Chương trình phối hợp

Nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh

12/06/2024 10:47:55AM
Màu chữ Cỡ chữ

Theo kết quả công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là PAPI) năm 2023 trên website http://papi.org.vn/ vào ngày 02/4/2024. Chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh Long An đạt được 40.83/80 điểm, đứng hàng thứ 46/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm thứ ba trung bình thấp; tăng 1.03 điểm và tăng 11 bậc so với năm 2022 (57/63 tỉnh, thành phố), đứng thứ 07/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả này cho thấy lãnh đạo tỉnh rất quyết tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành chính quyền các cấp để cải thiện sự hài lòng của người dân đối với việc thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương.

Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh, góp phần xây dựng bộ máy hành chính công khai, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và mỗi cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các nội dung Chỉ số PAPI. Phấn đấu năm 2024 kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh nằm trong nhóm có điểm trung bình cao, ngày 21/5/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1523/KH-UBND nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024 của tỉnh, trong đó tập trung chỉ đạo:

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chỉ số PAPI

- Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào việc quán triệt về nhận thức trong hệ thống chính trị về ý nghĩa, bản chất của Chỉ số PAPI, những lợi ích của Chỉ số mang lại đối với công tác điều hành của chính quyền. Trên cơ sở phân tích kết quả về điểm số các chỉ số nội dung và nội dung thành phần, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, những hạn chế, tồn tại trên từng lĩnh vực, từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu, đột phá nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI. Chú trọng sự chủ động, kịp thời, chính xác, có tính định hướng dư luận trong công tác thông tin tuyên truyền tới người dân. Tăng cường cách thức truyền thông 02 chiều, có tương tác với người dân; chỉ dẫn cách thức, địa điểm, thời gian tiếp cận thông tin; hướng dẫn người dân xử lý thông tin.

- Phát huy hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền truyền thống, trực quan, tuyên truyền trực tiếp (hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua cán bộ ấp, khu phố,..) đồng thời khai thác các hình thức tuyên truyền hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với trình độ dân trí, từng đối tượng và từng khu vực dân cư. Tăng cường thời lượng, tần suất tuyên truyền tới cộng đồng, các khu dân cư và người dân. Tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin.

- Thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ về các nội dung của Chỉ số PAPI nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ về cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số PAPI hàng năm.

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hiện các nội dung nâng cao Chỉ số PAPI

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh; đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, chủ động ngăn ngừa các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan đơn vị, thay đổi phong cách, lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách. Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại địa phương.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể Nhân dân trong việc tập hợp, huy động sự tham gia của Nhân dân, tạo  sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp  luật của Nhà nước.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo việc nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nội dung cải thiện Chỉ số PAPI, bao gồm sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở đối với việc thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của địa phương; tăng sự tương tác, thông tin giữa chính quyền với Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công; thông tin minh bạch về các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, minh bạch các khoản đóng góp của người dân khi thực hiện các dự án “Nhà         nước và Nhân dân cùng làm”; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm dân chủ ở cơ sở hay tình trạng lạm thu ở cơ sở (nhất là trong Chương trình xây dựng nông thôn mới). Tăng cường tính công khai, minh bạch đối với các hoạt động quản lý hành chính công trên địa bàn; thực hiện đúng quy định về bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo; công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, kết quả bình xét, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, trụ sở (điểm hoạt động văn hóa) khu phố, ấp, bảng thông tin khu phố, ấp có hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện đúng các quy định về công khai, minh bạch tài chính, ngân sách theo quy định; công khai về thu, chi ngân sách phải cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát, nâng tỷ lệ người dân tiếp cận, biết về công khai thu, chi ngân sách; bảo đảm độ tin cậy về tính chính xác của số liệu để người dân thực hiện quyền giám sát về công khai thu, chi ngân sách. Kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công. Các dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị liên quan đến xã, phường, thị trấn đều phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân tại địa phương. Thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và khung giá đất hiện thời theo quy định pháp luật trên trang thông tin điện tử của huyện, thị xã, thành phố và tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn. Kịp thời cập nhật, công khai khi có sự điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mức giá đền bù khi thu hồi đất; công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư. Triển khai nhiều biện pháp để cải thiện về tỷ lệ người dân biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã, phường, thị trấn và nâng tỷ lệ người tham dự, đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo và về hòa giải ở cơ sở. Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của ấp, khu phố và Tổ hòa giải ở cơ sở. Tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư khi phát sinh nội dung, vấn đề bức xúc trong quá trình triển khai nhiệm  vụ của chính quyền và những nội dung khác người dân quan tâm. Kịp thời tiếp nhận, xử lý và phản hồi các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định. Triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực quản lý, đặc biệt liên quan đến công tác quản lý đất đai, xây dựng, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), công tác tài chính... theo quy định pháp luật. Tăng cường công tác kiểm soát TTHC, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách TTHC; thực hiện nghiêm túc, có chất lượng công tác rà soát các quy định, TTHC thuộc phạm vi quản lý; kiến nghị đơn giản hóa các quy định TTHC không cần thiết để giảm thời gian và chi phí tuân TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, y tế dự phòng; tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế, nâng cao tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế. Thực hiện tốt quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường tại địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Mai Xuân

Các tin khác

  • Báo chí tham gia hiệu quả, tích cực vào công tác thông tin đối ngoại của tỉnh (25/06/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bảo vệ môi trường đất (25/06/2024)
  • Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (14/05/2024)
  • Công tác triển khai nâng cấp, cải tạo ĐT.830C (13/05/2024)
  • Công tác triển khai xây dựng xây dựng ĐT.830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT.830) (13/05/2024)
  • Công tác triển khai Dự án ĐT.822B (đoạn từ ĐT.825 kết nối ĐT.838 đến đường mòn Hồ Chí Minh) (13/05/2024)
  • Hỏi - đáp quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (13/05/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực (10/05/2024)
  • Long An với nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) (09/05/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bảo vệ môi trường không khí (26/04/2024)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối