Chủ điểm tuyên truyền

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2022) Chi bộ Đả ng Cộng sản đầu tiên-Mốc son lịch của Đảng bộ tỉnh Long An

03/02/2022 09:53:56PM
Màu chữ Cỡ chữ

Ngày 6/3/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, phụ trách Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn-Gia Định, thuộc Ban Lâm thời chấp uỷ Nam kỳ (Xứ ủy Nam Kỳ), tại Giồng Cám, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, chi bộ đầu tiên ở Đức Hòa cũng như của tỉnh Chợ Lớn được thành lập. Từ hạt nhân chi bộ đầu tiên đến thành lập Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn, tỉnh Tân An và cùng nhân dân chung sức, đồng lòng góp phần cùng cả nước đánh đuổi đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.

Sau khi phong trào Thiên địa hội của Phan Xích Long tan rã (1913-1919) tinh thần yêu nước của đông đảo tầng lớp nhân dân tỉnh Chợ Lớn (thuộc tỉnh Long An ngày nay) và toàn vùng đất Nam kỳ một khí thế đấu tranh sôi sục. Năm 1923 Hội kín Nguyễn An Ninh hay còn gọi là Thanh niên cao vọng hội đã truyền bá những tư tưởng cách mạng và chủ nghĩa Mác và xuất bản bản báo tiếng Pháp Lacloche Felée-Chuông rè ở Sài Gòn nhằm tố cáo và phê phán chính sách bảo hộ giả tạo của thực dân Pháp. Đức Hoà là địa phương chủ yếu Nguyễn An Ninh lựa chọn để tuyên truyền những tư tưởng cách mạng tiến bộ. Năm 1926, lần đầu tiên người dân Sài Gòn, Chợ Lớn đã biết tới toàn văn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do tờ Chuông rè đăng tải rộng rãi, sự kiện này đã tác động mạnh mẽ đến sự giác ngộ tư tưởng cách mạng và lòng yêu nước của nhân dân, nhân sĩ trí thức. Tuy chưa có tôn chỉ, mục đích cụ thể, nhưng những hoạt động yêu nước của Hội kín Nguyễn An Ninh đã góp phần hình thành lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên như Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Trương Thị  Sáu, Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Tuôi…

Cùng với hoạt động yêu nước của Hội kín Nguyễn An Ninh, từ những năm 1925-1926, tại Sài Gòn, Chợ lớn, Tân An, sự xuất hiện của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã tạo nên sắc thái mới trong phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân toàn Nam kỳ. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên với tôn chỉ mục đích đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chủ nghĩa Mac-Lênin chính thức được truyền bá vào Việt Nam thông qua các phương tiện đắc dụng là báo Thanh niên, báo Nhân đạo và sử dụng tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện. Tại Đức Hòa, thầy giáo Võ Văn Tần là một trong những người gia nhập sớm nhất và cùng với một số nhân sỹ trí thức đương thời như Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Tạo, Hồ Văn Long, Châu Văn Liêm  góp phần lớn công sức trong truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như gầy dựng cơ sở cách mạng còn non trẻ khắp Đức Hòa, Trung Quận, Cần Đước, Cần Giuộc, chuẩn bị một bước cho việc hình thành nên tổ chức cách mạng sau này.

Bia nơi thành lập chi bộ đầu tiên. Ảnh: Trung Ngô

Phong trào yêu nước và cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát triển rộng khắp và tạo nên sức hưởng ứng mạnh mẽ trên phạm vị cả nước. Trong năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản liên đoàn thành lập tháng 12/1929, An Nam Cộng sản Đảng thành lập tháng 11/1929 do Châu Văn Liêm là Bí thư, sự thống nhất một chính đảng là yêu cầu bức thiết cho sự phát triển toàn cục và tổ chức lãnh đạo xuyên suốt phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước. Ngày 3/2/1930, tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng), đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Đại biểu quốc tế Cộng sản, đã triệu tập và thống nhất 3 tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là tất yếu của lịch sử, là kết quả của quá trình kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng nước ta và xu thế phát triển của thế giới.

Ngày 6/3/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, phụ trách Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn-Gia Định, thuộc Ban Lâm thời chấp uỷ Nam kỳ (Xứ ủy Nam Kỳ), tại Giồng Cám, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, chi bộ đầu tiên ở Đức Hòa cũng như của tỉnh Chợ Lớn được thành lập với 7 đảng viên, bao gồm các đồng chí Võ Văn Tần Bí thư, Nguyễn Văn Sậy, Phó Bí thư, Võ Văn Ngân, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Thỏ. Trong năm 1930, lần lượt các chi bộ được thành lập tại Phước Lâm, Phước Lại, Trường Bình thuộc quận Cần Giuộc; Long Hoà, Long Trạch thuộc quận Cần Đước; Long Phú, Tân Tạo, Tân Kiên thuộc Trung Quận. Tháng 5-1930 Quận ủy Đức Hòa được thành lập, đồng chí Võ Văn Tần là Bí thư Quận ủy. Tháng 11 năm 1930, Tỉnh ủy Chợ Lớn được thành lập tại làng Long Hiệp, Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn. Như vậy, phong trào cách mạng của nhân dân tỉnh Chợ Lớn từ năm 1930 được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua hệ thống tổ chức Đảng các cấp địa phương.

Ngày 4/6/1930, Chi bộ làng Đức Hoà và quận ủy Đức Hòa bước vào đợt thử thách đầu tiên. Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần, cuộc biểu tình của 1.500 nông dân huyện Đức Hòa đòi giảm sưu, giảm thế, chống áp bức diễn ra với tính chất và quy mô chưa từng có, tạo nên tiếng vang lớn. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất ở Nam kỳ của nông dân được Đảng vận động, lãnh đạo. Đánh dấu mốc quan trọng của Tỉnh ủy Chợ Lớn trong việc huy động, tập hợp và lãnh đạo quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân và tay sai.

Từ hạt nhân chi bộ đầu Đảng đầu tiên được thành lập ngày 6/3/1930 tại Giồng Cám, làng Đức Hòa đến tháng 8/1945, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Nam kỳ, trong 15 năm, Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn, tỉnh Tân An đã lãnh đạo các quận uỷ và quần chúng nhân dân chung sức, đồng lòng tham gia mạnh mẽ các phong trào cách mạng lớn của đất nước như cao trào 1930-1931 chống sưu cao, thuế nặng; phong trào đấu tranh dân chủ 1936-1939 đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp; đợt tập dợt Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 và cuộc tổng khởi nghĩa giành chính tháng 8 năm 1945, góp phần cùng cả nước đánh đuổi đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Đồng chí Võ Văn Tần, bí thư chi bộ đầu tiên. Ảnh: Trung Ngô

Địa điểm nhà ông Nguyễn Văn Thỏ tại Giồng Cám, làng Đức Hoà, quận Đức Hoà, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hoà Thượng, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) trở thành Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 2013, nơi lưu dấu một sự kiện lịch sử đặc biệt trong công cuộc đấu tranh cách mạng của đảng bộ tỉnh Long An. Một địa chỉ đỏ xứng tầm với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và truyền thống yêu nước tốt đẹp trong nhân dân và thế hệ trẻ ngày nay.

Ngô Thành Trung

Các tin khác

  • Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh (25/09/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2024) (19/09/2024)
  • Long An “Trung dũng kiên cường, Toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Kỷ niệm 69 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024) (09/09/2024)
  • Xô viết Nghệ - Tĩnh vang mãi bản hùng ca cách mạng (05/09/2024)
  • Cao Bằng “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc Việt Nam, nơi tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (04/09/2024)
  • Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (03/09/2024)
  • Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo các đối tượng chính sách, Người có công và thương binh, liệt sỹ (30/08/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02/9 (30/08/2024)
  • 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN ( 02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024) (05/08/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối