Thông tin tổng hợp

Đảng Cộng sản Trung Quốc với thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc

11/07/2021 03:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cải cách mở cửa là một sự nghiệp hoàn toàn mới, được ví như một cuộc cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo 40 năm cải cách mở cửa, Đảng cộng sản (ĐCS) Trung Quốc đã tìm ra được một hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc và Con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc. Hệ thống lý luận này cho đến nay bao gồm: Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng Ba đại diện, Quan điểm phát triển khoa học và Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình.

Có thể nói, quá trình hình thành hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc cũng là quá trình các thế hệ lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc không ngừng tìm tòi với những đột phá về mặt lý luận và coi trọng tổng kết thực tiễn, sau đó khái quát hóa thành lý luận để trở lại chỉ đạo thực tiễn mới của cải cách mở cửa.

Điều lệ Đảng (sửa đổi) thông qua tại Đại hội XIX ngày 24/10/2017 đã chính thức xác nhận tư tưởng của Tập Cận Bình và đánh giá: “Tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới là sự kế thừa và phát triển của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng Ba đại diện, Quan điểm phát triển khoa học; là thành quả mới nhất của Trung Quốc hóa Chủ nghĩa Mác; là kết tinh trí tuệ tập thể và kinh nghiệm thực tiễn của Đảng và nhân dân; là bộ phận hợp thành quan trọng của hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc, là chỉ nam hành động toàn Đảng và nhân dân toàn quốc phấn đấu thực hiện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, cần phải kiên trì lâu dài và không ngừng phát triển” (Điều lệ ĐCS Trung Quốc, 2017: 5-6).

1. Về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc

Nội dung cơ bản và bổ sung mới về lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới được nêu lên trong Văn kiện Đại hội XIX chính là nội dung hạt nhân của Tư tưởng Tập Cận Bình thời đại mới bao gồm “Tám điều làm rõ” và “Mười bốn điều kiên trì” như sau:

1.1. “Tám điều cần làm rõ”

Một là, làm rõ kiên trì và phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc, nhiệm vụ chung là thực hiện hiện đại hóa XHCN và phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Trên cơ sở xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, chia làm hai bước đến giữa thế kỷ này xây dựng thành công cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp.

Hai là, làm rõ mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc là mâu thuẫn giữa nhu cầu cuộc sống tốt đẹp ngày càng tăng của nhân dân với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ, cần phải kiên trì tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, không ngừng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, toàn thể nhân dân cùng nhau giàu có. Đây được coi là luận đoán chính trị to lớn của Đại hội XIX.

Ba là, làm rõ bố cục tổng thể của sự nghiệp XHCN đặc sắc Trung Quốc là “Ngũ vị nhất thể” (Năm trong một, bao gồm xây dựng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và văn minh sinh thái); bố cục chiến lược là “Bốn toàn diện” (bao gồm đi sâu cải cách toàn diện, xây dựng xã hội khá giả toàn diện, quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện, nghiêm trị Đảng toàn diện); tăng cường kiên định tự tin con đường, tự tin lý luận, tự tin chế độ, tự tin văn hóa.

Bốn là, làm rõ mục tiêu chung của đi sâu toàn diện cải cách là hoàn thiện và phát triển chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia.

Năm là, làm rõ mục tiêu chung của thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật là xây dựng hệ thống pháp trị XHCN đặc sắc Trung Quốc, xây dựng nhà nước pháp trị XHCN đặc sắc Trung Quốc.

Sáu là, làm rõ mục tiêu cường quân của Đảng trong thời đại mới là xây dựng một quân đội nhân dân nghe Đảng chỉ huy, có thể đánh thắng trận, tác phong tốt đẹp; xây dựng quân đội nhân dân thành một đội quân hàng đầu thế giới.

Bảy là, làm rõ ngoại giao nước lớn đắc sắc Trung Quốc phải thúc đẩy xây dựng Quan hệ quốc tế kiểu mới; thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại.

Tám là, làm rõ đặc trưng bản chất nhất của CNXH đặc sắc Trung Quốc là sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc; ưu thế lớn nhất của chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc là sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc; Đảng là lực lượng lãnh đạo chính trị cao nhất, nêu lên yêu cầu chung của xây dựng Đảng trong thời đại mới, đặt xây dựng chính trị vào địa vị trọng yếu trong xây dựng Đảng.

 Trong nội dung “Tám điều làm rõ” nêu trên, Tổng Bí thư Tập Cận Bình vừa kế thừa những nội dung đã được các thế hệ lãnh đạo trước đây đề cập đến, có những nội dung ông bổ sung và hoàn thiện thêm, nâng lên thành một hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.

1.2. “Mười bốn điều kiên trì”

Một là, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi công tác, theo đó Đảng, chính quyền, quân đội, dân sự, sinh viên; Đông-Tây-Nam-Bắc-Giữa, Đảng lãnh đạo tất cả. Văn kiện Đại hội XIX nhấn mạnh, cần phải tăng cường ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức hạt nhân, ý thức đầy đủ, tự giác bảo vệ sự lãnh đạo tập trung thống nhất và quyền uy của Trung ương… Điểm mới ở đây chính là yêu cầu toàn Đảng phải tăng cường “ý thức hạt nhân”, nghĩa là “ý thức” đối với Tổng Bí thư Tập Cận Bình - người đã được xác lập là “hạt nhân lãnh đạo” của ĐCS Trung Quốc; tiếp theo là “tự giác bảo vệ sự lãnh đạo tập trung thống nhất và quyền uy của Trung ương”. Điều lệ Đảng sửa đổi được Đại hội XIX thông qua đã lồng ghép hai mệnh đề trên, viết thành “kiên định bảo vệ sự lãnh đạo tập trung thống nhất và quyền uy của Trung ương do đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân”.

Hai là, kiên trì “lấy nhân dân làm trung tâm”, theo đó văn kiện Đại hội XIX tiếp tục khẳng định cần phải kiên trì địa vị chủ thể của nhân dân. Vấn đề “vì nhân dân phục vụ” đã được các thế hệ lãnh đạo khác nhau của ĐCS Trung Quốc từ Mao Trạch Đông nêu lên. Thời đại mới, với Tổng Bí thư Tập Cận Bình là “hạt nhân lãnh đạo” đã coi trọng hơn, nhấn mạnh hơn đến vai trò của nhân dân, nêu lên đường lối tư tưởng “lấy nhân dân làm trung tâm”. Từ cách đặt vấn đề như vậy, văn kiện Đại hội XIX khẳng định Đảng “coi mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” của mình. Đây là sự đột phá trong tư duy phát triển và là hạt nhân của Tư tưởng Tập Cận Bình rất đáng chú ý.

Ba là, kiên trì đi sâu cải cách toàn diện, theo đó tiếp tục nhắc lại một số quan điểm: Cần phải kiên trì và hoàn thiện chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc, không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị toàn cầu…, xây dựng hệ thống chế độ hoàn bị, quy phạm khoa học, vận hành hiệu quả, phát huy đầy đủ tính ưu việt của chế độ XHCN ở Trung Quốc. Điểm mới là Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nhấn mạnh quan điểm cho rằng: “Kiên quyết loại bỏ những quan niệm tư tưởng và khuyết tật của cơ chế, thể chế không còn phù hợp, đột phá vào dinh lũy lợi ích đã cố kết”.

Bốn là, kiên trì quan niệm phát triển mới “sáng tạo, hài hòa, xanh hóa, mở cửa, cùng hưởng”. Khẳng định lại các quan điểm có tính nguyên tắc trong xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc khi ứng xử với hai khu vực kinh tế quan trọng là kinh tế nhà nước và kinh tế phi nhà nước, cho rằng “cần phải kiên trì và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản và chế độ phân phối XHCN, không dao động củng cố và phát triển kinh tế công hữu; không dao động khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn kinh tế phi công hữu phát triển”.

Năm là, kiên trì quyền làm chủ của nhân dân. Đây không phải là nội dung mới, nhưng được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng của Tư tưởng Tập Cận Bình “lấy nhân dân làm trung tâm”. Theo đó, nó đã được đặt trong mối quan hệ với hai chủ thể khác là Đảng và Nhà nước, đồng thời khái quát thành một vấn đề có tính lý luận: “Kiên trì sự thống nhất hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ của nhân dân và quản lý đất nước theo pháp luật là yêu cầu tất nhiên của sự phát triển chính trị XHCN”… “Phát triển dân chủ hiệp thương XHCN, kiện toàn chế độ dân chủ, làm phong phú hình thức dân chủ, mở rộng quỹ đạo dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện trong đời sống chính trị và đời sống xã hội của đất nước”.

Sáu là, kiên trì toàn diện quản lý đất nước theo pháp luật. Đây cũng là nội dung đã được nêu lên từ Đại hội XV (1997) với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp trị XHCN; quan điểm trên tiếp tục được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước Trung Quốc sau này. Tuy nhiên đến thời Tập Cận Bình, ông đã nâng cao vai trò của “pháp trị”, coi cải cách và pháp trị như hai cánh của một con chim, hai bánh của một chiếc xe. Trong báo cáo chính trị Đại hội XIX, ông một mặt tiếp tục khẳng định “kiên trì đi theo con đường pháp trị XHCN đặc sắc Trung Quốc”, mặt khác đặt vấn đề “hoàn thiện hệ thống pháp luật XHCN đặc sắc Trung Quốc lấy Hiến pháp làm hạt nhân… kiên trì cùng thúc đẩy quản lý đất nước theo pháp luật, chấp pháp theo pháp luật và hành chính theo pháp luật; kiên trì xây dựng nhất thể hóa giữa nhà nước pháp trị, chính phủ pháp trị và xã hội pháp trị ”. v.v…

Bảy là, kiên trì hệ thống giá trị hạt nhân XHCN. Đây là vấn đề được các nhà lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ khác nhau quan tâm xây dựng. Văn kiện Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc đặt vấn đề xây dựng hệ thống giá trị hạt nhân XHCN gồm 24 chữ “giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tự do, bình đẳng, công bằng, pháp trị, yêu nước, kính nghiệp, thành tín, thân thiện”; theo đó được chia thành 3 tầng diện là Quốc gia – Xã hội – Cá nhân. Đến Đại hội XIX, vấn đề xây dựng hệ thống giá trị hạt nhân XHCN được gắn kết với việc xây dựng lòng tự tin văn hóa, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và lý tưởng chung về CNXH đặc sắc Trung Quốc, gắn với quyền chủ đạo và quyền phát ngôn trong lĩnh vực ý thức hệ. Đọc báo cáo tại Đại hội XIX Tổng Bí thư Tập Cận Bình nêu rõ: “Bồi dưỡng và kiên định quan điểm giá trị hạt nhân XHCN, không ngừng tăng cường quyền chủ đạo và quyền phát ngôn trong lĩnh vực hình thái ý thức”. v.v…

Tám là, kiên trì bảo đảm và cải thiện dân sinh trong phát triển. Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu lên, nhất là từ đầu thế kỷ mới đến nay. Tuy nhiên trong văn kiện Đại hội XIX, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh hơn khi cho rằng: Thúc đẩy sự giàu có và hạnh phúc của nhân dân là mục đích căn bản của phát triển… bảo đảm để toàn thể nhân dân cảm thấy mình đã nhận được ngày càng nhiều hơn trong quá trình cùng xây dựng, cùng hưởng thụ phát triển.

Chín là, kiên trì sự cộng sinh hài hòa giữa con người và tự nhiên. Đây là vấn đề cũng đã từng được nêu lên từ trước. Tuy nhiên, đã coi trọng hơn vấn đề xây dựng văn minh sinh thái. Đến Đại hội XIX, tiến thêm một bước khẳng định: Xây dựng văn minh sinh thái là kế lớn nghìn năm của sự phát triển vĩnh hằng của dân tộc Trung Hoa. Đặc biệt, trong mục tiêu phấn đấu của ĐCS Trung Quốc đến giữa thế kỷ, đã bổ sung thêm hai chữ “tươi đẹp”, viết thành: “Xây dựng thành công cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp”.

Mười là, kiên trì quan niệm an ninh quốc gia tổng thể. Đây là nội dung mang dấu ấn Tập Cận Bình. Trong văn kiện Đại hội XIXnhấn mạnh quan điểm cho rằng: Phải kiên trì đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, lấy an ninh nhân dân làm tôn chỉ, lấy an ninh chính trị làm căn bản, sắp xếp đồng bộ an ninh bên ngoài và an ninh bên trong, an ninh quốc thổ và an ninh quốc dân, an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, an ninh cá nhân và an ninh chung.

Mười một là, kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội. Đây là chủ đề xuyên suốt trong quan điểm của các thế hệ lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc từ trước đến nay, nhưng đến Đại hội XIX Tổng Bí thư Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh: Xác lập địa vị chỉ đạo của tư tưởng cường quân của Đảng trong thời đại mới trong xây dựng quốc phòng và quân đội…

Mười hai là, kiên trì phương châm “Một quốc gia, hai chế độ” và thúc đẩy thống nhất Tổ quốc. Đây là phương châm được nêu lên từ thời kỳ Đặng Tiểu Bình, sau đó được các thế hệ lãnh đạo tiếp theo kiên trì. Tuy nhiên trước những biến đổi mới của tình hình đất nước và quan hệ “hai bờ bốn bên”, văn kiện Đại hội XIX một lần nữa nhấn mạnh phương châm “Một quốc gia, hai chế độ” không thay đổi, không dao động.

Mười ba là, kiên trì thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Đây hoàn toàn là một nội dung mới của Tư tưởng Tập Cận Bình. Đọc báo cáo chính trị tại Đại hội XIX, ông kêu gọi: Nhân dân các nước đồng tâm hiệp lực, xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại… Thúc đẩy xây dựng Quan hệ quốc tế kiểu mới “tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa, hợp tác cùng thắng”.

Mười bốn là, kiên trì nghiêm trị Đảng toàn diện. Đây là một trong 4 nội dung của “Bốn toàn diện” mang dấu ấn của Tập Cận Bình rõ rệt và cũng là một nội dung quan trọng của tư tưởng. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIXnhấn mạnh: Một chính đảng, một chính quyền, tiền đồ vận mệnh của nó tùy thuộc vào việc lòng người có quay lưng lại hay không… Yêu cầu chung của công tác xây dựng Đảng trong thời đại mới là: Kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng…, lấy tăng cường xây dựng năng lực cầm quyền lâu dài, tính tiên tiến và tính thuần khiết của Đảng làm tuyến chính, lấy xây dựng chính trị của Đảng làm thống lĩnh, lấy kiên định tôn chỉ, niềm tin, lý tưởng làm điểm căn bản… thúc đẩy xây dựng chính trị, xây dựng tư tưởng, xây dựng tổ chức, xây dựng tác phong, xây dựng kỷ luật…, không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng Đảng.

Mười bốn điều kiên trì nêu trên đã cấu thành “phương lược cơ bản” của ĐCS Trung Quốc trong việc kiên trì và phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới; đồng thời cũng là những nội dung quan trọng của Tư tưởng Tập Cận Bình trong thời đại mới.

2.  Lý luận về xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa

Việc phát triển lý luận và mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc diễn ra bằng một quá trình thử nghiệm thận trọng ở nông thôn trước thành thị sau (giai đoạn trước 1984), ở đặc khu trước rồi đến các thành phố ven biển (giữa thập niên 1980) rồi đến các thành phố tỉnh lỵ (từ đầu thập niên 1990) rồi mới áp dụng rộng ra cả nước. Doanh nghiệp nhà nước từ chỗ sản xuất theo kế hoạch được phân tách quyền sở hữu và quyền kinh doanh, sau đó là tư nhân hóa trong trường hợp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp lớn không trong các lĩnh vực quan trọng theo phương châm “nắm lớn, buông nhỏ”.

Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc thể hiện rõ ở chế độ sở hữu hỗn hợp. Với phương châm nắm lớn buông nhỏ, Trung Quốc tiếp tục coi trọng vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường có mức độ cạnh tranh cao của thế giới. Năm 2017, trong danh sách 500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất thế giới do Fortune chọn, có 109 doanh nghiệp Trung Quốc và đều là doanh nghiệp do Nhà nước kiểm soát. Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước tuy chỉ còn đóng góp khoảng 1/5 sản lượng, nhưng nắm giữ tới khoảng 40% giá trị tài sản công nghiệp ở Trung Quốc. Doanh nghiệp nhà nước đã góp phần vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, ổn định chính trị và kinh tế, đảm bảo các nguồn tài nguyên thiết yếu và phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân ở Trung Quốc cũng đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và tỏ ra hiệu quả hơn hẳn khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, năm 2001, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân trở thành đảng viên. Từ đây, thành phần của Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm các đại diện của ba lực lượng là công nhân, nông dân và chủ doanh nghiệp tư nhân

3. Về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên

ĐCS Trung Quốc đã đưa ra “8 quyđịnh”về sửa đổi tác phong làm việc, quyết định toàn đảng từ trên xuống dưới quán triệt thực hiện “vì dân, thiết thực, liêm khiết”(1).Mục tiêu trọng điểm là giải quyết vấn đề “4 tác phong” (chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa quan liêu và chủ nghĩa xa hoa lãng phí) từ lâu còn tồn tại trong nhiều cán bộ,đảng viên.

Trung Quốc cho rằng tổ chức là “hình”, tư tưởng là “hồn”. Muốn tăng cường xây dựng tổ chức Đảng thì vừa phải “tạo hình”, vừa phải “tạo hồn”. Bên cạnh việc quán triệt thực hiện đổi mới tác phong, ĐCS Trung Quốc rất chú trọng đến công tác giáo dục tư tưởng, tuyên truyền về ý thức hệ, chú trọng công tác học tập, tu dưỡng củađảng viên, từ học tập đến thực tiễn. Chú trọng xây dựng văn hóa chính trị trong Đảng; định hướng cho cán bộ,đảng viên về thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan. Tăng cường “4 tự tin”(tự tin lý luận, tự tin về con đường, tự tin chế độ, tự tin văn hóa), tăng thêm “4 ý thức” (ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức hạt nhân, ý thức nhìn tổng thể).

ĐCS Trung Quốc rất coi trọng kiểm soát quyền lực và đấu tranh chống tham nhũng.ĐCS Trung Quốc cho rằng: “trọng tâm của công tác chống tham nhũng và xây dựng liêm khiết là kiểm soát và ràng buộc quyền lực...”và đã nhiều lần nhấn mạnh phải tăng cường giám sát trong thực thi quyền lực, để quyền lực thực sự được “nhốt” vào “chiếc lồng chế độ”, hình thành cơ chế phòng, chống, răn đe trừng phạt để không dám vi phạm, cơ chế bảo đảm để không dễ sai phạm.

Từ sau Đại hội XVIII đến nay, ĐCS Trung Quốc đã và đang thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng “đả hổ - diệt ruồi - săn cáo” với cường độ mạnh. Quan chức ở mọi cấp bậc, bất kể cao hay thấp, đều thuộc diện điều tra và phạm tội sẽ bị trừng phạt nặng, kể cả những quan chức đã nghỉ hưu. Chiến dịch “đả hổ, đập ruồi” làm cho khoảng 1,2 triệu cán bộ đảng viên “ngã ngựa”. Chiến dịch “Lưới trời” (Sky Net) và “Săn Cáo”(Fox Hunt) đã bắt và đưa về Trung Quốc 2.873 đối tượng đào tẩu tới hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 476 đối tượng là các cựu quan chức và khoảng 40 đối tượng nằm trong danh sách “truy nã Đỏ” của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). Ngoài ra, có tới 1,34 triệu đảng viên và quan chức ở các thành phố nhỏ cùng với 648.000 đảng viên và cán bộ ở các khu vực nông thôn cũng bị xem xét kỷ luật trong giai đoạn này.

Trong nhiệm kỳ 7 năm của Chủ tịch Tập Cận Bình, có hơn một triệu quan chức đã bị trừng phạt trong chiến dịch chống tham nhũng. Kết thúc năm 2019, diễn ra tổng cộng 25.000 phiên tòa liên quan đến tham nhũng và hối lộ và 29.000 người bị kết án. Tổng số đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc bị kỷ luật tăng lên khoảng 600.000 vào năm 2020, so với khoảng 590.000 vào năm 2019. 

Theo báo cáo thường niên của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc đệ trình lên quốc hội, tổng cộng 18.585 người đã bị truy tố vì các tội liên quan đến tham nhũng năm 2020, tăng 90% so với năm năm 2019.Đã có hàng loạt “hổ lớn tham nhũng” đã bị bắt, truy tố và bỏ tù, bao gồm cả Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy, 2 cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.

Quyết tâm chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm làm trong sạch Đảng và trong sạch bộ máy Nhà nước nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Có tới hơn 93% số người dân được hỏi ý kiến tỏ ý hài lòng với các chiến dịch chống tham nhũng trong năm 2016, khiến lòng tin của nhân dân đối với Đảng Cộng sản ngày càng được được nâng cao.

P.TT (tổng hợp)

Các tin khác

  • 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng (04/02/2023)
  • Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (03/02/2023)
  • Nghị định số 83/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Nhiều chức danh lãnh đạo nữ được kéo dài tuổi nghỉ hưu (03/02/2023)
  • Nghị quyết số 06/NQ-CP: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội (10/01/2023)
  • Nghị quyết 01/NQ-CP: Giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (09/01/2023)
  • Quy hoạch tổng thể quốc gia 2030: Tổ chức không gian phát triển theo 6 vùng (07/01/2023)
  • Phát triển hệ thống đô thị ven biển theo hướng bền vững, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên (07/01/2023)
  • Phát triển 4 vùng động lực quốc gia và các hành lang kinh tế (06/01/2023)
  • Sáu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng (26/12/2022)
  • Đồng chí Võ Văn Ngân (1902 – 1938) – nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (25/10/2022)
  • Trang đầu 12 Trang cuối