Chủ điểm tuyên truyền

81 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941 – 28/01/2022)

06/01/2022 11:45:0PM
Màu chữ Cỡ chữ

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Với khát vọng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc khi mới 21 tuổi. Người đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển, vừa lao động vừa học tập, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, để rồi tìm thấy chân lý của thời đại: Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6/1940) theo Người nhận định “là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.

Cao Bằng, mảnh đất “phên dậu” phía Đông Bắc của Tổ quốc, chính là sự lựa chọn của Người. Ngày 28/01/1941 (tức ngày mùng hai tết Tân Tỵ), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Cũng trong thời gian này, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đi đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gặp Người tại Tĩnh Tây (Trung Quốc), báo cáo với Người về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ VIII và đề nghị Người về nước theo hướng Cao Bằng. Lời đề nghị trên trùng với nhận định của Người. Trong thời gian chuẩn bị về nước, Người còn tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho 40 thanh niên Cao Bằng yêu nước tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc), làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương sau này.

Với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, từ ngày 10 - 19/5/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó, Hà Quảng). Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Bùi San, Hồ Xuân Lưu…

Hội nghị đã kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, Ban Thường vụ Trung ương, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; trên cơ sở đó kiện toàn các cấp bộ Đảng từ Xứ ủy đến các cấp bộ Đảng ở các địa phương. Đồng thời, quyết định xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhân dân trong giai đoạn hiện tại; đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng đủ năng lực lãnh đạo công cuộc chuẩn bị và tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 có ý nghĩa to lớn trong tiến trình hoạch định đường lối và quá trình thực hiện cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang; bổ sung và hoàn chỉnh “Chính sách mới của Đảng” được nêu ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Sự thay đổi căn bản nhận thức về nhiệm vụ hiện thời của cách mạng Đông Dương chính là nền tảng để Đảng đặt ra những quyết sách lớn nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng ở cả nông thôn và thành thị, xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ khởi nghĩa.

Dưới sự chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, công tác thí điểm Mặt trận Việt Minh được nhanh chóng triển khai ở ba châu: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 2 – 4/1941, phong trào Việt Minh đã thu hút tới 2.000 người thuộc đủ các thành phần dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông...; đủ các lứa tuổi, đủ các giới tham gia các đoàn thể: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc… Trước sự lớn mạnh của các đoàn thể cứu quốc ở ba châu thí điểm, theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 4/1941, Hội nghị cán bộ Cao Bằng tổ chức rút kinh nghiệm về tổ chức Mặt trận Việt Minh. Trên cơ sở của những kinh nghiệm này, ngày 19/5/1941, theo sáng kiến của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và sẽ làm cờ Tổ quốc khi thành lập nước.

Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ cụ thể, nêu rõ những chính sách cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, ngoại giao và các chính sách cụ thể đối với các tầng lớp Nhân dân nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.

Thông qua Mặt trận Việt Minh, những chủ trương lãnh đạo của Đảng đã nhanh chóng đi vào phong trào quần chúng. Đảng ta đã xây dựng được một khối lực lượng chính trị quần chúng mạnh mẽ, được rèn luyện qua những phong trào cách mạng. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là kết quả của đường lối chính trị đúng đắn của Đảng với tư tưởng cách mạng khoa học, sáng tạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quyết định vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 

Tháng 8/1941, báo Việt Nam độc lập được xuất bản do Người trực tiếp phụ trách. Nội dung các bài viết nhằm vào việc vạch trần tội ác của bọn đế quốc và tay sai đối với Nhân dân ta, kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng đứng lên lật đổ ách thống trị của đế quốc thực dân, phong kiến giành lại tự do độc lập cho nước nhà.

Đây là tờ báo có tuổi thọ cao nhất trước Cách mạng tháng Tám và là tờ báo cách mạng duy nhất xuất bản được 126 số trong điều kiện bí mật, được bảo đảm an toàn ở một tỉnh. Ảnh hưởng của Báo Việt Nam độc lập không chỉ giới hạn trong tỉnh Cao Bằng, mà lan rộng sang các tỉnh xung quanh (Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), do đó đã dẫn đến sự ra đời của các Hội Cứu quốc và các đoàn thể Việt Minh, tạo nên phong trào cách mạng sôi động và rộng khắp trong cả nước. Báo Việt Nam độc lập thực sự trở thành một vũ khí sắc bén của Mặt trận Việt Minh trong cuộc vận động cách mạng, giải phóng dân tộc.

Ngoài tờ báo, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc biên soạn nhiều sách, phần nhiều theo thể văn vần như: “Con đường giải phóng”, “Mười điều Việt Minh”, “Lịch sử nước ta”, “Địa dư Cao Bằng”, “Việt Minh ngũ tự kinh”… để hướng dẫn phong trào. Người còn sáng tác khoảng 30 bài thơ, trong đó có 20 bài thơ tuyên truyền, vận động cách mạng cho các đối tượng khác nhau: thanh niên, phụ nữ, nông dân, phụ lão, thiếu niên, binh lính… nhằm mục đích giáo dục quần chúng về tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của dân tộc.

Trước những biến chuyển của tình hình thế giới và trong nước, vấn đề liên lạc với Trung ương ở miền xuôi càng trở nên đặc biệt quan trọng hơn. Tháng 3/1942, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo cán bộ đang hoạt động ở Cao Bằng: “Ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về miền xuôi”. Thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 2/1943, tại Lũng Hoài (xã Hồng Việt, Hòa An), Hội nghị liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và đại biểu Cứu quốc quân đã bàn việc mở rộng phong trào “Nam tiến” để tạo ra con đường liên lạc từ Cao Bằng phát triển sang các hướng: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang. Sau Hội nghị, các tuyến xung phong “Nam tiến” được tổ chức và bắt đầu lên đường thực thi nhiệm vụ. Tuyến thứ nhất: Từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn) nối với Chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên); Tuyến thứ hai: Vượt qua Bảo Lạc sang Na Hang (Tuyên Quang), Bắc Mê (Hà Giang); Tuyến thứ 3: Tiến qua Thạch An xuống Tràng Định, Bình Gia (Lạng Sơn) nối liền căn cứ Bắc Sơn, Võ Nhai và thông suốt đến Hiệp Hòa (Bắc Giang). Kết quả, từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943, tại Cao Bằng lần lượt tổ chức 19 đội xung phong Nam tiến, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng ở các tỉnh Việt Bắc, nối liền hai căn cứ cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai, từ đó thông xuống các tỉnh miền xuôi. Phong trào cách mạng ở Việt Bắc gắn liền với phong trào cả nước, “Sự hình thành hai khu căn cứ có những con đường quần chúng cách mạng nối liền nhau, mở ra triển vọng lớn, tạo điều kiện cho việc ra đời khu giải phóng sau này”.  

Xác định “cán bộ là cái gốc của đoàn thể, cán bộ cũng là cái gốc của mọi phong trào”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, ở Cao Bằng, Người chỉ đạo mở các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, trình độ của Nhân dân, trong đó chú trọng tới lực lượng thanh niên và coi đây là lực lượng nòng cốt, xung kích của phong trào. Nội dung các bài giảng của Người thiết thực, bổ ích, phù hợp và hiệu quả huấn luyện cao; thực hiện huấn luyện từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ những mục tiêu đấu tranh trước mắt đến lâu dài...

Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Tháng 8/1944, Trung ương Đảng kêu gọi Nhân dân “Cầm vũ khí, đuổi thù chung”. Không khí khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Nhân dân vùng Cao – Bắc – Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, ở thời điểm này, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới... Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay, chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”.

“Hình thức thích hợp” lúc bấy giờ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là thành lập đội quân giải phóng – đội quân chủ lực đầu tiên - Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong Chỉ thị thành lập Đội, Người khẳng định: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là chính trị trọng hơn quân sự… Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác… Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước chúng ta…”.

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trọng thể trong khu rừng đại ngàn thuộc núi Dền Sinh, dãy Khau Giáng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ với 34 khẩu súng các loại, chia làm 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy.

Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu” của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, chỉ sau hai ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25/12/1944) và liền sáng hôm sau (7 giờ sáng 26/12/1944) đột nhập và đánh đồn Nà Ngần, diệt gọn 2 đồn địch, tiêu diệt 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần đã mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội ta.

Chỉ không đầy nửa năm sau ngày thành lập, vừa chiến đấu vừa vũ trang tuyên truyền, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển lớn mạnh nhanh chóng thành Việt Nam Giải phóng quân. Sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, đội quân không ngừng phát triển, trưởng thành, trở thành Quân đội quốc gia Việt Nam và từ năm 1950 đến nay là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 5/1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định di chuyển đại bản doanh lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để thuận tiện cho việc lãnh đạo phong trào chung của toàn quốc. Tại Tân Trào (Tuyên Quang), Người chỉ thị thành lập Khu giải phóng Việt Bắc, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Từ Quốc dân Đại hội, Lãnh tụ Hồ Chí Minh kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Theo lời kêu gọi của Người, toàn dân ta đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc vào mùa xuân năm 1941 đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước và sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã cùng Trung ương Đảng hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam và phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng cùng toàn Đảng, toàn dân hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay Nhân dân; thúc đẩy toàn bộ tiến trình của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần lan tỏa, lan rộng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ cho tới Nam Kỳ; cùng với đó là việc củng cố tổ chức, hệ thống Đảng từ Trung ương đến địa phương, tập hợp các lực lượng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng.

Đối với quốc tế, quyết định của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi trở nước cũng là cơ sở quan trọng sau này để Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước Đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít; cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và Cách mạng tháng Tám 1945. 

Sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về xây dựng căn cứ địa cách mạng; bài học về dự báo và nhận định, đánh giá đúng tình hình, xu thế vận động của cách mạng từ đó kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra; bài học về  xác định “thời cơ” và chớp thời cơ cách mạng; bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công; bài học về xác định nhiệm vụ cách mạng; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Mặt trận Việt Minh); bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự thay đổi của tình hình. Những bài học này có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mãi mai sau.

Kỷ niệm 81 năm Ngày Bác Hồ trở về nước (28/01/1941 – 28/01/2022 là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; từ đó khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Qua đó nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, thể hiện lòng tự hào, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước; thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống./.

 

Phòng TTTT & LLCT

Các tin khác

  • Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh (25/09/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2024) (19/09/2024)
  • Long An “Trung dũng kiên cường, Toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Kỷ niệm 69 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024) (09/09/2024)
  • Xô viết Nghệ - Tĩnh vang mãi bản hùng ca cách mạng (05/09/2024)
  • Cao Bằng “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc Việt Nam, nơi tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (04/09/2024)
  • Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (03/09/2024)
  • Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo các đối tượng chính sách, Người có công và thương binh, liệt sỹ (30/08/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02/9 (30/08/2024)
  • 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN ( 02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024) (05/08/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối