Chủ điểm tuyên truyền

Đồng chí Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024) - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

03/04/2024 08:13:56AM
Màu chữ Cỡ chữ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Thân phụ và thân mẫu của đồng chí Trần Phú là ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát.

Sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng trên cương vị là người tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong tổ chức yêu nước nổi tiếng: Hội Phục Việt (sau đổi tên là Hưng Nam, Việt Nam cách mạng Đảng rồi Tân Việt cách mạng Đảng). Sau khi hợp nhất Tân Việt cách mạng Đảng vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, từ một thanh niên trí thức yêu nước, Trần Phú trở thành một chiến sỹ cộng sản chân chính.

Ngày 8/2/1930, Đồng chí về đến Sài Gòn. Ít ngày sau Đồng chí sang Hồng Kông và gặp được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người đã giới thiệu đồng chí Trần Phú về tham gia hoạt động trong Ban Chấp uỷ lâm thời (Ban Chấp hành Trung ương lâm thời). Tháng 7/1930, Đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp uỷ lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tháng 10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc) Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Trong hoàn cảnh bị địch khủng bố rất ác liệt, Đồng chí Trần Phú - trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo thực hiện những Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất với khối lượng công việc khổng lồ, quan trọng và chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3/1931). Với nội dung bàn về nhiệm vụ hiện tại của Đảng, trong đó tập trung vào việc tăng cường sức mạnh của Đảng qua vấn đề tổ chức, Án nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ hai là văn kiện in đậm những đóng góp của đồng chí Trần Phú về lý luận xây dựng Đảng.

Đồng chí Trần Phú đã lãnh đạo, trực tiếp soạn thảo và hoàn thiện các văn kiện, triển khai thực hiện việc phát triển các tổ chức đảng, các tổ chức chính trị, đoàn thể, hội quần chúng nhằm tập hợp, đoàn kết thống nhất mọi lực lượng Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hàng loạt văn kiện quan trọng được thông qua liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức đảng, công tác dân vận, công tác mặt trận, đặt nền móng cho việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, thành lập các tổ chức: Công hội, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ. Chỉ sau một thời gian, tổ chức đảng, các đoàn thể, hội quần chúng đã có sự phát triển nhanh chóng.

Nhằm xây dựng khối đoàn kết nhất trí trên cơ sở cương lĩnh, đường lối của Đảng, Tổng Bí thư Trần Phú rất quan tâm đến vấn đề đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng, khắc phục những nhận thức lệch lạc, cơ hội, bè phái, chỉ ra những vấn đề nảy sinh từ chủ nghĩa cơ hội và khuynh hướng hòa hoãn trong Đảng. Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị lần thứ hai nêu rõ hạn chế: "nền tư tưởng trong Đảng còn rất nhiều di tích tiểu tư sản, đầu cơ, biệt phái"; chưa nhận thức đúng vai trò lịch sử của giai cấp vô sản và vai trò lãnh đạo của Đảng: “còn hiểu rằng Đảng Cộng sản là đảng của quần chúng lao khổ mà không biết rằng Đảng Cộng sản chỉ là đảng của vô sản giai cấp mà thôi mà chức trách của Đảng Cộng sản là làm hướng đạo cho vô sản giai cấp làm cách mạng vô sản". Nghị quyết cũng nêu rõ: "Tuy Đảng chỉ huy cho nông dân cho hết thảy quần chúng lao khổ làm cách mạng tư sản dân quyền nhưng Đảng vẫn là đảng của vô sản giai cấp, nghĩa là đứng về lợi ích cách mạng vô sản mà chỉ huy, lấy chính sách vô sản mà chỉ huy chứ không phải là vì Đảng đại biểu lợi ích cho tiểu tư sản quần chúng, đại biểu cho xu hướng tư hữu chế độ".

Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú, nhiều chủ trương quan trọng về công tác tuyên truyền được quyết định: "Trong khi Đảng mới thành lập, trình độ lý luận của Đảng còn thấp kém, nền tư tưởng còn chưa vững bền, nhân tài để làm việc Đảng còn rất hiếm, vậy nên sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin cho chuyên cần trong Đảng và trong quần chúng vô sản là việc rất cần kíp". Để xúc tiến công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tháng 12/1930, Đồng chí đã cùng với Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản báo Cờ vô sản và báo Cộng sản; lập Ban Tuyên truyền do một Uỷ viên Thường vụ Trung ương phụ trách.

Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị lần thứ hai nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường tính chất giai cấp công nhân của Đảng, nhất là trong đội ngũ lãnh đạo. Biện pháp căn bản là phải đưa những đảng viên là công nhân vào các cơ quan chỉ huy, phải xác định vấn đề đào tạo công nhân chỉ huy là một vấn đề thiết thực, quan trọng cho sự phát triển của Đảng hiện tại và tương lai. Phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc tổ chức Đảng. Đảng phải bao gồm những công nhân tiên tiến nhất; mỗi đảng viên phải là người hăng hái hoạt động, tham gia sinh hoạt Đảng và công việc của Đảng, trở thành một phần tử hoạt động của Đảng. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt dựa trên nguyên tắc dân chủ tập trung.

Giữ vững nguyên tắc trong xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân về tư tưởng và tổ chức, việc đề xuất những vấn đề nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng thông qua việc tăng cường tính chất giai cấp công nhân, kiên quyết chống lại chủ nghĩa cơ hội là cống hiến đóng góp có giá trị lý luận và chỉ đạo thực tiễn to lớn của đồng chí Trần Phú đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng ở một nước tiểu nông như nước ta. Ngày nay, những quan điểm này vẫn là vấn đề thời sự trong công tác xây dựng Đảng.

Đồng chí Trần Phú cùng Ban Chấp hành Trung ương đã xây dựng và củng cố tổ chức đảng các cấp từ Trung ương tới các xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy và chi bộ cơ sở của Đảng. Nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của Đồng chí và Ban Thường vụ Trung ương, trong khoảng từ tháng 12/1930 đến tháng 1/1931, các Xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ đã chính thức được thành lập và từng bước được củng cố. Theo sự chỉ đạo của Trung ương, các xứ ủy đã thành lập các ban cán sự (như Ban Thường vụ) và các bộ phận chuyên trách đã hình thành, có hệ thống từ Trung ương đến các cấp bộ Đảng bộ xứ và địa phương. Nhờ đó, Đảng đã được củng cố một bước khá vững chắc ngay trong hoàn cảnh bị kẻ thù khủng bố gắt gao, khốc liệt.

Nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của chi bộ đảng được đồng chí Trần Phú và Ban Chấp hành Trung ương rất chú trọng: "Chi bộ là cơ sở của Đảng. Nếu chi bộ mà không biết làm việc thì Đảng không phát triển được; cho nên chi bộ cần phải tổ chức sanh hoạt cho náo nhiệt và cho có kế hoạch. Ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng mạnh hay yếu, trình độ chánh trị và hoạt động của đảng viên cao hay thấp cũng theo trình độ sanh hoạt của chi bộ cao hay thấp". Do đó, việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên đã có một bước tiến mới, số chi bộ và số đảng viên xuất thân từ công nhân tại các cơ sở công nghiệp, đồn điền và các địa phương ở các vùng nông thôn đã tăng lên đáng kể. Nếu như lúc Đảng mới thành lập, toàn Đảng có khoảng 30 chi bộ với 200 đảng viên thì đến trước Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (tháng 3/1931), số đảng viên trong toàn Đảng đã lên tới 2400, hoạt động trong 250 chi bộ.

Đánh giá đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định: “Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh, hữu khuynh trong Đảng. Đồng chí dành nhiều công sức để xây dựng và củng cố tổ chức, kiện toàn các cơ quan từ trung ương đến các xứ ủy và các đảng bộ, nhất là ở những vùng quan trọng, bị địch đàn áp”.

Dưới chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương Đảng thời kỳ 1930 - 1931, khí thế phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ. Bộ Tham mưu tối cao của Đảng, do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu, đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, dấy lên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.

Quốc tế Cộng sản đánh giá cao hoạt động của Đảng ta, tháng 4/1931, đã quyết định công nhận Đảng ta là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản. Sự công nhận đó có phần đóng góp to lớn và là thành công của đồng chí Trần Phú trên cương vị là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.

Ngày 18/4/1931, Đồng chí bị địch bắt tại số nhà 66, đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh) và đưa về giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, ngày 6/9/1931, Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn. Ngày 12/1/1999, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Trần Phú tại Thành phố Hồ Chí Minh và di dời hài cốt của Đồng chí về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Hơn 90 năm qua, tư tưởng của Tổng Bí thư Trần Phú về con đường cách mạng Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Tinh thần yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, niềm tin tưởng, lạc quan cách mạng và lời nhắn nhủ đầy nghĩa khí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” không bao giờ nhạt phai trong trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Trần Phú là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Phẩm chất cao đẹp của đồng chí Trần Phú chính là động lực sống để cổ vũ các thế hệ cách mạng vững bước tiến lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam giành được những thành quả to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Cẩm Loan

Các tin khác

  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Giỗ Tổ Hùng Vương - Hướng về nguồn cội dân tộc (16/04/2024)
  • Đồng chí Đào Duy Tùng - Nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận xuất sắc của Đảng (10/04/2024)
  • Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) (29/03/2024)
  • Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 - Thắng lợi to lớn của Nhân dân Việt Nam trên con đường bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ (28/03/2024)
  • Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc (24/03/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối