Hoạt động nghiệp vụ

75 năm chiến thắng trận Mộc Hoá, tỉnh Long An (18/8/1948-18/8/2023)

15/08/2023 03:53:30PM
Màu chữ Cỡ chữ

  Bằng cách đánh “công đồn, đả viện”, Trung đoàn 120 phối hợp Tiểu đoàn 307 cùng bộ đội và du kích địa phương phối hợp thực hiện đã tiến công đồn Mộc Hóa, án ngữ trục hành lang kháng chiến nối Khu 7, Khu 8 và Khu 9, mở rộng và hoàn chỉnh căn cứ Đồng Tháp Mười. Chiến thắng này đã được Tổ Điện ảnh Khu 8 quay thành cuốn phim “Trận Mộc Hóa”, khai sinh nền điện ảnh cách mạng nước nhà.

    Bước sang năm 1948, thực dân Pháp chuyển hướng chiến lược chiến tranh, từ đánh nhanh giải quyết nhanh sang đánh kéo dài, quay lại bình định các vùng đã chiếm đóng, lấn chiếm vùng tự do, thực hiện “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt giết người Việt”. Âm mưu của chúng ở Nam Bộ là tập trung bình định hòng biến nơi đây thành hậu phương dự trữ chiến lược cho cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và ba nước Đông Dương. Sau khi tập trung quân trở lại Nam Bộ, địch điều phối bố trí lại lực lượng với âm mưu kiểm soát chặt Khu 8, cắt rời hành lang vận tải liên lạc giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Chúng củng cố và mở thêm đường giao thông thủy bộ nhằm bảo vệ giao thông của chúng và cắt đường giao thông của ta; tăng cường lực lượng phòng thủ ở thị xã, thị trấn; liên tục càn quét với quy mô lớn vào các căn cứ và khu du kích, phát triển ngụy quân. Tại tỉnh Tân An (một phần của tỉnh Long An ngày nay; tỉnh Tân An bao gồm 3 huyện: Thủ Thừa, Châu Thành, Mộc Hoá, các đơn vị hành chính này được duy trì đến năm 1957), địch tăng quân, củng cố lại các chi khu, đồn bót có sẵn, lập thêm nhiều đồn bót tháp canh, kiểm soát gắt gao lộ Đông Dương 16 (Quốc lộ 1 hiện nay), dọc hai bên bờ sông Tiền Giang, Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông, khu vực thị trấn và vùng đông dân cư ở Châu Thành, Thủ Thừa, Mộc Hóa.

    Từ cuối năm 1947, tại Đồng Tháp Mười, Xứ ủy lâm thời tổ chức hội nghị chủ trương xây dựng và phát triển lực lượng dân quân du kích rộng khắp, chống bắt lính. Cũng trong thời gian này, Ban Quân sự Nam Bộ thành lập và đề ra nhiệm vụ phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng các đơn vị bộ đội, đẩy mạnh tác chiến đánh địch, “vận động chiến tiến tới”.

    Trước tình hình mới, tháng 4 năm 1948, Tỉnh ủy Tân An hội nghị nhằm quán triệt chủ trương của trên, đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh quân sự trên các chiến trường, tăng cường cho các địa phương và lực lượng vũ trang.

   Bia Chiến thắng trận Mộc Hoá. Ảnh tư kiệu

Tháng 3 năm 1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 ra quyết định thành lập một tiểu đoàn chủ lực “liên quân lưu động” lấy phiên hiệu 307. Tiểu đoàn gồm các cán bộ, chiến sĩ giỏi, dày dạn kinh nghiệm và được trang bị vũ khí tốt, lấy từ đại đội xung phong trường Quân chính và mỗi trung đoàn thuộc Khu 8 một trung đội. Tiểu đoàn được biên chế đủ 3 đại đội bộ binh (931, 932, 933). Cơ quan tiểu đoàn bộ gồm các ban cơ quan và trung đội trinh sát liên lạc. Cùng với sự ra đời của Tiểu đoàn 307, Ban Quân sự Nam Bộ thành lập Tiểu đoàn chủ lực 404. Cả hai Tiểu đoàn chủ lực 307 và 404 đều hoạt động chủ yếu ở Đồng Tháp Mười, tác động trực tiếp đến phong trào kháng chiến của quân và dân Tân An. Trên chiến trường Tân An, đã hình thành đầy đủ tổ chức ba thứ quân: Tiểu đoàn chủ lực, trung đoàn tập trung và dân quân du kích.

   Đầu tháng 7 năm 1946, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành đánh chiếm Mộc Hóa và Đồng Tháp Mười. Chúng cho xây đồn Mộc Hóa. Đồn Mộc Hóa là căn cứ quân sự lớn của địch cắm sâu vào chiến khu Đồng Tháp Mười, gần sát biên giới Việt Nam- Campuchia, án ngữ trên tuyến hành lang nối thông Miền Đông xuống Miền Tây Nam Bộ. Đồn được xây dựng kiên cố trên đỉnh gò Bắc Chiêng (huyện Mộc Hóa, nay thuộc Phường 1, thị xã Kiến Tường). Lực lượng trú đóng gồm 1 đại đội với khoảng 70 tên do 1 trung úy Pháp chỉ huy, được trang bị 3 súng cối 81 và 60 ly, 2 súng đại liên, 4 trung liên và nhiều mìn, lựu đạn.

Ngay từ đầu năm 1948, quân địch đã ồ ạt triển khai các cuộc tiến công với quy mô lớn vào căn cứ của ta, đặc biệt và vùng Đồng Tháp Mười. Các lực lượng vũ trang ở Tân An tích cực chống càn quét, chủ động phục kích đánh giao thông địch, tấn công những đồn bót tháp canh nhỏ lẻ, thu được nhiều thắng lợi đáng kể. Trung đoàn 120 cùng với lực lượng bảo vệ Khu 8, bảo vệ Khu 7 và du kích tập trung huyện Mộc Hóa liên tục chống các cuộc càn quét của địch. Trong 2 tháng đầu năm 1948, các lực lượng nêu trên đã chặn đánh 7 cuộc càn quét với quy mô từ cấp đại đội trở lên của địch.

Ngày 6 tháng 7 năm 1948, quân địch chia làm hai cánh thủy bộ, cánh thủy tiến theo kênh 28 vào ủi phá kè cản, cánh bộ gồm 100 xe Jeep từ lộ Đông Dương 16 qua Mỹ Hội tiến vào Quan Cư. Ngày hôm sau, 14 chiếc máy bay vận tải quân sự Dakota và 4 máy bay khu trục Spitfire đến oanh tạc và đổ 1 tiểu đoàn quân dù xuống kênh Năm Ngàn. Lực lượng tổng cộng của địch lên tới 1.600 tên chia ra đóng ở các khu vực: cản kênh 28, chợ Ngã Sáu, chợ Mỹ An, chợ Thiên Hộ. Từ các điểm đóng quân, chúng bung ra hoạt động càn quét cướp phá khắp các khu vực xung quanh.

    Trước tình hình trên, tháng 8 năm 1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 chủ trương tổ chức tấn công đồn Mộc Hóa nhằm giải phóng huyện Mộc Hóa, mở rộng vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, mở thông hành lang vận chuyển của ta, tổ chức trận đánh ra mắt nhằm xây dựng truyền thống cho Tiểu đoàn 307 vừa mới được thành lập. Huyện ủy Mộc Hóa được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng du kích tập trung tham gia trận tấn công đồn Mộc Hóa. Lực lượng tham gia trận đánh gồm Trung đoàn 120, Tiểu đoàn 307, 1 trung đội du kích tập trung huyện Mộc Hóa và du kích 3 xã xung quanh quận lỵ Mộc Hóa, đặt dưới sự chỉ huy chung của Tham mưu trưởng Khu 8 Nguyễn Chánh.

    Trận đánh tấn công Đồn Mộc Hóa dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Khu 8 và Huyện ủy Mộc Hóa diễn ra từ ngày 16 tháng 8 năm 1948 đến ngày 18 tháng 8 năm 1948.

    Đêm 16 rạng ngày 17 tháng 8 năm 1948, áp dụng chiến thuật “công đồn đả viện”, một đại đội thuộc Trung đoàn 120, trung đội du kích tập trung của huyện Mộc Hóa vây ép tấn công đồn Mộc Hóa nhằm mục đích kéo viện binh địch từ tỉnh lỵ Tân An và huyện Thủ Thừa lên. Tiểu đoàn 307, 2 đại đội còn lại của Trung đoàn 120 cùng du kích các xã xung quanh quận lỵ Mộc Hóa bố trí trận địa phục kích dọc đường dự kiến tiếp viện của địch đi qua cả trên bộ và dưới sông. Do lực lượng địch mạnh hơn, lại dựa vào công sự phòng thủ kiên cố, các thành săng đá bắn ra, ta chỉ gây sát thương cho địch mà không chiếm được đồn. Một lực lượng khác tổ chức đánh địch ngoài công sự, chặn bắt lực lượng từ đồn chạy về hướng biên giới.

    Sáng ngày 18 tháng 8 năm 1948, một tiểu đoàn địch từ lộ 1 hành quân bằng xe cơ giới lên theo lộ Kôngpông Rồ xuống biên giới Campuchia – Việt Nam. Vào lúc 15 giờ chiều ngày 18 tháng 8 năm 1948, đội hình cơ bản của địch lọt vào trận địa phục kích. Toàn mặt trận đồng loạt nổ súng mãnh liệt, chia cắt tiêu diệt quân địch. Sau 15 phút chiến đấu, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, truy đuổi quân địch đến tận biên giới.

    Kết quả trận tấn công đồn Mộc Hóa, ta tiêu diệt 25 tên, làm bị thương 2 tên, bắt sống 6 tên (có tên chỉ huy đồn, trung úy Louis Bertrand). Tại mặt trận “đả viện”, ta đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn địch, diệt hàng trăm tên, thu hơn 300 súng các loại, trong đó có 3 súng cối 60 ly, một số đại liên, trung liên.

    Trận đánh Mộc Hoá là một trong những trận đánh lớn, tiêu biểu của chiến trường miền Trung Nam bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, các lực lượng vũ trang tỉnh Tân An đã góp phần làm nên chiến thắng, có tác động mạnh mẽ đến phong trào kháng chiến ở Tân An trong năm 1948 và những năm tiếp theo.

    Chiến thắng Mộc Hóa là niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân Mộc Hóa, khẳng định sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Bộ Tư lệnh Khu 8 và Tỉnh uỷ Tân An. Đây cũng là thắng lợi chung về đường lối và phương châm du kích, về khả năng tác chiến chỉ huy chiến thuật đánh địch bằng lối đánh mới kết hợp giữa công đồn và đả viện. Chiến thắng trận Mộc Hóa đã đi vào lịch sử hào hùng của Long An thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thể hiện sự tiếp nối và phát triển nghệ thuật quân sự của cha ông trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Trận Mộc Hóa còn là chiến thắng của Tiểu đoàn 307, lập công đầu trong lần đầu tiên xuất quân. Tiểu đoàn 307 ra đời thể hiện chủ trương đúng đắn của Bộ Tư lệnh Khu 8 trong việc thành lập bộ đội chủ lực của Khu phối hợp với các địa phương đánh địch. Từ trận thắng này, phối hợp với các chiến thắng khác của toàn Miền vào những năm 1948-1949, tinh thần địch tại các đồn bót ngày càng thêm sa sút. Với chiến thắng trận Mộc Hóa, ta đã góp phần khai thông đường hành lang chiến lược từ miền Đông sang miền Tây, mở rộng và giữ vững căn cứ Đồng Tháp Mười.

     Chiến thắng trận Mộc Hóa được một tổ điện ảnh của Khu 8 quay lại nhiều hình ảnh sinh động và dựng thành phim tài liệu với tên gọi “Trận Mộc Hóa” trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Đây cũng là bộ phim tài liệu đầu tiên, là mốc khai sinh nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên một bộ phim tài liệu về đề tài chiến tranh được lên phim, rất trung thực với người thật - việc thật. Tên đất, tên người của những chiến sĩ thuộc Trung đoàn 120, Tiểu đoàn 307 và nhiều con người anh hùng của Mộc Hóa đã đi vào lịch sử, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta từ những năm đầu kháng Pháp cho đến hôm nay và mai sau.

Ngô Thành Trung

Các tin khác

  • Kết quả 03 năm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận số 01-KL/TW (04/06/2024)
  • Kết quả tình hình hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện (04/06/2024)
  • Kế hoạch tổ chức thẩm định Kỷ yếu “Long An nhân kiệt” Tập 1 (04/06/2024)
  • Hội nghị tuyển chọn nhiệm vụ khoa học “Biên soạn Quyển Địa chí Long An theo quy chuẩn địa chí quốc gia Việt Nam” (25/05/2024)
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tổng kết 10 năm kết luận 94- KL/TW (20/05/2024)
  • Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn tỉnh Long An (16/05/2024)
  • Công tác giáo dục lý luận chính trị quý I và phương hướng hoạt động quý II năm 2024 (16/05/2024)
  • Huyện Cần Đước họp bàn biên soạn tập sách ảnh Đình Vạn Phước (10/05/2024)
  • Long An ban hành Chỉ thị thực hiện Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới (10/05/2024)
  • Những hoạt động nổi bật của lĩnh vực khoa giáo trong quý I năm 2024 (26/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối