí tiếp giáp khu Sài Gòn, Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn - Gia Định có điều kiện thuận lợi tiếp nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, của Đảng và là địa bàn hoạt động cho các tổ chức chính trị, do đó nó có mối liên hệ rất chặt chẽ với Sài Gòn. Nơi rất nhạy cảm với các trào lưu tư tưởng cách mạng. Đây là lợi thế và là cơ sở thực tiễn giúp đồng chí Châu Văn Liêm chọn quận Đức Hoà xây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng.

Năm 1925 Nguyễn An Ninh đã chọn Đức Hòa là một trong những nơi chủ yếu để tuyên truyền những tư tưởng cách mạng tiến bộ. Từ 1925 trở đi, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã xuất hiện tại Đức Hòa, Võ Văn Tần là một trong những người gia nhập sớm nhất và cùng đồng chí Châu Văn Liêm góp phần lớn công sức trong truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như gầy dựng cơ sở cách mạng khắp Đức Hòa, Trung Quận, Cần Đước, Cần Giuộc.

Tháng 8-1929 khi đồng chí Châu Văn Liêm cùng những đảng viên thành lập “An Nam Cộng sản đảng” ở Nam kỳ, chính Võ Văn Tần đã đưa toàn bộ “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội” ở Đức Hòa nhập vào “An Nam Cộng sản đảng”. Đồng thời được đồng chí Châu Văn Liêm giao nhiệm vụ thành lập và phụ trách Bí thư chi bộ An Nam Cộng sản đảng Nam kỳ tại Đức Hòa. Ngày 6-3-1930 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Châu Văn Liêm, chi bộ đầu tiên ở Đức Hòa cũng như của tỉnh Chợ Lớn ra đời.

Để phát triển cơ sở Đảng, từ tháng 3-1930, đồng chí Châu Văn Liêm cùng Võ Văn Tần về làng Hựu Thạnh tuyên truyền và thành lập chi bộ Hựu Thạnh, ra t tờ báo “Dân cày”. Qua vận động của đồng chí Châu Văn Liêm và Võ Văn Tần, Đức Hòa thành lập được thêm chi bộ làng Mỹ Hạnh và chi bộ làng Hựu Thạnh. Tháng 5-1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập, đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư.

Sau Đức Hòa, các chi bộ tại các quận Cần Giuộc, Cần Đước, Trung Quận, Thủ Thừa, Châu Thành cũng lần lượt ra đời trong năm 1930. Chi bộ thị xã Tân An cũng được hình thành vào tháng 2-1930 tại làng Thạnh Lợi do đồng chí Lê Quang Sung thành lập trên cơ sở phát triển đảng viên trong những người tích cực Nông hội đỏ do đồng chí Châu Văn Liêm thành lập vào khoảng tháng 7-1929.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, Tỉnh ủy Chợ Lớn và quận Đức Hòa chủ trương sẽ tổ chức một cuộc biểu tình của đông đảo quần chúng vào dịp kỷ niệm quốc tế lao động 1-5-1930. Địa điểm làm là ở làng Tân Phú để rút kinh nghiệm.

Cuối tháng 4-1930 các đồng chí Châu Văn Liêm, Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Văn Tần đã tập trung về Tân Phú để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh đầu tiên. Các chi bộ Đức Hòa, Hựu Thạnh, Mỹ Hạnh cử cán bộ về tham gia học tập rút kinh nghiệm. Chiều 30-4-1930, nhân dân Tân Phú và các làng xung quanh về ngã ba Tân Phú hợp lại thành một đoàn lớn đông hàng ngàn người với băng cờ biếu ngữ tiến về hướng Bàu Trai. Đoàn tuần hành vươn cao lá cờ đỏ búa liềm, vừa đi vừa đồng thanh hô vang khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm” “Chống cưu cao thuế nặng”, “Lính không được vào làng”, “phản đối vô cớ đánh đập”. Cuộc biểu tình bị đàn áp và không diễn ra như kế hoạch dự định nhưng đã thực sự là một cuộc diễn tập đầy bổ ích.

Từ những kinh nghiệm của cuộc biểu tình ngày 30-4 ở Tân Phú, theo chủ trương của đồng chí Châu Văn Liêm, ba cuộc đấu tranh lớn của quần chúng nông dân được tổ chức cùng một tại Đức Hòa, Hóc Môn và Bà Hom. Ở Đức Hòa đồng chí Châu Văn Liêm trực tiếp chỉ đạo Quận uỷ Đức Hòa tổ chức biểu tình.

Ngày 4-6-1930, đồng chí Châu Văn Liêm lãnh đạo nhân dân các làng xung quanh tập hợp thành đội ngũ tiến vào thị trấn Đức Hòa. Quận trưởng Đức Hòa Huỳnh Văn Đẩu, cảnh sát trưởng người Pháp De Bardonèche cho lính ngăn đoàn người, ra lệnh giải tán, đồn thời điện về Sài Gòn xin cứu viện. Đồng chí Châu Văn Liêm đã bước lên nói lớn với quận trưởng Đức Hòa: “Tôi đến đây để thay mặt nhân dân đưa yêu sách”. Đồng chí Châu Văn Liêm đã chất vấn quận trưởng Đức Hòa về những chính sách tàn bạo của Pháp và tay sai đối với dân chúng. Cuộc đấu lý trực tiếp giữa đồng chí Châu Văn Liêm và quận trưởng Đức Hòa kéo dài đến gần 11 giờ đêm thì địch bắt đầu đàn áp bằng vũ lực. Viên sỹ quan chỉ huy quân tiếp viện là Dreuil rút súng ngắn bắn thẳng vào ngực Châu Văn Liêm. Các tên khác đồng loạt nhả đạn vào đoàn biểu tình làm nhiều người chết và bị thương. Đồng chí Châu Văn Liêm đã hy sinh cực kỳ oanh liệt trước mũi súng của kẻ thù.

Âm vang cuộc biểu tình ngày 4-6-1930 tại Đức Hoà đã tạo được sự lan toả mạnh mẽ. Ở quận Cần Đước, khoảng 500 người tập hợp biểu tình tại nhà hội làng Phước Vân nêu các khẩu hiệu đả đảo thực dân Pháp và địa chủ cường hào gian ác, đòi giảm miễn thuế. Những người biểu tình phá nhà việc, đốt số sách, giấy tờ của hội tế tại Bà Hom (Bình Trị), Bến Lức (Trung Quận).

Nhìn lại, từ sự ra đời “Hội kín” Nguyễn An Ninh đến Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi An  Nam Cộng sản Đảng đến sự thống nhất thành lâp Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930, ở tỉnh Chợ Lớn đã hình thành cái “nôi cách mạng” của tỉnh gắn với tên tuổi các đồng chí cách mạng tiền bối Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Hồ Văn Long, Nguyễn Xuân Luyện, Nguyễn Thị Nhỏ,… Trong đó, đồng chí Châu Văn Liêm, sáng lập viên Đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò Bí thư Liên tỉnh uỷ Chợ Lớn - Gia Định đã tỏ rõ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tính năng động, sáng tạo trong việc xây dựng phát triển cơ sở Đảng và tổ chức các hoạt động cách mạng tại Đức Hoà - Chợ Lớn.

Thời gian hoạt động cách tại tỉnh Chợ Lớn - Gia Định, đồng chí Châu Văn Liêm đã để lại một dấu ấn oanh liệt, có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp cách mạng sau này. Đồng chí đã trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng, tiến tới tổ chức thành lập chi bộ Đảng, Đảng bộ quận Đức Hoà. Đồng chí lãnh đạo các Đảng viên ưu tú tổ chức các đợt đấu tranh từ thấp lên cao (có tập dợt, chuẩn bị các tình huống, diễu hành, chấn chỉnh, tổ chức đúc kết kinh nghiệm…), mang đường hướng cách mạng rõ nét. Lần đầu tiên quần chúng lao động cùng khổ Chợ Lớn đã tập hợp, đồng lòng, đoàn kết, cùng đứng chung dưới lá cờ Đảng do đồng chí Châu Văn Liêm lãnh đạo tổ chức đấu tranh, biểu tình, đưa các yêu sách đòi quyền dân sinh, dân. Trong đó, cuộc biểu tình ngày 4-6-1930 của nông dân quận Đức Hoà, tỉnh Chợ Lớn là tiêu biểu nhất. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất ở Nam kỳ lúc này, chứng minh Đảng Cộng sản có đủ khả năng và uy tín lãnh đạo, vận động quần chúng đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân, đồng thời khẳng định vai trò hạt nhân, có tính chất quyết định của đồng chí Châu Văn Liêm vận động, lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng. Cuộc tổng diễn tập lớn đầu tiên này của Đảng trong cao trào 1930 - 1931 được đổi bằng máu của người lãnh đạo ưu tú Châu Văn Liêm. Từ kết quả đấu tranh này và sự anh dũng hy sinh của đồng chí Châu Văn Liêm, đã góp thêm sức mạnh cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân trong tỉnh, thúc đẩy phong trào cách mạng đấu tranh chuyển biến mạnh mẽ, tổ chức Đảng phát triển rộng khắp, tiến tới Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn được thành lập vào tháng 11-1930 tại làng Long Hiệp, Trung quận do đồng chí Lê Quang Sung làm Bí thư. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Chợ Lớn, phong trào cách mạng của Đức Hoà - Chợ Lớn nói riêng, tỉnh Long An nói chung phát triển mạnh mẽ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đồng chí Châu Văn Liêm đã ngã xuống trên quê hương Đức Hoà - Chợ Lớn ngay trong những ngày đầu của cao trào 1930 - 1931, nhưng sự nghiệp cách mạng và lòng dũng cảm của đồng chí vẫn còn sống mãi với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An.

Ngô Thành Trung

Các tin khác

  • Kết quả 03 năm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận số 01-KL/TW (04/06/2024)
  • Kết quả tình hình hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện (04/06/2024)
  • Kế hoạch tổ chức thẩm định Kỷ yếu “Long An nhân kiệt” Tập 1 (04/06/2024)
  • Hội nghị tuyển chọn nhiệm vụ khoa học “Biên soạn Quyển Địa chí Long An theo quy chuẩn địa chí quốc gia Việt Nam” (25/05/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tổng kết 10 năm kết luận 94- KL/TW (20/05/2024)
  • Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn tỉnh Long An (16/05/2024)
  • Công tác giáo dục lý luận chính trị quý I và phương hướng hoạt động quý II năm 2024 (16/05/2024)
  • Huyện Cần Đước họp bàn biên soạn tập sách ảnh Đình Vạn Phước (10/05/2024)
  • Long An ban hành Chỉ thị thực hiện Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới (10/05/2024)
  • Những hoạt động nổi bật của lĩnh vực khoa giáo trong quý I năm 2024 (26/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối