Hoạt động nghiệp vụ

Đồng chí Nguyễn Thái Sơn – Phó Bí thư Thành uỷ Sài Gòn-Gia Định

28/08/2023 02:32:11PM
Màu chữ Cỡ chữ

    Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Thái Sơn, trong những năm 1965 - 1967, cơ sở Đảng, đoàn và cơ sở quần chúng phát triển mạnh, đều ở cả ngoại thành và nội thành.

Đồng chí Nguyễn Thái Sơn sinh năm 1928 tại thôn An Phú, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Côi (nay là huyện Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình.

Đồng chí tham gia cách mạng khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 đang vào giai đoạn sôi nối. Năm 1948, đồng chí vào Nam công tác, hoạt động ở khu vực miền Tây Nam Bộ.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân ta đã kết thúc với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Đương. Theo Hiệp định, đất nước ta tạm thời chia thành hai miền, để hai năm sau thực hiện hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Đồng chí được phân công ở lại miền Nam, được Trung ương Cục chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ lâm thời.

Tháng 12 năm 1954, đồng chí đã chủ trì Hội nghị Tỉnh ủy tại Giồng Cấm, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ để quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết, chỉ thị chuyển hướng đấu tranh của Xứ ủy Nam Bộ (sau đó là Trung ương Cục).

Đầu năm 1955, Tỉnh ủy Cần Thơ tổ chức hội nghị để bàn việc phát động đấu tranh, đòi địch thi hành Hiệp định Genève và bầu Tỉnh ủy chính thức. Đồng chí Nguyễn Thái Sơn được hội nghị tín nhiệm, bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Từ năm 1956 trở đi, chính quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam bước vào thời kỳ đẩy mạnh việc xây dựng các căn cứ quân sự, xây dựng bộ máy kìm kẹp xuống tận cơ sở. Tuy vẫn còn tiếp tục truy quét, triệt tiêu các lực lượng giáo phái, đảng phái đối lập, nhưng trọng điểm là tập trung tiêu diệt lực lượng yêu nước, cách mạng ở miền Nam mà Diệm gọi chung là “cộng sản” Quốc sách “tố cộng, diệt cộng” được Diệm đặt lên hàng đầu.

Cống hiến của Tỉnh ủy Cần Thơ, đồng chí Nguyễn Thái Sơn với vai trò Bí thư Tỉnh ủy trong giai đoạn này thể hiện ở việc chủ trương đưa cán bộ, đảng viên với danh nghĩa là cán bộ Mặt trận vào nắm và tranh thủ lực lượng giáo phái nhằm chĩa mũi nhọn chống Diệm; lấy súng địch trang bị cho lực lượng cách mạng và ta cũng lấy danh nghĩa giáo phái diệt một số tên tế, gián điệp ác ôn. Khi lực lượng giáo phái tan rã, Tỉnh ủy Cần Thơ chủ trương rút đảng viên từ chỉ bộ các xã, một số cán bộ quân sự nắm trong lực lượng giáo phái để thành lập lực lượng vũ trang với danh nghĩa bộ đội “liên quân giáo phái chống Mỹ - Diệm”. Có thể nói, Cần Thơ xây dựng lực lượng vũ trang tự vệ tập trung rất sớm. Đồng thời với việc xây dựng lực lượng vũ trang tự vệ, Tỉnh ủy phát động phong trào quần chúng dùng vũ khí thô sơ là gậy gộc, giáo mác để bắt cướp (thực chất là bắt gián điệp, chỉ điểm...) để bảo vệ cán bộ, bảo vệ phong trào cách mạng.

Cùng với các nội dung trên, Tỉnh ủy Cần Thơ có những chủ trương đúng đắn và chỉ đạo kịp thời đối với các phong trào đấu tranh chính trị, binh vận trong tỉnh. Nhờ vậy, qua các đợt “tố cộng, diệt cộng” của địch, các cơ quan lãnh đạo, lực lượng cơ sở cách mạng, cán bộ cốt cán của ta vẫn được duy trì, hạn chế được tổn thất.

Năm 1958, đồng chí Nguyễn Thái Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ được tăng cường về Sài Gòn.

Năm 1959, Xứ ủy điều động đồng chí Võ Văn Kiệt - Xứ ủy viên, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây về Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí đã cùng các đồng chí Nguyễn Thái Sơn - Thường vụ Đặc Khu ủy (Bảy Bình), Võ Văn Tuấn (Hai Trúc) khẩn trương tìm hiểu, nắm số đảng viên còn lại; tiến hành ráo riết công tác giáo dục chính trị tư tưởng và sắp xếp tổ chức. Các đồng chí đã chọn một số đảng viên và nòng cốt tích cực đưa ra vùng Bời Lời (xã Đông Thuận, Tây Ninh) để dự một lớp huấn luyện với mật danh là lớp “Rừng Xanh”; nhằm đào tạo gấp những cán bộ cốt cán để đưa về gây dựng lại cơ sở trong nội thành.

Năm 1961, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được bổ sung gồm 13 đồng chí, vẫn do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Hồng Đào - Phó Bí thư và phân công như sau: đồng chí Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình) phụ trách tổ chức, đồng chí Trần Hải Phụng (Hai Phụng) phụ trách quân sự; đồng chí Huỳnh Văn Bánh phụ trách an ninh; đồng chí Trần Quang Cơ và đồng chí Hồ Hảo Hớn phụ trách thanh vận; đồng chí Huỳnh Tấn Phát phụ trách trí vận...

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Thái Sơn, trong những năm 1965 - 1967, cơ sở Đảng, đoàn và cơ sở quần chúng phát triển mạnh, đều ở cả ngoại thành và nội thành.

Để chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết Quang Trung; theo đó, Khu Trọng điểm được thành lập bao gồm Khu Sài Gòn - Gia Định và một phần đất của các tỉnh tiếp giáp với Sài Gòn. Khu trọng điểm gồm 6 phân khu; riêng Phân khu 6 (về cơ bản là địa bàn tương ứng với nội thành Sài Gòn) gồm các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang, biệt động, an ninh nội thành, không có địa bàn riêng. Lãnh đạo Phân khu 6 gồm các đồng chí Trần Hải Phụng, Nguyễn Thái Sơn, Sáu Lâm, do đồng chí Trần Bạch Đằng làm Bí thư.

Ngày 15 tháng 9 năm 1969, để tăng cường việc chỉ đạo thống nhất, chặt chế phong trào công nhân trong thành phố, Thường vụ Thành ủy ra quyết định chuyển tất cả các cơ sở thuộc ngành nghề, xí nghiệp công tư sở mà trong Tết Mậu Thân đã giao về các quận, huyện, nay về lại Ban Công vận của Thành ủy. Thường vụ Thành ủy cũng tăng cường thêm cán bộ cho Ban Công vận và chỉ đạo thêm về mặt công tác tuyên huấn; tăng cường giáo dục bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn hoạt động công khai “nằm vùng”.

Đồng chí Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình) làm Trưởng Ban Công vận của Thành ủy và đồng chí Huỳnh Văn Tâm trực tiếp chỉ đạo các cụm công vận ở nội thành qua các đầu mối.

Tháng 01 năm 1970, trong một đợt công tác ở Bến Tre, đồng chí Nguyễn Thái Sơn bị bao vây tại xã Phú Túc, huyện Châu Thành. Đồng chí đã hy sinh trong trận chiến đấu ngày 03 tháng 01 năm 1979.

Ngô Thành Trung (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Kết quả 03 năm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận số 01-KL/TW (04/06/2024)
  • Kết quả tình hình hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện (04/06/2024)
  • Kế hoạch tổ chức thẩm định Kỷ yếu “Long An nhân kiệt” Tập 1 (04/06/2024)
  • Hội nghị tuyển chọn nhiệm vụ khoa học “Biên soạn Quyển Địa chí Long An theo quy chuẩn địa chí quốc gia Việt Nam” (25/05/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tổng kết 10 năm kết luận 94- KL/TW (20/05/2024)
  • Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn tỉnh Long An (16/05/2024)
  • Công tác giáo dục lý luận chính trị quý I và phương hướng hoạt động quý II năm 2024 (16/05/2024)
  • Huyện Cần Đước họp bàn biên soạn tập sách ảnh Đình Vạn Phước (10/05/2024)
  • Long An ban hành Chỉ thị thực hiện Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới (10/05/2024)
  • Những hoạt động nổi bật của lĩnh vực khoa giáo trong quý I năm 2024 (26/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối