Chủ điểm tuyên truyền

Phụ nữ Long An trong Xuân Mậu Thân 1968

22/02/2022 04:51:16PM
Màu chữ Cỡ chữ

Thắng lợi của cuộc tiến công Xuân Mậu Thân 1968 đã phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc đế quốc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Pari năm 1973. Những thành quả cách mạng đó có sự đóng góp rất lớn của phụ nữ Tây Nam bộ nói chung và phụ nữ Long An nói riêng.

Cuối năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trên chiến trường miền Nam cơ bản đã giành được thế chủ động, địch ngày càng lâm vào thế bị động, khó khăn. Cách mạng miền Nam đứng trước thời cơ và triển vọng mới. Trong bối cảnh ấy, Đảng chủ tương mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào dịp tết Mậu Thân 1968 nhằm giáng một đoàn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Địa bàn Long An, Kiến Tường được xác định vừa là căn cứ, vừa là hậu phương, bàn đạp trực tiếp tấn công vào Sài Gòn. Sài Gòn-Gia Định và các tỉnh lân cận xung quanh được chia thành 6 phân khu. Theo chỉ thị của Trung ương Cục, địa bàn tỉnh Long An và một số quận, huyện hướng tây nam Sài Gòn-Gia Định sáp nhập thành 2 phân khu. Lấy quốc lộ 4 (Quốc lộ 1 ngày nay) làm ranh giới, phân khu 2 là các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa, Bình Chánh, Tân Bình có nhiệm vụ thực hiện tiến công từ hướng Tây Bắc. Phân khu 3 là các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Quận 4, quận 7, Nhà Bè… tấn công vào Tây Nam.

Theo chỉ đạo chiến lược của Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Miền, nhiệm vụ cho quân và dân Long An chuẩn bị một cơ số khổng lồ về trang bị vũ khí, vật chất, hậu cần nuôi quân cho toàn bộ mặt trận phía tây bắc và tây nam của chiến dịch. Để chuẩn bị khí tài tấn công, vật chất, hậu cần nuôi quân với khối lượng và số lượng lớn chưa từng diễn ra là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, gian khổ và nguy hiểm, đồng thời cũng là thành tích đáng ghi nhận của Đảng bộ và toàn thể quân và dân của Long An trong đợt tổng tấn công này.

Là địa bàn rộng lớn, tỉnh Long An có địa hình tương đối trống trải, sình lầy, bị chia cắt bởi sông, rạch chằng chịt, do vậy công tác phục vụ lương thực, trang bị quân sự, cơ giới là một nhiệm vụ mang tính quyết tâm chính trị rất cao. Với chiều dài vận chuyển hơn 80 km được địch bố trí dày đặc đồn, bót, việc vận chuyển vũ khí, đạn dược chủ yếu từ biên giới Ba Thu (Campuchia) về Đức Hoà, Bến Lức, vượt quốc lộ 4 (Quốc lộ 1 ngày nay) qua Cần Đước, Cần Giuộc vào nội thành, chỉ có dựa vào sức dân là chủ yếu, đây là nhiệm vụ thật sự khó khăn và nguy hiểm. Bộ chỉ huy các phân khu đã chủ động phối hợp các cơ quan thành lập hội đồng cung cấp, cùng huy động, động viên nhân dân các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Bến Lức, Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, Kiến Tường tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí. Sức mạnh tổng lực của nhân dân Long An huy động vào công việc vận chuyển, trong đó đội quân tóc dài chiếm  hơn phân nữa được phát huy. Từ đây vai trò, đức hy sinh, sự cống hiến và lý tưởng cách mạng của các mẹ, các chị, các em trong cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa xuân Mậu Thân 1968 được biểu đạt đầy đủ, rõ nét.

Bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau, hàng ngàn gia đình yêu nước, hàng chục ngàn chị em phụ nữ của tỉnh đã xung phong tham gia đi dân công, vào các đội tải lương thực, tải đạn phục vụ chiến đấu. Trong đó có người già và cả thầy tu kéo dài mấy tháng. Các đội dân công hoả tuyến và dân công quần chúng tự nguyện hăng hái đưa hàng vào mặt trận, không nề hà gian khổ, nặng nhọc. Mỗi gia đình ở Long An, Kiến Tường xay lúa, giã gạo để sẵn, có gia đình chia đôi lương thực cho bộ đội, không ít nhà góp heo, bò, lúa phục vụ cho chiến dịch. Có chị tham gia dân công đường dài đi suốt từ biên giới về nam lộ 4. Có những người tham gia hàng tháng liên tục với các đoàn vận tải của quân khu. Nhiều cụ già 60 tuổi và và các em thiếu nhi 13-14 tuổi đã có mặt trong những đoàn dân công hàng đêm vượt qua những làn bom đạn do máy bay và pháo địch oanh kích.

Đức Hoà vừa là tuyến trung gian của phân khu 2, vừa là đấu mối hành lang của phân khu 3, phân khu 8 và Sài Gòn, Gia Định. Ngay cả phân khu 1 cũng có thể sử dụng hành lang từ Đức Hoà qua Củ Chi, Trảng Bàng. Là tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất ở phía Tây Sài Gòn từ biên giới Ba Thu qua Đức Huệ xuống Đức Hoà rồi từ đó vào Tân Bình, Sài Gòn hoặc qua Vườn Thơm vượt lộ 4 xuống Long Cang, Long Định để vào phía Nam thành phố. Toàn bộ số vũ khí chuẩn bị cho phân khu 2 và 3 đều phải theo con đường này. Do vậy, dân công Đức Hoà đã chủ động tổ chức vận chuyển đủ cách. Từ khuân vác, gùi đến xe bò, thuyền và đi qua nhiều khu vực nguy hiểm như vượt lộ, vượt sông, đi gần đồn bót giặc, ấp chiến lược. Ngoài ra nhân dân huyện Đức Hoà còn vận chuyển 50 tấn vũ khí cho phân khu 1 đi qua ngả An Ninh-Lộc Giang qua Trảng Bàng-Củ Chi.

Ở Đức Huệ đông đảo quần chúng tham gia lực lượng dân công phục vụ suốt tuyến đường biên giới Campuchia, chuyển 200 tấn về vùng nam quốc lộ 4 để chuyển vào nội ô Sài Gòn. Có thể nói phần lớn khối lượng vũ khí của phân khu 2 đưa từ Ba Thu vào ven Sài Gòn là do nhân dân các huyện Đức Hoà, Đức Huệ đảm nhiệm.

Theo chỉ đạo của tỉnh, Bến Lức phát động quần chúng ở các xã huy động gần 2.000 dân công, 700 ghe xuồng chia làm 4 đoàn, mỗi đoàn chia làm 2 đội thay phiên nhau, vận chuyển lương thực, đạn dược, chuyển thương binh trên các cung trạm trên địa bàn huyện về căn cứ Ba Thu và vận chuyển đường dài theo yêu cầu của trên. Phần lớn việc chuyển tải lương thực, tải đạn, phục vụ hậu cần đều do chị em phụ nữ đảm trách. Mỗi ngày đêm có hàng trăm dân công vận chuyển bằng xuồng tải hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược từ Ba Thu vào thành phố, là đường dây chính liên lạc từ mặt trận tiền phương về sau. Trên những bờ vai chiến sĩ là hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, được chuyển về phân khu 2, phân khu 3. Các xã Tân Nhựt, Tân Kiên đã chuẩn bị 18 chiếc ghe làm cầu nối cho bộ đội qua sông và tổ chức đoàn dân công tải đạn phục vụ chiến dịch hơn 150 người hầu hết là phụ nữ. Những người chị, người mẹ Tân Bửu, Tân Nhựt (Bến Lức) trong thời gian ngắn đã huy động được 120 chiếc xuồng, ghe và 16 máy đuôi tôm sẵn sàng đưa đón bộ đội, cán bộ bất kể ngày đêm.

Tại Cần Giuộc, trước tết Mậu Thân, để phục vụ hậu cần cho cánh quân phân khu 3 phía nam lộ 4, nhiều xã ở Cần Giuộc hàng đêm có từ 200-300 nữ dân công được huy động, mang vác đạn từ Long Đức Đông, Phước Hưng về miễu Bà Trưng. Ở Phước Lâm mỗi đêm có từ 100 nữ dân công tham gia tải đạn từ Phước Lâm về Quy Đức. Đồng bào, chị em phụ nữ xã Phước Vĩnh Đông, Cần Giuộc còn tự nguyện cho mượn hàng trăm xuồng ghe, 300 dân công lên đường phục vụ hoả tuyến. Các chị còn tham gia đào hầm cất giấu vũ khí. Để phục vụ phân khu 3 làm nhiệm vụ thọc sâu vào thành phố, đoàn dân công đã hoàn thành nhiệm vụ đưa hàng chục tấn đạn theo hai hướng: Tân Đông-Chợ Gạo-Cần Giuộc; Vườn Thơm-Bà Vụ, Long Cang, Long Định qua Cần Giuộc vào Sài Gòn. Đêm đêm, hàng ngàn dân công, bộ đội gồng gánh vũ khí, lương thực qua Hưng Long phục vụ cho bộ đội chuẩn bị chiến đấu.

Tại Cần Đước, hàng trăm công sự chiến đấu và nhiều hầm bí mật đã được các má, các chị xây dựng. Để chuẩn bị lương khô, chỉ trong một đêm, các má các chị ở Long Định đã rang hàng chục giạ cơm khô cho đơn vị bộ đội mang theo dự trữ, ngoài ra các má còn gói rất nhiều bánh tét cho bộ đội ăn tết. Bà con dệt chiếu ở Long Cang có sáng kiến độc đáo để vận chuyển vũ khí về Sài Gòn qua mắt địch dễ dàng bằng cách bó vũ khí trong chiếu cuốn lại, đưa lên xe lam vào thành phố giữa ban ngày.

Tại  Kiến Tường, tỉnh đã xây dựng, kiện toàn lại Tiểu  Đoàn 504, đồng thời tổ chức xây dựng trung đội súng cối 60 và cối 81 ly gồm 20 cán bộ và chiến sĩ nữ do nữ đồng chí Mười Bình và bé Hoa chỉ huy, một trung đội thông tin vận động và vô tuyến điện có 12 nữ do 2 đồng chí nữ Ba Nhỏ và Hai Thái chỉ huy, một trung đội nữ dân công hoả tuyến chuyên vận tải đạn, thu gom chiến lợi phẩm, chuyển thương binh, tử sĩ và phục vụ chiến đấu ngay tại mặt trận, chỉ huy là hai nữ đồng chí Út Dung và Mai Phương.

Địch biết rất rõ các tuyến đường của ta và chúng tiến hành đánh phá rất ác liệt bằng đủ mọi cách, như bắn pháo, ném bom, đổ biệt kích, thả máy ghi tiếng động, thâm độc hơn còn rải chất độc hoá học… nhưng tất cả biện pháp ấy không ngăn chặn được những người dân công tải đạn. Có biết bao tấm gương đầy cảm động của những người mẹ, người chị đã đi dân công hoả tuyến, đóng góp hết sức mình cho chiến dịch Mậu Thân, nhiều người đã ngã xuống trên đường phục vụ chiến dịch. Mỗi viên đạn đến được chiến trường đều phải trả giá cho những hy sinh gian khổ của người dân. Những dân công hoả tuyến phục vụ chiến đấu trên cung đường này phải chịu sự khốc liệt của chiến tranh không khác gì những chiến sĩ cầm súng ngoài mặt trận. Nhiều chị em hy sinh, bị địch bắt, bị giam cầm trên đường làm nhiệm vụ.

Các gia đình cơ sở cách mạng còn nhân tổ chức các chuyến vận chuyển đạn bằng ghe hai đáy, bằng cách cất giấu đạn trong hàng hoá, bằng mọi cách che mắt địch để tiếp nhận, vận chuyển hàng chục tấn đạn vào nội thành. Họ đã vượt mọi chốt chặn, họ ăn cơm vắt với muối tiêu, chịu đựng cảnh nước phèn, nắng cháy. Địch đánh chặn đường này thì đi đường khác, hàng trăm người bị thương, hàng chục ngàn hy sinh trên đường tải đạn. Vậy mà số người tình nguyện đi dân công vẫn đông đảo, có người đi dân công liên tục hết đợt này đến đợt khác. Tất cả cho thắng lợi của cách mạng, có những người bị bắt, bị đánh dập, tù đày và mất tài sản nhưng không vì thế mà họ nản lòng, con bị bắt, cha đi thay, chồng bị bắt, vợ đi thay. Những viên đạn, những viên thuốc đến từ biên giới xuống chiến trường phân khu 2, phân khu 3 đã thấm đẫm mồ hôi, xương máu của nhân dân. Toàn thể quân và dân Long An đều đóng góp sức lực lẫn hy sinh mất mát vào công cuộc chuẩn bị cho nhiệm vụ lịch sử.

Những hoạt động vận chuyển vũ khí, lương thực chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa của chị em phụ nữ từ hậu phương gặp nhiều gian nan, nguy hiểm là không thể đo đếm được, thì từ tiền tuyến, nhiều tấm gương quả cảm, trung dũng, kiên cường của chị em trở thành biểu tượng của sức mạnh, tình đoàn kết và tinh thần cách mạng trở nên cao đẹp hơn bao giờ hết. Tại phân khu 2, 3 các chị em thuộc đơn vị thanh niên xung phong đã bất chấp nguy hiểm đã vận chuyển trên 52 tấn vũ khí đưa vào trận địa, chuyển 165 thương binh từ nội thành ra tuyến sau và phối hợp với liên đội 9, đánh diệt hơn 100 xe tăng ở Mỹ Hạnh (Đức Hòa và cùng chuyển hơn 300 thương binh vượt qua sông Vàm Cỏ Đông ra sau an toàn. Nhiều cô dân công tải đạn ở Vĩnh Lộc (Bình Chánh), Đức Hoà Đông (Đức Hoà) qua Bình Chánh bị địch phát hiện, ném bom, 32 chị vĩnh viễn nằm lại tên cánh đồng bưng Vĩnh Lộc để lại cho nhân dân ta nhiều tiếc thương và lòng cảm phục.

Tại Chợ Lớn, Gia Định các cơ sở thuộc Ban Phụ vận được giao nhiệm làm nồng cốt, nổi dậy ở các phường, khóm, các chợ và khu xóm lao động. Khi thấy súng nổ báo hiệu, chị em tấp vô, hô hào quần chúng nổi dậy. Sau đó chị em kịp thời làm nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, tiếp tế lương thực, cứu chữa thương binh, tổ chức che giấu cho chiến sĩ bộ đội.

Ở quận 8, trên 1.500 quần chúng, phần đông là phụ nữ đã vận động một số đông binh lính và sĩ quan quân đội Sài Gòn đấu tranh buộc lính Mỹ phải ngưng bắn phá và đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại cho quần chúng. Chị em phụ nữ đã tích cực tham gia tiếp  tế, tải thương, dẫn đường cho các lực lượng vũ trang, truy tìm trừng bị bọn ác ôn tay sai. Quần chúng cách mạng đã góp phần diệt 322 tên địch, trong đó có 4 tên Mỹ và những tên phản động đầu sỏ. Nhờ vào sự nổi dậy của quần chúng tại chỗ mà bộ đội từ ngoài vào đã bám trụ và chiến đấu được nhiều ngày trên đường phố.

Tại trận địa Kiến Tường, chị Nguyễn Thị Hẹ, chiến sĩ cách mạng đã hiên ngang vươn thẳng người đón cái chết trước mũi súng của quân thù khiến chúng sợ hãi, khâm phục. Chị Nguyễn Thị Bé bị địch bao vây, chị kiên cường chiến đấu và cho nổ quả lựu đạn cuối cùng diệt 4 tên Mỹ, chị dũng cảm hy sinh. Đội viên thanh niên xung phong Hồ Thị Ánh Tuyết quyết hy sinh đến cùng nhằm bảo vệ thương binh. Chị Võ Thị Tâm (Năm Tâm), chiến sĩ trinh sát, không ngại hiểm nguy đã tìm cách thoát khỏi vòng vây của giặc và một nữ biệt động thành đã hy sinh ở dốc cầu Palicao trong các đợt tấn công nội thành của lực lượng ta. Còn biết bao các mẹ, các chị, các em là dân công hoả tuyến, cứu thương, tải đạn, tiếp tế, đào hầm của các huyện Đức Hoà, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Kiến Tường… đã không hề chùn bước trước làn tên mũi đạn, sẵn sàng hy sinh tính mạng của bản thân, vượt qua mọi trận địa hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những tấm gương chiến đấu, hy sinh đó mãi mãi tạo được lòng cảm mến, thương yêu, tin tưởng trong lòng nhân dân. Một biểu tượng sức mạnh của ý chí chiến đấu, tinh thần quyết tâm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa của quân và dân Long An.

Thắng lợi của cuộc tiến công Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Pari năm 1973. Những thành quả cách mạng đó có sự đóng góp rất lớn của phụ nữ Tây Nam bộ nói chung và phụ nữ Long An nói riêng. Bác Hồ đã từng nói “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam-Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”, đến lượt mình, bằng tình yêu quê hương đất nước, khát vọng tự do và tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu bất khuất, các mẹ, các chị, các em đã tự hào viết tiếp những trang sử vẻ vang ngoan cường của mình, xứng danh với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” do Đảng, Chính phủ, Bác Hồ ngày 8/6/1965 trao tặng.

Trung Ngô

Các tin khác

  • Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh (25/09/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2024) (19/09/2024)
  • Long An “Trung dũng kiên cường, Toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Kỷ niệm 69 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024) (09/09/2024)
  • Xô viết Nghệ - Tĩnh vang mãi bản hùng ca cách mạng (05/09/2024)
  • Cao Bằng “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc Việt Nam, nơi tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (04/09/2024)
  • Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (03/09/2024)
  • Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo các đối tượng chính sách, Người có công và thương binh, liệt sỹ (30/08/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02/9 (30/08/2024)
  • 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN ( 02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024) (05/08/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối