Chủ điểm tuyên truyền

Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022)

07/10/2022 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

“Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về”, cách đây 68 năm, buổi sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn Quân Tiên Phong-Sư đoàn 308 chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân tiến vào Hà Nội trong rừng cờ hoa của 20 vạn người dân hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Từ đây, Thủ đô sạch bóng quân thù. Hà Nội bước sang một trang mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23/9/1945) và phát động chiến tranh ra cả nước. Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", quân, dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.

Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao. Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ. Chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ.

 

Cuối tháng 9/1954, Bộ Chỉ huy quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi Thành phố đúng thời hạn. Ngày 08/10/1954, Ban Tiếp nhận Quân sự của ta triển khai ở 06 khu vực nội thành và huyện Gia Lâm, tiếp nhận bàn giao cơ quan và các vị trí quân sự.

Bộ đội ta tiến vào Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Nhật Tân và bố trí canh gác cùng lính Pháp ở những vị trí cần thiết. Lực lượng tự vệ nhà máy cùng nhiều công nhân đến canh gác bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp của mình. Trên các đường phố, cờ đỏ sao vàng, cổng chào và khẩu hiệu xuất hiện, hoan nghênh bộ đội và chính quyền cách mạng trở về Thủ đô. Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó.

Sáng ngày 9/10/1954, từ 6 giờ, các đơn vị bộ đội tiền trạm theo nhiều đường, từ ngoại thành vào nội thành, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính, rồi từ đó tỏa đi khắp nơi. Bộ đội ta đã tiếp quản ga Hàng Cỏ, Phủ toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu hồ Hoàn Kiếm, Bắc Bộ Phủ…

16 giờ, quân đội Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía đông cầu Long Biên. 16 giờ 30 phút, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát TP Hà Nội, tiếp quản thành phố gọn gàng và trật tự.

Sáng sớm ngày 10/10/1954 nhân dân Thủ đô với quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thành đội ngũ trật tự theo từng khối đơn vị như công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố…tập trung đi tới những con đường được thông báo bộ đội sẽ đi qua.

Từ ngoại thành, qua các cửa ô, từng đoàn quân tiến sâu vào nội thành với nhiệm vụ thiêng liêng cao cả tiếp quản Thủ đô. Đoàn xe đầu tiên do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội và bác sỹ Trần Duy Hưng, Phó chủ tịch dẫn đầu. Đúng 8 giờ, cánh quân phía Tây xuất phát từ quần ngựa do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, anh hùng quân đội dẫn đầu. Các chiến sĩ diễu binh qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào… đến 9h45 tiến vào Cửa Nam, thành Hà Nội.

8h45, Cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam học xá, tiến quan Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm vòng lại đóng ở khu vực Đồn Thủy.

Đến 9h30, Đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua Phố Huế, đến 10h15 đến Bờ Hồ, qua hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc tiến vào Thủ đô. Nhân dân hò reo phất cờ. Cả Hà Nội đều hân hoan, phấn khởi chào đón đoàn quân giải phóng. Hà Nội ngập tràn những lời ca, tiếng hát chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.

Cùng với những tiếng reo hò và niềm vui khôn xiết của nhân dân thủ đô, vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954, hàng trăm nghìn người dân dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đã trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng

Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội là cột mốc quan trọng khi miền Bắc Việt Nam đã hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân. Với cả nước ta, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy nhân dân đang làm chủ vận mệnh của mình và đất nước, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới.

Đây còn là ngày mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với sự nghiệp kháng chiến của quân và dân ta. Nó không chỉ mang ý nghĩa giải phóng một thành phố thoát khỏi thực dân Pháp mà nó còn là giải phóng một cơ quan đầu não của dân tộc Việt Nam, giải phóng một lực lượng hậu phương hùng mạnh và vững chắc. Giải phóng thành công thủ đô Hà Nội đã tạo động lực mạnh mẽ để tiến tới giải phóng toàn bộ các thành phố khác, quét sạch hoàn toàn giặc Pháp khỏi đất nước Việt Nam./. 

P.TTTT & LLCT (tổng hợp)

Các tin khác

  • Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh (25/09/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2024) (19/09/2024)
  • Long An “Trung dũng kiên cường, Toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Kỷ niệm 69 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024) (09/09/2024)
  • Xô viết Nghệ - Tĩnh vang mãi bản hùng ca cách mạng (05/09/2024)
  • Cao Bằng “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc Việt Nam, nơi tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (04/09/2024)
  • Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (03/09/2024)
  • Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo các đối tượng chính sách, Người có công và thương binh, liệt sỹ (30/08/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02/9 (30/08/2024)
  • 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN ( 02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024) (05/08/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối