Thông tin Đối ngoại và Biên giới - biển, đảo

Thành cổ Quảng Trị - “81 ngày đêm máu và hoa”

12/04/2025 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

“Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu/ Cờ Tổ quốc gọi tâm hồn trong gió/ Như mặt trời rực đỏ như lấp lánh sao vàng...” (trích trong bài thơ “Nói chuyện với sông Hiền Lương”, nhà thơ Tế Hanh, năm 1959).

Đoàn công tác Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy chúng tôi đến thăm Thành cổ Quảng Trị vào một buổi chiều tháng 4 giữa lúc cái nắng đang gay gắt chợt dịu đi bởi những cơn gió lùa về.

Hòa vào dòng người, chúng tôi thành kính bước vào miền đất thiêng “Thành cổ Quảng Trị – Di tích quốc gia đặc biệt ở trung tâm thị xã” để tri ân và tưởng nhớ công ơn của những anh hùng đã ngã xuống trong chiến tranh.

Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cách Quốc lộ 1A 2km về phía Bắc, cách dòng sông Thạch Hãn 500m về phía đông. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán Triều Nguyễn), tòa thành Quảng Trị được xây dựng từ đầu thời vua Gia Long nhà Nguyễn, ở địa phận huyện Đăng Xương; năm thứ 8 dời đắp ở địa phận xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng. Năm Minh Mạng thứ 4, đắp bằng đất; đến năm Minh Mạng thứ 8 (năm 1827) thì được xây bằng gạch. Đây chính là tòa thành còn lại những dấu tích cho đến ngày nay. Trong lịch sử thời phong kiến, thành Quảng Trị là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn quân sự quan trọng bảo vệ kinh đô Phú Xuân - Huế từ phía Bắc.

Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã ghi dấu sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị của bộ đội ta, góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện trọn vẹn di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cho Bắc-Nam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất.

Trong khói hương trầm thoang thoảng thơm, chúng tôi kính cẩn dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, lòng nghẹn lại khi nghe hướng dẫn viên của Ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị nhắc lại sự kiện 81 ngày đêm lịch sử mùa hè năm 1972; ở đây, ngày nào địch cũng tiến hành rất nhiều trận đánh bằng bom pháo, bằng bộ binh có xe tăng, xe thiết giáp, xe phun lửa yểm trợ cho lính dù, lính thuỷ đánh bộ, lính biệt động tiến công, chỉ xoay quanh một tòa thành không đầy 300.000m2, trong một thị xã với diện tích gần 4km2, nhà cửa đổ nát, không một bóng người… Có ngày địch đã trút vào mảnh đất nhỏ hẹp này 13.000 đạn pháo, hàng ngàn tấn bom…Trong suốt 81 ngày đêm (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972), Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót. Máu xương của hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi đây, hòa vào lòng đất, từng cỏ cây Thành cổ.

Đứng trong Thành cổ với chúng tôi, anh Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy vốn là một người con Quảng Trị xa quê không khỏi bùi ngùi, xúc động khi nhớ đến những kỷ niệm tháng năm tuổi thơ sống trong chiến tranh giặc giã, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc...

53 năm đã trôi qua kể từ sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) và 50 năm tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng (19/3/1975 – 19/3/2025), cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày trên mảnh đất đầy nắng gió và đau thương này. Những công trình mới dựng lên, những cánh đồng lúa xanh mướt trải dài báo hiệu mùa bội thu. Dòng sông Thạch Hãn trong xanh vẫn không ngừng chảy và đổ về Cửa Việt để hòa vào Biển Đông. Dẫu còn khó khăn nhưng nụ cười hạnh phúc được sống trong hòa bình luôn nở trên môi của người dân nơi đây. Cuộc sống trôi đi thật nhẹ nhàng, thanh bình như ước mơ của biết bao chiến sĩ, người dân đã hi sinh cho Tổ quốc.

Thành cổ Quảng Trị dấu tích của quá khứ vẫn còn đây cùng bài học lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chúng ta nhìn lại quá khứ đau thương của chiến tranh năm xưa để hôm nay càng phải nâng niu, quý trọng giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do và giáo dục cho con cháu cội nguồn, lòng yêu nước, đồng thời luôn gìn giữ và phát huy những thành quả của các thế hệ ông cha đi trước, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế, dựa trên ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Phòng TT, TT, BC - XB

Các tin khác

  • Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới (09/06/2025)
  • Quan điểm công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới (07/06/2025)
  • Mục tiêu công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới (06/06/2025)
  • Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và thông tin cơ sở năm 2025 (22/05/2025)
  • Xứ Thanh – vùng đất “tam vua, nhị chúa” (17/04/2025)
  • Hào khí Lam Sơn (17/04/2025)
  • Cảm xúc “xứ Tuyên” (15/04/2025)
  • Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương (15/04/2025)
  • Về Tân Trào “Thủ đô kháng chiến gió ngàn” (14/04/2025)
  • Cầu Hiền Lương – Vĩ tuyến 17 nối đôi bờ sông Bến Hải (14/04/2025)
  • Trang đầu 12345 Trang cuối