Hoạt động nghiệp vụ

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An

10/03/2023 08:53:43AM
Màu chữ Cỡ chữ

   Trong năm 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, Đại học đạt 67,50%, vượt kế hoạch đề ra (37,22%). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đạt 16,46%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (23,30%).

Ngày 07/3/2023, Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch 568/KH-UBND thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An. Trong năm 2023, mục tiêu cụ thể hướng tới là phấn đấu ở cấp trung học cơ sở có 100 % trường học có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100 % trường học có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; 27,92 % học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Ở cấp trung học phổ thông phấn đấu có 100 % trường học có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100 % trường học có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; 40,22% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông trong việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh và giáo dục nghề nghiệp. Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tham mưu chính quyền địa phương triển khai thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch; đưa kết quả thực hiện phân luồng học sinh vào chỉ tiêu bình xét thi đua hàng năm của địa phương, đơn vị (theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo). Xác định trách nhiệm của từng ngành có liên quan trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch. Các sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể tỉnh và UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ, đảm bảo thực hiện đạt được các mục tiêu trong kế hoạch. Tích cực tham mưu đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp huyện, cấp xã. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Tổ chức truyền thông, tuyên truyền: Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông và đào tạo nghề. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người. Nâng cao được nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó thu hút học sinh tham gia học nghề để có việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh và học sinh về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với việc lập thân, lập nghiệp của người lao động. Cung cấp kịp thời các thông tin về giáo dục nghề nghiệp để công tác tuyên truyền hiệu quả hơn (nhu cầu thị trường lao động, chỉ tiêu đào tạo, nhu cầu và khả năng đào tạo của các trường nghề trong và ngoài tỉnh...).

Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện giáo dục STEM trong trường trung học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đại học bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ về tư vấn, hướng nghiệp cho cán bộ, giáo viên. Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên, cử giáo viên định kỳ đi thực tập ở doanh nghiệp để tiếp cận công nghệ mới, nâng cao kỹ năng giảng dạy. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh phối hợp liên kết với doanh nghiệp, các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tỉnh có thương hiệu, thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn trong cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tạo tiền đề thuận lợi cho công tác phân luồng, hướng nghiệp. Triển khai các hoạt động tư vấn học đường cho học sinh THCS, THPT nhằm định hướng nghề nghiệp cho các em. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục trung học, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp. Tổ chức khảo sát nhu cầu học tập các môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của học sinh lớp 9 để chủ động chuẩn bị cho học sinh vào học lớp 10.  Định hướng hiệu quả việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT theo học các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh. Xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp riêng phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh và các địa phương để giảng dạy trong nhà trường. Tập trung đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để mở rộng ngành nghề, tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao năng lực tiếp nhận học sinh sau phân luồng vào học nghề.

Tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục hướng nghiệp gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường trung học; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh trung học. Tư vấn học tập và tư vấn nghề nghiệp; đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục. Tăng cường mối liên hệ phối hợp giữa các cơ sở giáo dục với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thông qua các hoạt động đa dạng về hình thức, nội dung. Các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện việc dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, giúp học sinh nắm được các ngành nghề phát triển tại địa phương. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển đào tạo từ hướng “cung” sang hướng “cầu” của thị trường lao động. Tăng cường phối hợp, đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; đa dạng hóa các phương thức, hình thức đào tạo.

Các cơ sở giáo dục (có cấp học THPT) phối hợp các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn tuyển sinh cho học sinh. Tổ chức cho học sinh lớp 12 tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2023. Thực hiện giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường, giúp học sinh từng bước hình thành nên tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, qua đó hiểu được sở thích bản thân, đưa ra những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho tương lai. Tổ chức các hoạt động giao lưu giữa học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục với các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các công ty, doanh nghiệp và làng nghề truyền thống. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh và tiếp nhận học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh cuối cấp THCS, THPT có nhu cầu đăng ký tuyển sinh học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp. Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cung cấp danh sách học sinh tốt nghiệp THCS không tham gia thi tuyển, không trúng tuyển vào lớp 10 cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp biết để tuyển sinh các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Các trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Kỹ thuật tổng hợp cung cấp, chia sẻ, sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, các trường THCS, THPT phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tư vấn về học nghề, việc làm, các chính sách của Đề án đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025 dưới hình thức buổi giáo dục hướng nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Khuyến khích, hướng dẫn các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc xây dựng nội dung, tài liệu giáo dục hướng nghiệp, hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm về việc thực hiện tư vấn, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi kinh nghiệm giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông, về nhu cầu lao động, thị trường lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động dạy và học thông qua các phần mềm trực tuyến (Zoom, Google Meet, Microsoft Teams…).

Vận động các nguồn lực để tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách thu hút học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Thu hút các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nhân... tham gia làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Thực hiện đúng quy định về chế độ thông tin, báo cáo. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước được giao hàng năm cho các sở, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách; nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; từ nguồn vốn vay ODA từ các chương trình, dự án.

Các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trên nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra trong năm 2023 về công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh.

An Châu

Các tin khác

  • Kết quả 03 năm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận số 01-KL/TW (04/06/2024)
  • Kết quả tình hình hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện (04/06/2024)
  • Kế hoạch tổ chức thẩm định Kỷ yếu “Long An nhân kiệt” Tập 1 (04/06/2024)
  • Hội nghị tuyển chọn nhiệm vụ khoa học “Biên soạn Quyển Địa chí Long An theo quy chuẩn địa chí quốc gia Việt Nam” (25/05/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tổng kết 10 năm kết luận 94- KL/TW (20/05/2024)
  • Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn tỉnh Long An (16/05/2024)
  • Công tác giáo dục lý luận chính trị quý I và phương hướng hoạt động quý II năm 2024 (16/05/2024)
  • Huyện Cần Đước họp bàn biên soạn tập sách ảnh Đình Vạn Phước (10/05/2024)
  • Long An ban hành Chỉ thị thực hiện Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới (10/05/2024)
  • Những hoạt động nổi bật của lĩnh vực khoa giáo trong quý I năm 2024 (26/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối