Chủ điểm tuyên truyền

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902-5/5/2022) Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu

28/04/2022 09:34:17AM
Màu chữ Cỡ chữ

Đồng chí Phan Đăng Lưu là nhà lãnh đạo tài năng, góp phần chuyển hướng đún đắn nhiệm vụ cách mạng qua mỗi giai đoạn lịch sử, sáng suốt trì hoãn cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, có công trong việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1940.

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05/5/1902 trong gia đình nội ngoại đều có học. Thân phụ Phan Đăng Lưu là cụ Phan Đăng Dư, là nhà Nho làm thầy địa lý. Thân mẫu là cụ Trần Thị Liễu, được học chữ Nho, làm nội trợ trong gia đình, Phan Đăng Lưu là anh cả trong gia đình có bốn anh em trai.

Năm 1908, Phan Đăng Lưu đã được cha mẹ cho theo học chữ Nho của thầy đồ trong làng đến 10 năm. Năm 1918, Phan Đăng Lưu học Trường Tiểu học Pháp - Việt ở thành phố Vinh. Năm 1920, Phan Đăng Lưu thi đậu vào Trường Quốc học Huế. Sau một năm học ở Trường Quốc học Huế, Phan Đăng Lưu thi vào Trường Nông nghiệp thực hành Tuyên Quang. Năm 1923, Phan Đăng Lưu tốt nghiệp hạng giỏi.

Thàng 6/1923, Phan Đăng Lưu vào làm việc tại Trạm nghiên cứu tơ tầm Thanh Ba - Phú Thọ thuộc Sở Canh nông Bắc Kỳ. Năm 1925, Phan Đăng Lưu về Vinh làm thư ký cho cho Sở Canh nông Nghệ An. Thời gian này, Phan Đăng Lưu gặp gỡ nhiều nhà cách mạng trẻ tuổi như Trần Phú, Hà Huy Tập rồi tham gia Hội Phục Việt.

Ảnh: Từ Internet

Để cản trở Phan Đăng Lưu tham gia cách mạng, Sở Canh nông chuyển ông tới Trại sản xuất trứng tầm ở Phú Phong, Bình Định vào đầu năm 1927. Sau ba tháng làm việc ở Phú Phong, do những hoạt động chống đối ở đây, Khâm sứ Trung Kỳ quyết định chuyển ông vào làm việc tại trạm nghiên cứu cây trồng Kanhkina ở Lang Hanh, Đồng Nai Thượng - nay thuộc tỉnh Lâm Đồng. Cuối tháng 6/1927, vì “có những hành động vô kỷ luật liên tiếp” Khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định thải hồi Phan Đăng Lưu. Ông nghỉ việc và trở lại Nghệ An.

Hội Phục Việt chuyển đổi thành Việt Nam cách mạng Đảng. Tổng bộ Việt Nam cách mạng Đảng phân công Phan Đăng Lưu hoạt động phát triển tổ chức Yên Thành rồi sang Diễn Châu. Tháng 5/1928, Tổng bộ Việt Nam cách mạng Đảng phân công Phan Đăng Lưu từ Vinh vào tăng cường cho đội ngũ lãnh đạo ở Huế. Tại Huế, Phan Đang Lưu được bổ sung vào Ban biên tập Quan Hải Tùng Thư, bổ sung vào Ban Thường vụ của Tổng bộ và Ủy viên Tỉnh bộ Huế của Việt Nam cách mạng Đảng.

Tháng 7/1928, Tổng bộ Việt Nam cách mạng Đảng tổ chức Đại hội tại Huế, quyết định đổi tên Đảng thành Tân Việt cách mạng Đảng, để ra tôn chỉ, mục đích, quy định do Đào Duy Anh làm Bí thư, Ngô Đức Diễn - Ủy viên tổ chức và tài chính, Phan Đăng Lưu - Ủy viên phụ trách Tuyên huấn, giao thông và phụ trách địa bàn Trung Kỳ. Như vậy, Phan Đăng Lưu vừa là thành viên sáng lập, vừa là người lãnh đạo Tân Việt cách mạng Đảng.

Ảnh: Từ Internet

Tháng 9/1928, Phan Đăng Lưu cùng Lê Liên Vũ từ Huế vào Sài Gòn tìm cách sang Quảng Châu bằng đường biển để gặp lãnh đạo Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên bàn về việc thống nhất hai tổ chức cách mạng nhưng không gặp. Tháng 5/1929, Phan Đăng Lưu từ Quảng Châu về Hải Phòng rồi về miền Trung.

Tháng 9/1929, Tổng bộ Tân Việt lại cử đồng chí Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu lần thứ hai. Nhưng khi đến Hải Phòng, do có mật thám Pháp đã bắt được Phan Đăng Lưu đưa về Vinh giam cầm. Ngày 21/11/1929, Tòa án tỉnh Nghệ An đã đưa Phan Đăng Lưu cùng 60 đảng viên của Tân Việt cách mạng Đảng ra xét xử, kết án 3 năm tù khổ sai về tội làm chính trị, chống đối Nhà nước và trốn đi nước ngoài, đày lên Tây Nguyên, giam cẩm ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đầu năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chi bộ nhà tù đã kết nạp đồng chí Phan Đăng Lưu vào Đảng. Từ đây, Phan Đăng Lưu chính thức trở thành người cộng sản.

Giữa năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương ân xá tù chính trị, đồng chí Phan Đăng Lưu và nhiều chiến sĩ cộng sản được trả tự do. Trở lại Huế, Phan ĐăngLưu đã tổ chức các nhóm hoạt động bí mật, công khai và bán công khai. Tháng 8 năm 1936, Phan Đăng Lưu được Trung ương chỉ định tham gia Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ, đứng đầu bộ phận đấu tranh công khai, hợp pháp của Xứ ủy.

Phong trào Đông Dương Đại hội khởi xướng từ Nam Kỳ đã lan nhanh ra Trung Kỳ. Ở Huế, Phan Đăng Lưu là một trong những người chủ trì lập Ủy ban trù bị Đông Dương đại hội ở Trung Kỳ. Ngày 20/9/1936, Đại hội đại biểu nhân dân Trung Kỳ đã diễn ra ở Viện Dân biểu Huế. Đại hội bầu Ủy ban lâm thời chi nhánh Trung Kỳ của Đông Dương đại hội gồm 26 người, trong đó có Nguyễn Chí Diểu, Hải Triểu, Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh.

Tháng 10/1936, đồng chí Lê Duẩn từ Côn Đảo về hoạt động tích cực ở Quảng Trị. Năm 1937, Hội nghị cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ được triệu tập để lập lại Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ do đồng chí Nguyễn Chí Diểu làm Bí thư, Phan Đăng Lưu và Lê Duẩn là Ủy viên Thường vụ.

Tháng 9/1937, Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương đã họp tại xã Tân Thới Nhất, Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định do Tổng Bí thư Hà Huy Tập chủ trì, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 đồng chí trong đó có đồng chí Phan Đăng Lưu - đây là cột mốc đầu tiên đồng chí trở thành nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Cuối tháng 3/1938, đồng chí Phan Đăng Lưu cùng đồng chí Nguyễn Chí Diểu vào Sài Gòn - Gia Định họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm tại Tân Thới Nhất, Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 đồng chí, trong đó có đồng chí Phan Đăng Lưu. Các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu và Võ Văn Tần được bầu làm Ủy viên Thường vụ. Đồng chí Phan Đăng Lưu được Xứ ủy tiếp tục phân công phụ trách công tác đấu tranh ở Viện Dân biểu Trung Kỳ và công tác báo chí công khai. Khi tờ báo Dân bị đóng cửa, đồng chí Phan Đăng Lưu còn nỗ lực ra tờ báo Dân Tiến, biên tập ở Huế, xuất bản ở Sài Gòn được 5 số.

Tháng 9/1939, đồng chí Nguyễn Chí Diểu qua đời, các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập bị địch bắt, Ban Thường vụ Trung ương còn lại đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Võ Văn Tần, vì vậy. Cuối tháng 9/1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập đồng chí Phan Đăng Lưu và đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn công tác bên cạnh Tổng Bí thư,

Từ ngày 06 – 08/11/1939, tại Tân Thới Nhất, Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đây là cột mốc đánh dấu sự chuyển chiến lược lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, có đóng góp quan trọng của đồng chí Phan Đăng Lưu - Nhà lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ từ Huế vào.

Cùng thời điểm này, đồng chí Phan Đăng Lưu được Ban Chấp hành Trung ương phân công phụ trách phong trào cách mạng các tỉnh Nam Kỳ cùng đồng chí Võ Văn Tần - Ủy viên Thường vụ Trung ương, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo phong trào cách mạng Nam Kỳ.

Trong hai ngày 03-04/12/1939, Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ được triệu tập với sự chủ trì của đồng chí Phan Đăng Lưu và Võ Văn Tần, thảo luận chủ trương chuyển vào hoạt động bí mật, chuyển hướng cuộc đấu tranh đánh đổ thực dân Pháp giành chính quyền, thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế, chuẩn bị lực lượng vũ trang, vận động binh lính.

Ngày 17/01/1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn bị địch bắt, Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn lại ba người, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đang chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Tây Nam Bộ, công việc chỉ đạo trong toàn Đảng do đồng chí Phan Đăng Lưu và Võ Văn Tần gánh vác.

Tháng 3/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu và Võ Văn Tần triệu tập cuộc họp Xứ ủy mở rộng với Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bàn cách đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương sáu về lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, về xây dựng lực lượng tự vệ vũ trang. Khi phong trào cách mạng của Xử ủy Nam Kỳ đang lên thì ngày 21/4/1940, đồng chí Võ Văn Tần - Ủy viên Thường vụ Trung ương, Bí thư Xứ ủy bị địch bắt tại Hóc Môn - Gia Định. Đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ định đồng chí Tạ Uyên - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy tạm thời thay đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư Xứ ủy.

Ngày 26/6/1940, trước sự biến chuyển mau lẹ của tình hình thế giới, đồng chí Phan Đăng Lưu đã công bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi các giới đồng bào và các dân tộc Đông Dương đứng dậy. Tại Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng ở Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho tháng 7/1940, đồng chí Tạ Uyên - Quyền Bí thư Xứ ủy và các Ủy viên Thường vụ Xứ ủy đề nghị hội nghị thảo luận về thời cơ khởi nghĩa và công tác chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam Kỳ. Đồng chí Phan Đăng Lưu đã kiên quyết và khôn khéo trì hoãn chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy để chờ lệnh của Trung ương. Ngày 30/7/1940, địch bắt được đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ban Chấp hành Trung ương còn duy nhất đồng chí Phan Đăng Lưu.

Ở Bắc Kỳ, Xứ ủy gồm các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh đang hoạt động rất chắc chắn và hiệu quả. Đồng chí Phan Đăng Lưu thấy nhất thiết phải ra Bắc gặp các đồng chí Xứ ủy Bắc Kỳ để lập lại Ban Chấp hành Trung ương. Trong thời gian chưa ra Bắc, Phan Đăng Lưu tập trung củng cố lại tổ chức của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, chỉ định đồng chí Nguyễn Như Hạnh làm Bí thư Thành ủy thay đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, tổ chức lại đường dây liên lạc, chỉ đạo bí mật chuyển địa điểm các cơ quan của Trung ương tránh để địch phát hiện.

Đầu tháng 11/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu đến Huế gặp đại diện Xứ ủy Trung Kỳ thông báo tình hình rồi ra Hà Nột, gắp gỡ và trao đổi với Xứ ủy Bắc Kỳ về việc lập lại Ban Chấp hành Trung ương và đặt cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Bắc Kỳ.

Từ ngày 06 đến ngày 09/11/1940, tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Hội nghị lập lại Ban Chấp hành Trung ương đã họp (sau này gọi là Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương) dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Đăng Lưu. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành mới gồm các đồng chí tham gia hội nghị. Hội nghị để nghị bầu đồng chí Phan Đăng Lưu - người lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc này làm Tổng Bí thư nhưng đồng chí đề nghị bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư vì Ban Chấp hành Trung ương phải ở miền Bắc, sau hội nghị đồng chí phải quay lại Nam Kỳ và nguy cơ bị địch bắt rất cao. Hội nghị đã nhất trí với ý kiến của đồng chí Phan Đăng Lưu, bầu đồng chí Trường Chinh làm Quyền Tổng Bí thư. Đối với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương quyết định: Nam Kỳ chưa được tiến hành khởi nghĩa.

Ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Phan Đăng Lưu trở về miền Nam, qua miền Trung phổ biến Nghị quyết của Trung ương cho Xứ ủy Trung Kỳ rồi mới về Sài Gòn.

Tháng 11/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp tại Hóc Môn, Gia Định để đẩy mạnh công việc chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 30 tháng 11 năm 1940, Thường vụ Xứ ủy ra lệnh khởi nghĩa trong toàn Nam Kỳ vào giữa đêm 22/11/1940 khi đồng chí Phan Đăng Lưu chưa về tới Sài Gòn. Chiều ngày 22/11/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu về tới Sài Gòn thì khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra. Do cuộc khởi nghĩa bị lộ, thực dân Pháp đã tiến hành hàng loạt cuộc vây ráp, bắt bớ; những người lãnh đạo khởi nghĩa bị địch bắt. Ngày 22/11/1940, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Như Hạnh, đồng chí Tạ Uyên - Bí thư Xứ ủy, Trưởng ban khởi nghĩa bị bắt, cùng ngày đồng chí Phan Đăng Lưu cũng bị địch bắt.

Ngày 25/3/1941, đồng chí Phan Đăng Lưu cùng nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng ta ở Nam Kỳ bị Tòa án thực dân kết án tử hình. Trước tòa án thực dân, đồng chí Phan Đăng Lưu tuyên bố: “Đế quốc Pháp còn xâm lược, còn áp bức bóc lột đất nước chúng tôi thì nhân dân chúng tôi còn nổi dậy làm cách mạng cho tới khi thắng lợi hoàn toàn”.

Ngày 28/8/1941, tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định, đồng chí Phan Đăng Lưu và nhiều nhà lãnh đạo của Đảng đã bị thực dân Pháp xử bắn. Đồng chí hy sinh khi vừa tròn 40 tuổi. Đảng ta mất đi một nhà lãnh đạo tài năng và xuất sắc, là một tổn thất rất lớn khi cách mạng bước vào giai đoạn đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày nay, ở nhiều thành phố miền Trung, có nhiều đường phố, trường học, công trình văn hóa mang tên đồng chí Phan Đăng Lưu. Tại quê hương đồng chí, có khu tưởng niệm khang trang về nhà cách mạng tài năng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một con đường từ đường Bạch Đằng nối với đường Hoàng Văn Thụ từ Hàng Xanh ra sân bay Tân Sơn Nhất mang tên đồng chí Phan Đăng Lưu và trường trung học phổ thông ở Phường 5, quận Bình Thạnh được vinh dự mang tên đồng chí Phan Đăng Lưu.

Trung Ngô

Các tin khác

  • Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh (25/09/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2024) (19/09/2024)
  • Long An “Trung dũng kiên cường, Toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Kỷ niệm 69 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024) (09/09/2024)
  • Xô viết Nghệ - Tĩnh vang mãi bản hùng ca cách mạng (05/09/2024)
  • Cao Bằng “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc Việt Nam, nơi tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (04/09/2024)
  • Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (03/09/2024)
  • Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo các đối tượng chính sách, Người có công và thương binh, liệt sỹ (30/08/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02/9 (30/08/2024)
  • 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN ( 02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024) (05/08/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối