Sinh hoạt tư tưởng

Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng

16/09/2020 09:45:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Hồ Chủ tịch, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, trước lúc đi xa đã căn dặn trong bản Di chúc của mình: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội-2009, tr.510). Do đó, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc quan trọng, là việc thường xuyên mà mọi cán bộ, đảng viên cần phải làm trong tổ chức và sinh hoạt Đảng nhằm góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch và vững mạnh.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác viết về cách phê bình như sau: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội-2009, tr.232). Như vậy, tự phê bình và phê bình thực chất là việc góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp nhận thấy những thiếu sót, những việc làm chưa được để bản thân họ có biện pháp khắc phục, sửa chữa thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, phấn đấu trở thành người đảng viên chân chính “vừa hồng, vừa chuyên”.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên việc tự phê bình là cách nhìn nhận, đánh giá những khuyết điểm, hạn chế của bản thân trong lối sống, công tác để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém, sai sót. Qua đó có cái nhìn thông cảm, chia sẻ đối với những cán bộ, đảng viên trẻ mới vào công tác, kinh nghiệm còn ít. Tuy nhiên, cái khó của người tự phê bình là phải đặt mình ở vị trí của người khác để phê bình bản thân mình. Trong khi tâm lý mỗi người thì đều muốn được khen ngợi, được nói tốt hơn là những điều chưa tốt. Đây chính là một trở ngại không nhỏ, nó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn cầu thị, lắng nghe, khiêm tốn học hỏi và rèn luyện đạo đức cách mạng. Nếu bản thân cán bộ, đảng viên không tự nghiêm túc xem xét, tự phê bình mình thì rất khó tiến bộ.

Bác đã từng nhắc nhở: “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phê bình người” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội-2009, tr.232).

Phê bình là giúp đồng chí, đồng nghiệp cùng tiến bộ, sửa chữa khuyết điểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nó thể hiện tính đoàn kết của một tập thể, một chi bộ, một cơ quan, đồng thời xuất phát từ tình cảm đồng chí chân thành chứ không phải lợi dụng việc phê bình để thực hiện mục đích cá nhân, nói xấu nhau, xúc phạm danh dự lẫn nhau gây mất đoàn kết nội bộ, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Vì vậy, phê bình phải đạt được hai mục đích: Một mặt phát huy những ưu điểm, sáng tạo, việc làm tốt và mặt khác chỉ ra hướng khắc phục thiếu sót, khuyết điểm giúp cá nhân tiến bộ hơn. Nếu phê bình chỉ tập trung “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” chỉ trích, đổ lỗi cho nhau là sai lệch, làm mất đi ý nghĩa của phê bình, nhưng nếu cổ vũ, khen ngợi quá mức thì nó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, bè phái phát triển gây mất đoàn kết nội bộ.

Trong thực tế để việc phê bình đạt hiệu quả thì bản thân người cán bộ lãnh đạo phải làm gương cho cấp dưới làm tốt công tác tự phê bình và phê bình để cán bộ và nhân viên “tâm phục, khẩu phục”. Bên cạnh đó, người cán bộ lãnh đạo phải thật sự khách quan, công tâm khi đánh giá cán bộ phải thể hiện quan điểm rõ ràng, toàn diện, chỉ rõ từng ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên. Khi phê bình cần nắm vững thực chất vấn đề, lựa chọn phương pháp, cách thức, lời lẽ thích hợp, tránh nóng giận dễ gây hiểu lầm, khó chịu cho người bị phê bình.

Ai cũng có những ưu điểm và đôi khi mắc sai lầm, thiếu sót. Vì vậy, tự phê bình và phê bình sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, giúp củng cố khối đoàn kết nội bộ trong Đảng, phát huy trí tuệ sáng tạo của mọi cán bộ, đảng viên cùng tham gia xây dựng và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Tóm lại, tự phê bình và phê bình có ý nghĩa hết sức quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên; củng cố niềm tin của quần chúng, nhân dân đối với Đảng. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình sẽ là yếu tố tích cực để các cấp ủy Đảng thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, đồng thời phát huy dân chủ, khơi dậy trí tuệ trong từng cán bộ, đảng viên./.

Văn Minh

Các tin khác

  • Bài học về phát huy sức mạnh “lòng dân” trong cách mạng tháng 8/1945 (09/08/2023)
  • Ngăn “bệnh xa dân” (18/07/2023)
  • Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ Đảng (03/02/2023)
  • Niềm tin không thể xói mòn (13/11/2022)
  • “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” (01/02/2022)
  • Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội (12/12/2021)
  • Âm nhạc góp sức xây dựng “vùng xanh” tinh thần chiến thắng dịch bệnh (24/09/2021)
  • Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống dịch covid-19 hiện nay (23/09/2021)
  • Cảnh giác với chiêu trò bôi nhọ, xuyên tạc thành quả cách mạng tháng Tám (01/09/2021)
  • Dựa vào dân, bài học quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (30/08/2021)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối