Đất và người Long An

Tân An những ngày cách mạng tháng Tám

03/12/2020 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Di tích nhà thuốc Minh Xuân Đường (phường 1, thị xã Tân An, tỉnh Long An) là địa chỉ đỏ ghi dấu phong trào cách mạng Tân An đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng trong khoảng 10 năm (1936-1945). Trong căn nhà ấy là nơi hội tụ những hạt nhân nòng cốt của Tỉnh ủy Tân An, ghi dấu những nét son tiêu biểu có tính chất quyết định của Đảng bộ Tân An cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

Trụ sở bí mật của Tỉnh ủy Tân An

          Ngay sau khi Đảng cộng sản ra đời, Xứ ủy Nam Kỳ rất coi trọng công tác giác ngộ quần chúng, xây dựng tổ chức cách mạng và cơ sở Đảng tại Tân An. Tháng 11 năm 1930, thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Xuân Luyện (Cử Luyện) trực tiếp phụ trách và xây dựng, phát triển được tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn thị xã Tân An. Nhiều đảng viên và cơ sở nòng cốt của Đảng từ các địa phương khác đã chuyển đến Tân An sinh sống, hoạt động. Trong đó có gia đình đồng chí Nguyễn Văn Hoằng và một số đảng viên quê ở Châu Thành cũng thường xuyên có mặt tại thị xã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng. Những cơ sở nòng cốt đầu tiên được hình thành, phong trào cách mạng được nhen nhóm.

          Năm 1931, chi bộ cộng sản đầu tiên ở Tân An được thành lập do đồng chí Ba Hoằng làm bí thư. Lúc này, chi bộ đặt trụ sở tại tiệm thợ bạc Cộng Hòa gần kênh Bảo Định. Bên cạnh đó, tại tiệm thuốc bắc Minh Xuân Đường của đồng chí Lê Minh Xuân dùng làm điểm liên lạc, chuyển tài liệu sách báo của Đảng, của liên tỉnh ủy Miền Đông với miền Tây và Xứ ủy.

          Cuối năm 1938, đồng chí Trần Trung Tam được Xứ ủy điều động từ Quận ủy Đức Hòa về Tân An làm bí thư chi bộ cộng sản ở Tân An, chỉ đạo phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng bí mật của Đảng để chuẩn bị khởi nghĩa. Do địch đánh hơi được các hoạt động đấu tranh khởi xướng từ tiệm thợ bạc Cộng Hòa nên chi bộ quyết định thay đổi địa điểm đặt cơ quan lãnh đạo. Tiệm thợ bạc Cộng Hòa đóng cửa, nhà thuốc Minh Xuân Đường của lương y Lê Minh Xuân trở thành nơi đứng chân hoạt động của đồng chí Trần Trung Tam dưới vỏ bọc hợp pháp là thầy lang trực tiếp kê toa, bốc thuốc. Tháng 10-1938, Tỉnh ủy Tân An được thành lập. Đồng chí Trần Trung Tam được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Chi bộ thị xã tiếp tục được xây dựng và củng cố.

          Tại nhà thuốc Minh Xuân Đường, đồng chí Trần Trung Tam làm việc và chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh. Theo ông Phẩm Văn Giáo, nguyên cán bộ của Tỉnh ủy Tân An (ông đã mất) kể lại, vào ngày 14/7/1939, Tỉnh ủy Tân An đã tổ chức một cuộc biểu tình thị uy tại tỉnh lỵ. Đây là cuộc biểu tình công khai đòi quyền dân sinh, dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau khi cuộc biểu tình kết thúc, Tỉnh ủy đã họp chỉ đạo rút kinh nghiệm tại nhà thuốc Minh Xuân Đường. Cũng từ địa điểm này, Ban chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh được thành lập. Đồng chí Trần Trung Tam đã chỉ đạo công tác chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ trong phạm vi tỉnh Tân An…

          Nắm bắt thời cơ, nổi dậy dành chính quyền

          Cuối tháng 6 năm 1945, nhận thấy thời cơ khởi nghĩa đang đến gần, Tỉnh ủy lâm thời Tân An đã tiến hành hội nghị mở rộng đầu tiên, gồm 16 đồng chí đại biểu về dự tại nhà thuốc Minh Xuân Đường. Hội nghị đã triển khai nội dung quan trọng là vạch kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa ở tỉnh lỵ và phân công lãnh đạo giành chính quyền ở các quận. Hội nghị dự kiến: Thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đứng đầu và hình thành bộ máy chính quyền sau khởi nghĩa; xác định các điểm then chốt phải dứt điểm khi nổ ra khởi nghĩa; chuẩn bị các đội vũ trang xung kích vào tỉnh lỵ; vận động binh lính công chức ủng hội khởi nghĩa… Sau hội nghị, Tỉnh ủy đã điều lực lượng vũ trang từ các quận đưa vào ém tại thị xã. Tỉnh ủy đã thực hiện tốt việc xây dựng chi bộ nội tuyến, mượn súng từ binh lính địch để trang bị cho thanh niên tiền phong (vận động Quản Vinh và Cai Dữ).

          Trong những ngày tháng khẩn trương, Minh Xuân Đường đã trở thành một địa điểm tập trung để đảng viên các nơi tụ về vẽ truyền đơn, chuẩn bị khẩu hiệu, dập phù hiệu đảng viên…sửa soạn khởi nghĩa. Vào một đêm gần giữa tháng 8-1945, khoảng 500 thanh niên tiền phong đã mở đêm lửa trại tại sân vận động tỉnh lỵ. Đây là cuộc diễn tập dành chính quyền ngay trước dinh tỉnh trưởng mà địch không hề hay biết. Sau đó, Tỉnh ủy đã họp và nhất trí chuẩn bị một nghị quyết hành động gọi là “nghị quyết đỏ”, dự kiến cuộc khởi nghĩa chậm nhất ở tỉnh vào ngày 25-8. Cũng tại cuộc họp ngày 21- 8 tại chợ Đệm, Xứ ủy giao cho Tân An khởi nghĩa thí điểm được cả hội nghị đồng tình. Sau khi Tân An khởi nghĩa thành công, Xứ ủy sẽ “bấm nút” khởi nghĩa toàn xứ.

          Trưa ngày 21/8, tỉnh lỵ Tân An náo loạn vì có tin “Đằng thổ dậy”. Mọi người hốt hoảng về nhà đóng cửa, đường phố vắng tanh. Lúc này, Thường trực Tỉnh ủy chỉ có hai đồng chí Nguyễn Văn Trọng và Lê Minh Xuân, còn đồng chí Nguyễn Văn Hoằng bận hội nghị Xứ ủy chưa về kịp. Trước tình hình đó, đồng chí Trọng và đồng chí Xuân hội ý chớp nhoáng tại nhà thuốc Minh Xuân Đường nhận định có âm mưu của phái Cao Đài phản động tung tin với ý đồ phổng tay trên của cách mạng để cướp chính quyền nên cần khởi nghĩa gấp. Thế là khởi nghĩa Tân An sớm hơn dự kiến ban đầu. Các đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân, Hà Tây Giang và một số đồng chí khác đã xông vào trại lính bảo an ra lệnh cho bọn chúng đầu hàng, tước khí giới. Ta chiếm trại lính, mở kho súng tịch thu hơn 140 khẩu mà không tốn một viên đạn nào. Đồng chí Lê Minh Xuân trưng dụng một chiếc xe đưa lực lượng đi chiếm các công sở và vây bắt những tên phản động. Đồng chí Nguyễn Văn Trọng đến trụ sở thanh niên tiền phong nhân danh chính quyền cách mạng tỉnh Tân An tuyên bố: Chính quyền đã về tay Việt Minh, ra lệnh chiếm giữ các công sở, cầu đường…

          Cuộc khởi nghĩa Tân An thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. Sau khi thị xã cướp chính quyền thành công, trong đêm 21- 8, Tỉnh ủy Tân An đã tiếp tục chỉ đạo các quận khởi nghĩa. Sáng ngày hôm sau, nhân dân cầm trên tay gậy gộc, giáo mác cùng với cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng tiến về thị xã trong niềm vui chiến thắng dự lễ mít tinh ra mắt chính quyền mới.

Biện Văn Cường

Các tin khác

  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Hồng Đào- Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Gia Định (14/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối