Long An tiên phong trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945
Ngày 22/8/1945, tỉnh Tân An khởi nghĩa thành công, chính quyền cách mạng ra mắt, là tín hiệu cho các tỉnh Nam bộ đồng loạt nổi dậy thành công và lập nên chính quyền cách mạng. Nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Giáo sư Trần Văn Giàu từng nhận xét “Tân An đi tiên phong trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Nam Bộ”.
Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, Thực dân pháp cố nắm các thuộc địa mặc dù ở chính quốc, Pháp đã đầu hàng phát xít Đức. Bọn cầm quyền Pháp ở Việt Nam vừa đàn áp, vừa ban bố chính sách dân tộc để xoa diệu phong trào cách mạng, vừa đối phó với phát xít Nhật đang thâm nhập, mưu đồ nắm quyền làm chủ cả Đông Dương.
Những năm 1941-1942, tỉnh Chợ Lớn và Tân An (tỉnh Long An ngày nay), các quận ủy hầu như không còn hoạt động, hầu hết cán bộ, đảng viên phải chuyển vùng hoặc nằm yên để hạn chế tổn thất. Do bị địch khủng bố liên miên, cấp ủy đầu não Nam kỳ và một số tỉnh lực lượng tản mát, mất liên lạc với Trung ương, cho đến năm 1943 vẫn chưa thành lập được Xứ ủy và hoàn toàn không liên lạc được với Trung ương. Do đó, các tổ chức Đảng ở Nam kỳ cũng như ở tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Tân An bị phân hóa thành hai Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy Giải phóng. Đa phần các hoạt động của Chợ Lớn-Tân An chịu sự lãnh đạo của Xứ ủy Tiền phong.
Từ cuối năm 1943, Tỉnh ủy lâm thời Tân An được thành lập. Tháng 3-1944 Tỉnh ủy đã chia địa bàn hai quận Châu Thành và Thủ Thừa thành 4 quận ủy A, B, C, D để xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng phát triển đảng viên từ tầng lớp thanh niên ưu tú, phát triển cơ sở cách mạng, cảm hóa một số lính để xây dựng cơ sở bên trong địch, sắm sửa vũ khí, tích trữ hậu cần, hướng tới chuẩn bị sẵn sàng cho khởi nghĩa một khi thời cơ tới. Tại tỉnh Chợ Lớn, các đảng viên Tiền phong đứng chân và các đảng viên cũ trước đó tại các quận Cần Giuộc, Đức Hòa đã liên lạc được và nhận sự chỉ đạo của Xứ ủy Tiền phong. Do đó, công tác chỉ đạo tương đối nhất quán từ chủ trương, kế hoạch vận động đến tổ chức phong trào.
Đêm ngày 9-3-1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương, quân Pháp chống trả yếu ớt và buông súng đầu hàng. Nhật thay Pháp thống trị Đông Dương, giữ hầu hết công chức người Việt Nam trong bộ máy thống trị cũ và dựng lên chính phủ Trần Trọng Kim dưới chiêu bài “Việt Nam độc lập”.
Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” khẳng định thời gian chín muồi cho cuộc tổng khởi nghĩa. Đảng thay đổi khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật thành khẩu hiệu thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân Đông Dương để chống lại chính quyền Việt Nam bù nhìn của Nhật. Lúc này, ở Nam kỳ, đặc biêt là các tỉnh xung quanh Nam kỳ, trong đó có Chợ Lớn, Tân An, không khí tiền khởi nghĩa ngày càng càng rõ nét. Nhiều cán bộ, đảng viên ở nhà tù hoặc bị quản thúc rải rác ở các nơi, lần lượt trở về địa bàn cũ, cùng với một số cán bộ, đảng viên tại chỗ và quần chúng cách mạng qua thời gian ẩn mình, trở lại hoạt động. Phong trào quần chúng chuyển biến mạnh mẽ. Đảng bộ Chợ Lớn đã chủ động phục hồi tổ chức, lực lượng, Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp với quyết tâm “Khởi nghĩa Nam kỳ lần hai”. Tại Cần Giuộc, đồng chí Trương Văn Bang, nguyên Xứ ủy Nam kỳ đã tổ chức thành lập lại quận ủy Cần Giuộc lâm thời do ông làm bí thư, tại Đức Hòa đã bắt được liên lạc với Xứ ủy và lập ra Ban cán sự quận ủy, phong trào tại Cần Giuộc và các địa phương bắt đầu khởi sắc.
Đến tháng 4 năm 1945, Xứ ủy Giải phóng lâm thời đã thành lập Xứ ủy Giải phóng chính thức do Lê Hữu Kiều làm Bí thư, Xứ ủy đã tổ chức đượcc 10 Tỉnh ủy lâm thời, 6 Ban cán sự tỉnh, 2 Ban cán sự miền Đông, 1 Ban cán sự miền tây đang củng cố.
Cả hai Xứ ủy Tiền Phong và Giải phóng đều thể hiện quyết tâm chạy đua với thời gian để phát triển lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Các cấp ủy thuộc Xứ ủy Giải phóng đã chủ động hoạt động dưới danh nghĩa Mặt trận Việt Minh, các tổ chức quần chúng trước đây như phản đế, tương tế, ái hữu được chuyển thành các đoàn thể cứu quốc nằm trong hệ thống Việt Minh. Trong khi đó, Xứ ủy Tiền phong hoạt động dưới tổ chức Thanh niên Tiền phong với mục tiêu yêu nước, lợi dụng thế công khai để tập hợp thanh niên. Với phương thức hoạt động, khẩu hiệu, mục tiêu có sức lôi cuốn, phong trào Thanh niên Tiền phong phát triển nhanh. Chỉ sau 3 tháng, toàn Nam kỳ đã có 1,2 triệu đoàn viên đủ mọi thành phần. Trong đó, lực lượng Thanh niên Tiền phong tỉnh Chợ Lớn phát triển mau chóng, chỉ trong 3 ngày, có đến 4.000 người xin gia nhập. Hoạt động của Thanh niên Tiền phong rất phong phú về hình thức, khơi dậy ý thức dân tộc, lòng yêu nước dưới các hình thức truyền bá chữ quốc ngữ, hoạt động xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, huấn luyện quân sự.
Chiến tranh thế giới kết thúc, Nhật đầu hàng đồng minh. Điều kiện khách quan chín muồi đã đến, đêm 13-8-1945 Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, Đại hội Quốc dân tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng.
Ngày 19-8 khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công ở Thủ đô Hà Nội. Tại Nam kỳ, sáng ngày 21-8-1945, tại phiên họp thức hai do Xứ ủy Tiền phong tổ chức (phiên thứ nhất vào ngày 17/8 chưa rút được thời gian khởi nghĩa), đã quyết định giao cho Tỉnh ủy Tân An lãnh đạo khởi nghĩa “thí điểm”, vì tại đây có cơ sở quần chúng mạnh, qua đó giúp Xứ ủy nắm rõ tình hình. Nếu Tân An thí điểm thắng lợi thì các tỉnh còn lại của Nam kỳ sẽ đồng loạt khởi nghĩa. Thời điểm chuẩn bị của Tân An là đêm 21-8 và ngày 22-8, ngày 23-8 báo cáo.
Trên thực tế, sau hội nghị phiên thứ nhất ở Chợ Đệm của Xứ ủy ngày 17-8, tỉnh Tân An đã nắm được tinh thần chủ trương của Xứ ủy. Đồng thời dựa trên phân tích sự chuyển hướng mau lẹ của tình hình chung, nên đã chủ động họp khẩn cấp, quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Trưởng Ban, đồng thời ra Nghị quyết đỏ gấp rút huy động lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Từ trưa ngày 21-8, lợi dụng thông tin báo động nhiễu loạn “Thổ nổi dậy ở Nhơn Thạnh Trung, ở Tầm Vu, ở bên Gò Công. Chúng sắp tràn về tỉnh lỵ” (đây là thủ đoạn của phái Cao Đài thân Nhật nhằm "điệu hổ ly sơn" đội bảo an và Thanh niên Tiền phong ra khỏi tỉnh lỵ, tính cướp chính quyền trước Việt Minh). Tỉnh ủy phán đoán và chớp thời cơ hành động, đã tổ chức lực lượng, ập vào trại lính bảo an, tuyên bố chính phủ Việt Minh nắm quyền, yêu cầu tên quản lý hạ súng, giao nộp khí giới, đầu hàng Việt Minh. Sau đó yêu cầu lực lượng Thanh niên Tiền phong triển khai lực lượng, chiếm các công sở và các điểm quan trọng. Đến chiều ngày 21-8, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng, nhà máy điện, nhà máy nước… ở tỉnh lỵ về tay nhân dân. Cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, cờ vàng sao đỏ (cờ của Thanh niên Tiền phong) tung bay trên các dinh thự, đường phố Tân An.
Chiều ngày 21-8, quận Châu Thành và quận Thủ Thừa khởi nghĩa đều giành thắng lợi. Riêng quận Mộc Hóa do lực lượng cách mạng đều mỏng, Tỉnh ủy cử người chi viện, chiều ngày 22-8 quận trưởng bị bắt, các nơi khác trong tỉnh đều nổi dậy lật đổ bộ máy kìm kẹp của địch, giành chính quyền về tay nhân dân.
Sáng ngày 22-8-1945, 4.000 người với tầm vông, giáo mác, mang dấu hiệu cờ đỏ sao vàng ổ tỉnh lỵ và từ các quận Châu Thành, Thủ Thừa đổ về sân banh tham gia cuộc mít tinh chào mừng cách mạng thành công. Đồng chí Nguyễn Văn Trọng đọc diễn văn mừng thắng lợi, mọi người hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, Ủy ban Hành chánh lâm thởi tỉnh Tân An ra mắt nhân dân toàn tỉnh.
Ngày 22-8-1945, tỉnh Tân An khởi nghĩa thành công, chính quyền cách mạng ra mắt, là tín hiệu phấn khởi cho các tỉnh Nam bộ đồng loạt nổi dậy thành công và lập nên chính quyền cách mạng. Được tin khởi nghĩa Tân An thành công, ngày 23-8, Hội nghị Xứ ủy họp phiên thứ ba, quyết định tối 24-8-1945, bắt đầu khởi nghĩa toàn Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.
Khởi nghĩa ở Tân An thành công, là tín hiệu phấn khởi thôi thúc Tỉnh ủy Chợ Lớn tổ chức hội nghị, thành lập Ủy ban khởi nghĩa, chuẩn bị giành chính quyền tại chỗ và đề ra phương án chuẩn bị lực lượng quần chúng vũ trang để đưa về hỗ trợ giải phóng Sài Gòn. Trên thực tế các cấp ủy quận của tỉnh Chợ Lớn đã rất chủ động trong việc chuẩn bị khởi nghĩa. Ở Cần Đước, Cần Giuộc, các quận ủy và lực lượng Thanh niên Tiền phong đã họp và nhất trí đợi tín hiệu của Sài Gòn và Chợ Lớn cùng nổi dậy. Sáng ngày 24-8, quận ủy đã lập Ủy ban Khởi nghĩa, phối hợp lực lượng Thanh niên Tiền Phong, giành chính quyền tại thị trấn Cần Giuộc, bao vây dinh quận, buộc quận trưởng giao lại chính quyền cho cách mạng. Đồng thời, tại các xã Trường Bình, Long An, Thuận Thành, Phước Lại, Tân Kim… sau khi giành được chính quyền, lực lượng cách mạng đã kéo sang hỗ trợ Cần Đước. Đến ngày 25-8 toàn quận Cần Giuộc hoàn tất việc giành chính quyền. Tại Cần Đước, từ sang ngày 25-8 lực lượng Thanh niên Tiền phong đã tỏa đi các ngả đường chính trong quận lỵ và áp sát dinh quận, làm lực lượng này không trở tay kịp, ra lệnh binh sĩ đầu hàng, nộp súng, giao chính quyền cho Việt Minh. Cùng ngày, lực lượng quần chúng vùng Thượng Cần Đước tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn và tỉnh lỵ Chợ Lớn. Ở Đức Hòa, Ban Cán sự quyết định cho Hựu Thạnh khởi nghĩa giành chính quyền trước. Ngày 25-8 Đức Hòa đã giành chính quyền ở quận, lần lượt các làng cũng hoàn thành khởi nghĩa trong ngày.
Tại Trung Quận, các làng Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Tạo đã tổ chức lực sẵn sàng, nhiều cuộc mitting thị uy diễn ra.. Trong đó, Tổng Long Hưng Hạ (Trung Quận) đã giành chính sớm nhất sau tỉnh Tân An, đến ngày 23-8 các làng Thanh Hà, An Thạnh, Tân Bửu, Phước Lợi, Mỹ yên, Gò Đen, Tân Kiên… đã giành chính quyền. Ngày 25-8-1945 nhân dân các quận trong tỉnh Chợ Lớn, sau khi đã tham gia cuộc tuần hành thị uy trên nhiều đường phố Sài Gòn, tiếp tục quay về tỉnh lỵ Chợ Lớn dự cuộc mittinh lớn đón mừng Ủy ban nhân dân lâm thời ra mắt.
Như vậy, chỉ sau 5 ngày (từ 21-8 đến 25-8), dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, đảng bộ hai tỉnh Chợ Lớn-Tân An đã phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, quyết đoán cùng tinh thần yêu nước, đấu tranh bền bĩ của nhân dân, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thành công vượt dự kiến của Xứ ủy giao cho. Đây là kết quả đấu tranh của nhân dân Chợ Lớn-Tân An qua 15 năm tập dợt và thử thách từ khi có Đảng. Đó là cao trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ 1930-1931, cao trào vận động dân chủ 1936-1939 và tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940. Với vị trí chiến lược quan trọng và truyền thống đấu tranh của nhân dân; sự vững chắc, thực lực, trưởng thành trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, lãnh đạo và phát triển phong trào cách mạng của hai Đảng bộ Chợ Lớn-Tân An, đặc biệt là Đảng bộ Tân An, là điều kiện thực tiễn được Xứ ủy giao nhiệm vụ khởi nghĩa thí điểm năm 1945 và thành công. Nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Giáo sư Trần Văn Giàu từng nhận xét “Tân An đi tiên phong trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Nam Bộ”.
Ngô Thành Trung
Các tin khác
- Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vân Tỉnh ủy dự họp thông qua dự thảo 02 Đề án về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW (21/05/2025)
- Kết quả sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW (13/05/2025)
- Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Long An (07/05/2025)
- Kết quả triển khai công tác khoa giáo Quý I/2025 (16/04/2025)
- Ban Tuyên giáo các cấp nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ về công tác khoa giáo năm 2024 (13/01/2025)
- Kết quả hoạt động trên các lĩnh vực thuộc khối khoa giáo năm 2024 (13/01/2025)
- Hoạt động văn hóa, văn nghệ tỉnh Long An với nhiều dấu ấn quan trọng trong năm 2024 (03/01/2025)
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn công tác khoa giáo năm 2025 (08/12/2024)
- Long An tiếp tục phát triển nền Y học cổ truyền và Hội Đông y các cấp (09/11/2024)
- Kết quả công tác khoa giáo năm 2024 trên địa bàn tỉnh Long An (09/11/2024)
- Kế hoạch tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024
- Kế hoạch tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023
- GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC “BÁO CHÍ VỚI CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ” LẦN THỨ TƯ NHẬN TÁC PHẨM THAM DỰ ĐẾN NGÀY 31/8/2023
- Thông báo về việc nghỉ Tết và treo cờ Tổ quốc nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023
- Thông báo về việc nghỉ Tết và treo cờ Tổ quốc nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023
- Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2022 diễn ra từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022
- Thông báo về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022)
- Thông báo việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2022
- Thông báo nghỉ Tết Dương lịch năm 2022 và treo cờ Tổ quốc
- Thông báo thể lệ cuộc tuyển chọn ảnh đẹp du lịch tỉnh năm 2021