BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Không thể bôi nhọ, phủ nhận sự hy sinh xương máu của thế hệ cha anh!

10/04/2024 08:53:38AM
Màu chữ Cỡ chữ

"Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Lời thơ trong bài "Ba mươi năm đời ta có Đảng" của nhà thơ cách mạng Tố Hữu đã đúc kết rất cô đọng nhưng cũng đầy oanh liệt một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam - một cuộc kháng chiến trường kỳ ba nghìn ngày không nghỉ và kết thúc đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Mới đó đã bảy mươi năm, lá cờ đỏ sao vàng Quyết chiến - Quyết thắng kiêu hãnh tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries, cùng với niềm hạnh phúc vỡ òa trên gương mặt của biết bao cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, Nhân dân tham gia phục vụ chiến dịch, những con người sẵn sàng “quyết tử vì Tổ quốc”, không ngại gian khổ  “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”[1], sẵn sàng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, chôn thân làm giá súng khiến đội quân viễn chinh hùng hậu phải cúi đầu khuất phục vô điều kiện.

Hàng năm, cứ đến ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) lại có nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước lại tìm đến thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) để thăm quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên, bao gồm các di tích nổi bật như: Đồi A1, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hay hầm De Castries), Tượng đài chiến thắng, Tượng đài kéo pháo, Sở chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ... Những di tích này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thì chúng không bao giờ công nhận tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng các thế hệ sinh sau năm 1975 chưa trải qua chiến tranh, nhận thức về lịch sử còn non nớt để đăng đàn những bài viết có nội dung phán xét, xuyên tạc, tính chất chính nghĩa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân Việt Nam. Chúng rêu rao cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam chỉ là cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến; thực chất quân đội Pháp dưới sự hậu thuẫn của Mỹ có mặt ở Việt Nam là để ngăn Việt Nam xâm lược một nước khác; thậm chí chúng còn xuyên tạc, phủ nhận tấm gương anh dũng hi sinh của các Anh hùng: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn. Đây là những luận điệu, hành động không mới về thủ đoạn nhưng hết sức thâm độc, qua đó gieo rắc sự nghi ngờ, làm phân tâm niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là giới trẻ hiện nay.

Thứ nhất, để đấu tranh, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc này, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc dưới mọi hình thức, phải làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là giới trẻ hiện nay hiểu rõ được tội ác của thực dân Pháp trong suốt hơn 80 năm đô hộ Việt Nam.

“…hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật đến xâm lăng Đông - Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng trị đến Bắc kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”[2].

Thứ hai, từ năm 1946-1954, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng mọi biện pháp, kể cả đàm phán, nhân nhượng thực dân Pháp để giữ hòa bình và độc lập tự do cho Tổ quốc. Cụ thể, ta đã ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14/9/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư tới nguyên thủ các nước Anh, Mỹ, Liên Xô và các thành viên của Liên hiệp quốc, nêu rõ thiện chí hòa bình, mong muốn Liên hiệp quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam để duy trì hòa bình. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp người đứng đầu Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hòa bình, tránh cuộc chiến tranh đổ máu nhưng giới cầm quyền thực dân Pháp đã khước từ mọi nỗ lực cứu vãn hòa bình của chúng ta. Chúng đã đưa hàng chục vạn sĩ quan, binh lính với hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh để giáng lên đầu người dân Việt Nam. Kẻ thù đã đặt dân tộc Việt Nam trước hai con đường: Một là khoanh tay, cúi đầu trở lại làm nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giữ lấy tự do, độc lập. Tình thế đó buộc Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta không có lựa chọn nào hơn là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập, dân tộc. Vượt qua mọi hi sinh, gian khổ, cuối cùng chúng ta đã giành chiến thắng lịch sử tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, đánh bại “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21/7/1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Điều đó khẳng định, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc chiến tranh chính nghĩa.

Thứ ba, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, độc lập và chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa gắn với đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đánh giá về ý nghĩa trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, đã giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân”[3].

Thứ tư, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới và mở ra con đường giải phóng dân tộc cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng này chứng minh chân lý của thời đại: “Một dân tộc dù nhỏ bé, nếu biết quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có một đường lối đúng thì có thể đánh bại được bất cứ tên đế quốc sừng sỏ nào”[4].

Ngày nay, xu thế chung của thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển, song vẫn có những khu vực căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp lật đổ, khủng bố,… đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến đất nước. Tình hình thế giới và khu vực đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, kế thừa và phát huy những giá trị, ý nghĩa lớn lao của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, noi gương thế hệ cha anh, vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực học tập, lao động, cống hiến để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Trung Hiếu

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Trích trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ cách mạng Tố Hữu

[2] Trích trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Sđd, tr.367.

[4] Trích trong bài viết “Ủng hộ Cuba chống đế quốc Mỹ” đăng trên Báo Nhân dân số 3175, ngày 04/12/1962 của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh “T.L”

Các tin khác

  • “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - Những giá trị bền vững và ý nghĩa thời đại (14/02/2025)
  • Quán triệt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác tổ chức đại hội đảng các cấp (12/02/2025)
  • Tác phẩm Đường Kách mệnh - ngọn đuốc soi sáng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam (11/02/2025)
  • Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổng kết hoạt động Ban Chỉ đạo 35 năm 2024 (25/12/2024)
  • Long An chú trọng lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (10/12/2024)
  • Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng góp phần lan tỏa thông tin chính thống trên địa bàn tỉnh (22/11/2024)
  • Nâng cao chất lượng công tác định hướng tư tưởng gắn với phản bác quan điểm sai trái thông qua công tác tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên (06/09/2024)
  • Giá trị nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (30/08/2024)
  • Chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (31/07/2024)
  • Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh Long An (01/07/2024)
  • Trang đầu 1 Trang cuối