Hoạt động nghiệp vụ

Đồng chí Võ Văn Tần với cuộc vận động thành lập Đảng tại Long An

29/08/2023 02:18:32PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Đồng chí Võ Văn Tần là một trong lớp đảng viên cộng sản ưu tú đầu tiên tham gia xây dựng nền móng vững chắc cho tổ chức Đảng lớn mạnh tại tỉnh Chợ Lớn, một cống hiến quan trọng có tính quyết định tới thắng lợi của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí Võ Văn Tần sinh năm 1891 tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Ông được sinh ra trong một gia đình nghèo, nhiều anh chị em.

Gia đình Võ Văn Tần là một trong những gia đình đình có truyền thống yêu nước ở địa phương. Võ Văn Tần ham học hỏi, biết chữ Hán và chữ quốc ngữ. Võ Văn Tần quyết định lên Sài Gòn làm nghề kéo xe tay, ông nhận ra sự bất công, tàn ác của bọn đế quốc, thực dân, phong kiến đè nặng lên thân phận người lao động.

Năm 1922, Võ Văn Tần về quê làm biện làng. Ông tham đấu tranh bảo vệ nông dân, đả kích sự vô lý của các thế lực cường hào, ác bá ở địa phương. Năm 1923, Võ Văn Tần tham gia đấu tranh chống chính quyền thực dân thu thuế, ông đã bị bắt giam, thực dân Pháp khép tội ông là cầm đầu các cuộc chống đối chính phủ bảo hộ, chúng đã bắt đầu chú ý đến ông.

Năm 1923, nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh đã tổ chức tuyên truyền chủ nghĩa Mác và những tư tưởng tiến bộ cách mạng ở một số tỉnh thông qua hoạt động của Hội kín. Võ Văn Tần gia nhập Hội kín và là lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn. Dưới sự hướng dẫn của Nguyễn An Ninh, Võ Văn Tần truyền bá những tư tưởng yêu nước và tích cực vận động thành lập chi hội ở các làng Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hựu Thạnh.

Năm 1925, chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá vào Việt Nam thông qua Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Võ Văn Tần gia nhập Việt Nam cách mạng Thanh niên và là một trong những người gia nhập Hội sớm nhất. Bắt kịp luồng tư tưởng mới, Võ Văn Tần trở về Đức Hòa, ông xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng ở Đức Hòa, đồng thời, từ Đức Hòa Võ Văn Tần mở rộng hoạt động sang làng Thạnh Lợi (quận Thủ Thừa, Tân An). Thời gian này, Võ Văn Tần cùng với một số nhân sỹ trí thức đương thời như Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Tạo, Hồ Văn Long, Châu Văn Liêm góp phần lớn công sức trong truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như gầy dựng cơ sở cách mạng khắp Đức Hòa, Trung Quận, Cần Đước, Cần Giuộc chuẩn bị một bước cho việc hình thành nên tổ chức cách mạng sau này.

Ngày 3-2-1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại biểu Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đồng chí Châu Văn Liêm là một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Di tích nơi thành lập chi bộ đầu tiên của quận Đức Hoà, tỉnh Chợ Lớn. Ành Trung Ngô

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Ban lâm thời chấp ủy Nam kỳ (Xứ ủy) được thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, Xứ ủy chỉ định thành lập Tỉnh ủy lâm thời tại các tỉnh. Tỉnh ủy Chợ Lớn do đồng chí Ngô Xuân Luyện và sau này là Lê Quang sung là Bí thư. Tỉnh Tân An do đồng chí Nguyễn Xuân Luyện phụ trách. Đồng chí Châu Văn Liêm được phân công phụ trách Liên Tỉnh ủy Gia Định-Chợ Lớn. Ngày 6-3-1930, tại Đức Hòa, chi bộ đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn ra đời có 7 đảng viên do đồng chí Võ Văn Tần làm bí thư. Chi bộ chú trọng việc xây dựng khối đoàn kết, lập hội nông dân bằng việc lập ra Nông hội đỏ, trước là bảo vệ lẫn nhau, sau là đấu tranh chống thực dân Pháp và địa chủ quan làng áp bức. Sau gần 3 tháng, Võ Văn Tần là người trực tiếp tuyên truyền vận động thành lập được thêm chi bộ làng Mỹ Hạnh, làng Hựu Thạnh. Chi bộ Hựu Thạnh ra tờ báo lấy tên là “Dân cày”. Tháng 5-1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập, Võ Văn Tần được bầu làm Bí thư. Liên tiếp các quận Cần Giuộc, Cần Đước, Trung Quận, Tầm Vu, Tổng Cửu Cư Thượng hình thành các chi bộ tiến tới thành lập các quận ủy.

Võ Văn Tần dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Chợ Lớn đã chủ trương tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng vào dịp kỷ niệm Quốc tế Lao động 1-5-1930. Cuộc biểu tình tiêu biểu có quy mô lớn nhất Nam kỳ với hơn 1.500 người dân ngày 4 tháng 6 năm 1930 tại Đức Hòa đòi giảm sưu, giảm thuế, chống bắt lính do Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần chỉ huy đã tạo nên tiếng vang lớn, đánh dấu mốc quan trọng của Quận ủy Đức Hoà trong việc huy động, tập hợp và lãnh đạo quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân và tay sai.

Sau cao trào 1930-1931, thực dân Pháp đề ra đối sách đàn áp hòng dập tắt phong trào, đảng viên và cơ sở đảng thiệt hại, phong trào tạm lắng. Tháng 5-1931, đồng chí Lê Quang Sung, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn bị bắt, thực dân Pháp truy lùng anh em Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, họ lánh sang làng Xuân Thời Thượng, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định hoạt động bí mật và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tại đây ông gầy dựng cơ sở và liên lạc với các tổ chức cách mạng, khôi phục lại các cơ sở đã bị phá vỡ rồi tổ chức tái lập lại Tỉnh ủy Gia Định.

Tháng 6-1931, Võ Văn Tần làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Giữa năm 1932, Võ Văn Tần trở về làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, thay cho Võ Văn Ngân làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Thực dân Pháp đánh phá quyết liệt các cơ sở Đảng, Xứ ủy Nam Kỳ bị tan vỡ liên tiếp bốn, năm lần, Võ Văn Tần tìm người xây dựng lại Xứ ủy, ông bí mật thành lập cơ quan Liên Quận ủy Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hòa, ra tờ báo Cờ lãnh đạo để vận động phục hồi cơ quan Đảng vừa bị địch phá vỡ và tổ chức đấu tranh. Võ Văn Tần còn trực tiếp liên lạc với Ban lãnh đạo Đảng ở hải ngoại để xin ý kiến chỉ đạo phong trào. Nhờ vậy nên cơ sở cách mạng và phong trào đấu tranh ở hai tỉnh Chợ Lớn và Gia Định được xây dựng và duy trì.

Giai đoạn 1932-1933 các Tỉnh ủy và Xứ ủy Nam kỳ có lúc tan rã sau đó được lập lại, các đồng chí Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Hồ Văn Long, Trương Văn Bang, luân phiên làm bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Tỉnh ủy Tân An và Xứ ủy, các đồng chí Hồ Văn Long, Trương Văn Bang, Trần Văn Giàu lần lượt giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy. Giữa  năm 1933, với vai trò là Ủy viên Xứ ủy, Võ Văn Tần mở rộng hoạt động xuống miền Tây, bắt liên lạc với các tổ chức Đảng và chỉ đạo củng cố lại cơ quan Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho. Những năm 1933-1934, Võ Văn Tần và Võ Văn Ngân tham gia cấp ủy của Liên Tỉnh ủy Vàm Cỏ Đông do Trần Văn Giàu, Bí thứ Xứ ủy thành lập. Võ Văn Tần dành nhiều công sức để liên lạc và tổ chức các hoạt động của Đảng giữa các Đặc ủy thuộc Liên Tỉnh ủy miền Đông và miền Tây, đồng thời tham gia tổ chức lại Xứ ủy. Võ Văn Tần đã có công lớn trong việc duy trì, khôi phục và phát triển cơ sở Đảng ở các địa phương, nhất là vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.

Tại Đại hội Đảng lần thứ nhất (1935), đồng chí Võ Văn Ngân được cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và là Bí thư Xứ ủy, Võ Văn Tần được cử vào Ban lãnh đạo Xứ ủy. Hai ông bắt tay chọn và xây dựng vùng Tân Thời Nhứt (Bà Điểm) làm điểm đóng cơ quan của Trung ương Đảng. Sau hội nghị, đồng chí Võ Văn Ngân, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ bệnh nặng, không điều hành được, Trung ương Đảng quyết định chỉ định đồng chí Võ Văn Tần giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Từ sáng kiến cuộc vận động Đông dương Đại hội của Nguyễn An Ninh, Võ Văn Tần đã ủng hộ, kêu gọi các đảng phái và các tầng lớp xã hội đoàn kết thành lập Ủy ban hành động từ thành thị đến nông thôn để tập hợp quần chúng và cử đại biểu tham dự Đông dương Đại hội. Ngày 13-8-1936 Ủy ban trù bị Đông dương Đại hội ra đời có 19 người. Hưởng ứng phong trào, Tỉnh ủy Chợ Lớn và Tỉnh ủy Tân An quyết định thành lập Ủy ban hành động cấp tỉnh. Các quận, xã, các tổ chức nghiệp đoàn đều khẩn trương thành lập, đến tháng 11 năm 1936 Chợ Lớn đã có 24 ủy ban hành đồng và 220 thành viên, tại Tân An hầu hết các làng đều có Ủy ban hành động. Lo sợ phong trào lớn mạnh, bọn phản động thuộc địa đàn áp Đông dương Đại hội.

Tượng đồng chí Võ Văn Tần tại Di tích lịch sử quốc gia Ngã tư Đức hoà, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Ảnh Trung Ngô

Tháng 3-1937, Võ Văn Tần làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, sau đó được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ các năm 1937, 1938 dưới sự lãnh đạo đồng chí Võ Văn Tần, với lợi thế đấu tranh hợp pháp, nữa hợp pháp, sự kết hợp chặt chẽ của các mục tiêu chính trị, dân chủ, dân sinh, các tổ chức nghiệp đoàn, hội ái hữu, nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh trực tiếp đòi giảm giờ làm, giảm thuế, chia đất công điền, chống bắt lính, thả tù binh nổ ra… Phong trào Đông dương Đại hội và các phong trào đấu tranh đã xây dựng lực lượng rộng rãi, xác định được phương hướng đấu tranh, phát triển Đảng ngày càng lớn mạnh, tiên phong. Thời kỳ này, trong toàn Nam kỳ đã thành lập 1 xứ ủy, 4 liên Tỉnh ủy, 11 Tỉnh  ủy và 122 chi bộ, tổng số đảng viên bí mật là 655 đồng chí.

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Hội nghị Trung ương Đảng lần 6 (tháng 11 năm 1939) xác định thành lập Mặt trận thống nhất phản đế Đông dương và các tổ chức quần chúng phản đế đi vào hoạt động bí mật. Đồng chí Võ Văn Tần được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Võ Văn Tần, Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế được tổ chức từ làng tới tỉnh và tiến tới thống nhất toàn xứ. Các tổ chức Nông hội, Công hội, Thanh niên phản đế, các đội tự vệ du kích phát triển nhanh trong toàn xứ, số lượng đảng viên Nam kỳ không ngừng tăng lên. Ngày 21-4-1941, Võ Văn Tần bị giặc Pháp bắt ở Hóc Môn. Sau khi tra tấn dã man và dùng mọi chiêu trò thuyết phục Võ Văn Tần nhưng thất bại, bọn chúng đã xử bắn ông tại Hóc Môn, Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 28-8-1941.

Ngô Thành Trung

Các tin khác

  • Kết quả 03 năm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận số 01-KL/TW (04/06/2024)
  • Kết quả tình hình hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện (04/06/2024)
  • Kế hoạch tổ chức thẩm định Kỷ yếu “Long An nhân kiệt” Tập 1 (04/06/2024)
  • Hội nghị tuyển chọn nhiệm vụ khoa học “Biên soạn Quyển Địa chí Long An theo quy chuẩn địa chí quốc gia Việt Nam” (25/05/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tổng kết 10 năm kết luận 94- KL/TW (20/05/2024)
  • Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn tỉnh Long An (16/05/2024)
  • Công tác giáo dục lý luận chính trị quý I và phương hướng hoạt động quý II năm 2024 (16/05/2024)
  • Huyện Cần Đước họp bàn biên soạn tập sách ảnh Đình Vạn Phước (10/05/2024)
  • Long An ban hành Chỉ thị thực hiện Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới (10/05/2024)
  • Những hoạt động nổi bật của lĩnh vực khoa giáo trong quý I năm 2024 (26/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối