Chủ điểm tuyên truyền

Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản kiên trung

07/10/2024 03:09:44PM
Màu chữ Cỡ chữ

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng (hay còn gọi là Lê Văn Trọng), sinh ngày 20/10/1914 tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Vương quốc Thái Lan (vùng Đông Bắc nước Xiêm, tỉnh Lạc Hòn - địa giới đầu thế kỷ trước) trong gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cha của Lý Tự Trọng là ông Lê Hữu Đạt, quê ở làng Kẻ Vẹt (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; mẹ là bà Nguyễn Thị Sờm quê ở Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Thời kỳ này do phải tránh sự truy lùng gắt gao của bọn thực dân Pháp nên hàng chục nghìn đồng bào yêu nước (phần lớn là miền Trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…) từng nổi dậy theo Phan Đình Phùng đánh Pháp rồi theo Phan Bội Châu tham gia Việt Nam Quang phục Hội để mưu việc “phục quốc” buộc phải tìm đường vượt núi cao Trường Sơn và băng qua Sông Mẹ (Mê Kông) vừa để cuốc cày kiếm sống vừa để tổ chức lực lượng trở về đánh Pháp trong sự chia sẻ, đùm bọc của nhân dân nước bạn.

Lớn lên trong tinh thần và truyền thống yêu nước của cả hai gia đình và bà con Việt kiều, hơn 6 tuổi Lê Văn Trọng được đến trường do các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội mở ở Bản Mạy. Tại đây, anh được học lịch sử nước Nam, văn thơ yêu nước của Phan Bội Châu và các nhà yêu nước khác cũng như học tiếng Hán, tiếng Thái…Lên 10 tuổi, Lê Hữu Trọng được Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Trung Quốc sang Thái Lan chọn đưa về Quảng Châu ăn học. Tại đây, Lê Hữu Trọng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Lý Tự Trọng (cùng họ với Lý Thụy - tên gọi bí mật của đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ) và được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học tại cấp tiểu học thuộc Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu.

Vốn có tính hiếu học, Lý Tự Trọng đã nhanh chóng thông thạo chữ Trung Quốc và học thêm tiếng Anh, giúp cho kiến thức văn hóa của mình ngày càng rộng mở. Thời gian sau đó, Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ làm liên lạc, giúp việc tại cơ quan Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu. Với tài trí thông minh, hoạt bát, Lý Tự Trọng đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ và cán bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đang hoạt động ở Trung Quốc, chuyển thư từ tài liệu cách mạng.

Năm 1925, Lê Hữu Trọng là một trong tám thiếu niên được lựa chọn đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập, chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên cộng sản ở Việt Nam.

Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng có chuyển biến mới. Các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia tổ chức các cuộc mít tinh tại Sài Gòn, Hội nghị công nhân Đông Dương, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ. Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ đặc biệt, vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản. Với bí danh là Nguyễn Huy, Lý Tự Trọng xin làm công nhân hãng than tại Sài Gòn.

Năm 1930, khi Trung ương Đảng về đóng trụ sở tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng được làm việc với đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự. Lúc bấy giờ nhiệm vụ của Lý Tự Trọng vừa làm liên lạc giữa cơ sở Đảng trên tàu quốc tế với Xứ ủy Nam kỳ, vừa làm nhiệm vụ liên lạc giữa Xứ ủy Nam kỳ với các cấp bộ đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho Lý Tự Trọng nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản.

Ngày 08/02/1931, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức buổi tuyên truyền với nội dung kêu gọi liên minh công - nông, yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm. Đồng chí Phan Bôi (bí danh là Quảng) lúc này phụ trách tuyên truyền của xứ ủy, được phân công làm trưởng ban tổ chức, Lý Tự Trọng được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ. Khi quần chúng xem đá bóng ở sân bóng C.I.A xong, vừa đổ ra đường, đồng chí Phan Bôi đứng lên diễn thuyết, bọn cảnh sát ập đến, tên mật thám Legrand nhảy vào bắt đồng chí Phan Bôi. Không còn cách nào khác để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn tên mật thám gục xuống. Trước sự kiện chấn động đó, thực dân Pháp đã ra sức truy lùng và bắt sống được anh.

Sau khi bị thực dân Pháp bắt, Lý Tự Trọng bị đưa đi tra tấn và giam giữ lần lượt tại hai nơi là bốt Catinat và Khám lớn Sài Gòn. Dù bị tra tấn vô cùng dã man nhưng địch không khai thác được thông tin gì từ anh. Run sợ trước phong trào cách mạng, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xử một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 17 tuổi. Lý Tự Trọng đã bị kết án tử hình. Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Mặc dù bị xiềng xích nhưng hàng ngày anh vẫn tập thể dục, đọc Truyện Kiều, động viên các bạn trẻ nêu cao ý chí cách mạng. Khí phách hiên ngang của anh đã làm cho bọn cai ngục phải khâm phục và kinh ngạc, chúng gọi anh là “Ông Nhỏ”, “thật là con người gang thép”.

Thực dân Pháp đã không dám xử công khai Lý Tự Trọng. Lợi dụng lúc nửa đêm về sáng ngày 21/11/1931, chúng đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn hòng giết anh trong im lặng.

Lý Tự Trọng anh dũng hy sinh khi mới 17 tuổi nhưng tinh thần cách mạng bất khuất của anh đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ, đồng thời đã động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ.

Noi gương và tiếp bước Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng Tám 1945, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau lên đường với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, giành độc lập tự do cho Tổ quốc và thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, lớp lớp thanh niên đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn. Trong những năm qua, các các cấp bộ Đoàn, Hội đã nhiều sáng kiến, phát động nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực. Mỗi cuộc vận động, mỗi phong trào đều tạo môi trường lành mạnh, tác động tích cực tới nhận thức và hành động của tuổi trẻ. Đặc biệt, dù trong môi trường, lĩnh vực nào, các thế hệ tương lai của đất nước cũng xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, quyết chí vươn lên; phát huy tinh thần, ý chí tự lực tự cường trong học tập, rèn luyện, sáng tạo trong lao động. Các phong trào hành động cách mạng “Thanh niên tình nguyện”,“Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” và các Chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; trong khởi nghiệp, lập nghiệp; trong rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần đã được xác định phù hợp với đặc điểm, trình độ, năng lực, thế mạnh của thanh niên; đáp ứng được những nhu cầu, mong mỏi của tuổi trẻ, qua đó phát huy được vai trò xung kích, tình nguyện, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tạo môi trường, điều kiện để thanh, thiếu niên trưởng thành, phát triển toàn diện. Từ các phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân tiêu biểu đi đầu trong các lĩnh vực học tập, lao động sản xuất, sáng tạo khoa học công nghệ, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức Đoàn ngày càng được củng cố. Số lượng, chất lượng đoàn viên ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ Đoàn đông đảo, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã và đang trở thành nguồn cán bộ kế cận tin cậy của Đảng, chính quyền và đoàn thể ở các cấp.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, tri ân công lao to lớn, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất, tấm gương hy sinh quên mình vì nước, vì dân của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên và các thế hệ tiền bối đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, thế hệ trẻ hôm nay nguyện noi gương anh quyết tâm học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Hơn bao giờ hết, câu nói “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”càng thôi thúc tuổi trẻ cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tin tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, thế hệ thanh niên Việt Nam noi gương anh Lý Tự Trọng, nguyện viết tiếp trang sử vàng chói lọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam anh hùng đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Trung Hiếu

Các tin khác

  • Đồng chí Lý Tự Trọng – Người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi kiên định, tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo (17/10/2024)
  • Kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2024) (14/10/2024)
  • Hà Nội phát huy truyền thống lịch sử, xứng danh Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến (02/10/2024)
  • Long An triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư khóa XIII về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới (01/10/2024)
  • Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) (01/10/2024)
  • Kỷ niệm 33 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10/1991-/01/10/2024) (01/10/2024)
  • Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh (25/09/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2024) (19/09/2024)
  • Long An “Trung dũng kiên cường, Toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Kỷ niệm 69 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024) (09/09/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối