Thông tin Đối ngoại và Biên giới - biển, đảo

Hòn Đốc hoang sơ giữa biển trời Tây Nam

21/06/2024 03:33:18PM
Màu chữ Cỡ chữ

Chặng hải trình xuyên đêm đã đưa chúng tôi đến thăm Hòn Đốc – hòn đảo lớn nhất nằm trong 16 hòn đảo thuộc quần đảo Hải Tặc, xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Bình minh trên đảo Hòn Đốc nhìn từ tàu 529

Đúng 5h30 sáng khi hiệu lệnh "Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu, đã hết giờ ngủ" được nhắc lại 2 lần cũng là lúc tàu neo gần Hòn Đốc. Chúng tôi đến đảo vừa kịp lúc bình minh khi mặt trời vừa mới bừng sáng sau giấc ngủ dài đêm, chiếu rọi ánh nắng đầu ngày xuống mặt biển, làm cho nước biển thêm long lanh, lấp lánh. Do tàu có trọng tải lớn không thể cập cảng nên để lên được đảo chúng tôi phải chuyển sang những chiếc tàu nhỏ.

Hòn Đốc (còn gọi là Hòn Tre lớn) là đảo lớn nhất trong số 16 đảo nằm trong quần đảo Hải Tặc với diện tích 11km2, cách bờ biển Hà Tiên 7 hải lý, cách đảo Phú Quốc 16 hải lý, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, nằm gần đường biên giới trên biển Việt Nam - Campuchia, nơi có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng giữa 2 nước. Hiện nay, xã đảo có hơn 470 hộ sinh sống với trên 1.700 nhân khẩu nằm rải rác ở các đảo: Hòn Tre, Hòn Giang, Hòn Ụ, Hòn Đồi Mồi nhưng tập trung đông ở Hòn Đốc, Hòn Tre Lớn. Người dân trên đảo chủ yếu làm nghề nuôi cá lồng bè, đánh bắt hải sản và dịch vụ. Đóng trên đảo, ngoài cấp ủy đảng, chính quyền còn có Trạm ra đa 625 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn Biên phòng 737; Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 886 (thuộc Quân khu 9).

Hiện nay, trên đảo Hòn Đốc còn lưu giữ cột mốc chủ quyền được dựng tại phía Tây của đảo từ năm 1958. Đây là bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền quốc gia và biên giới biển, đảo Tổ quốc ta

Trên đảo còn lưu lại cột mốc chủ quyền được xây bằng bê tông cốt thép đã hoen gỉ, sứt mẻ theo mưa nắng thời gian. Nét chữ cũng dần nhòa theo năm tháng. Chúng tôi đọc những dòng chữ: “Quần đảo Hải tặc. Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’8; kinh tuyến 104 độ 20’0”. Ở phần đế của trụ bê tông có dòng chữ ghi rõ: “Quần đảo Hải tặc gồm có các đảo sau: Hòn Kèo Ngựa, Hòn Kiến Vàng, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Vinh, Hòn Gùi, Hòn Ụ, Hòn Giang, Hòn Chơ Rơ, Hòn Đước Non, Hòn Bô Dập, Hòn Đồi Mồi…”. Cuối các dòng chữ có chú thích: “Phái bộ quân sự thị sát và nghiên cứu, đến viếng quần đảo ngày 28.7.1958, dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.

Cung đường lên đến Trạm ra-đa 625 quanh co qua nhiều con dốc, lẫn trong bạt ngàn cây xanh hai bên đường

Trong buổi sáng lưu lại trên đảo, đoàn chúng tôi đã đến thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 625, Tiểu đoàn 551 Vùng 5 Hải quân và các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tranh thủ chiêm ngưỡng những bãi biển đẹp, cát mịn trắng đầy vẻ hoang sơ của đảo.

Từ cầu cảng Hòn Đốc lên đến Trạm ra-đa 625 chừng hơn hai cây số với cung đường quanh co qua nhiều con dốc, lẫn trong bạt ngàn cây xanh hai bên đường. Càng lên cao, không khí mát mẻ khiến chúng tôi như vơi đi mệt mỏi. Trạm đóng trên đỉnh, nhoài mình ra phía biển nên gió thổi ràn rạt. Từ đây có thể quan sát các đảo thuộc quần đảo Hải Tặc, càng thấy biển, đảo quê hương vừa kỳ vĩ, vừa nên thơ.

Các thành viên trong đoàn chụp hình lưu niệm với chiến sỹ Trạm ra đa 625

Trạm ra đa 625 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân được ví như “đôi mắt thần đại dương” dang ra che chắn vì sự bình yên của cả vùng biển, đảo trọng yếu của Tổ quốc. Diện tích biển đảo tuy không quá rộng lớn nhưng là vùng cửa ngõ quan trọng, đã từng là địa bàn rất phức tạp với nhiều diễn biến tội phạm và nạn cướp biển hoành hành trong quá khứ. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con nhân dân là anh em ruột thịt”, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biển đảo, Đồn biên phòng 738, Trạm Rada 625 đã làm rất tốt công tác dân vận, công tác tuyên truyền giúp cho giúp ngư dân nâng cao hiểu biết, ý thức về vấn đề chủ quyền quốc gia, hạn chế thấp nhất các vụ vi phạm trên biển, đồng thời giúp cho quân và dân trên đảo luôn đoàn kết, gắn bó, cùng nhau nỗ lực phát triển kinh tế và giữ vững quốc phòng an ninh trên đảo.

Cuộc sống người dân trên đảo Hòn Đốc hôm nay đã có nhiều cải thiện hơn trước song vẫn còn khó khăn. Những những người lính đảo đã cùng với chính quyền địa phương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân với nhiều hoạt động như vận động xây nhà đại đoàn kết, giúp đỡ tiền cho học sinh nghèo trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, khám chữa bệnh miễn phí cho dân, hỗ trợ gạo khi những hộ dân gặp thiên tai, thiếu đói…

Sau bữa cơm trưa ấm tình quân dân, chúng tôi rời cảng Hòn Đốc đi đảo Nam Du. Bịn rịn chia tay cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên đảo, chúng tôi xuống tàu mang theo những ấn tượng khó quên về một quần đảo chứa đựng kho tàng giai thoại về cướp biển nhưng nay thật bình yên và hơn thế ở đó còn có những người lính đảo đang ngày đêm không ngại khó khăn, gian khổ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc./.

Phòng TT, TT, BC-XB

Các tin khác

  • Công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia thời gian qua (04/11/2024)
  • Vị trí, vai trò của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới (07/10/2024)
  • Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại năm 2024 (04/10/2024)
  • Một số vấn đề cơ bản về công tác thông tin đối ngoại (03/10/2024)
  • Công tác thông tin đối ngoại ở địa phương (03/10/2024)
  • Chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại (03/10/2024)
  • Thổ Châu - hòn đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc (22/06/2024)
  • Nam Du – Vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc (22/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An kết thúc tốt đẹp chuyến thăm quân, dân các đảo phía Tây Nam (20/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Thổ Châu, Thành phú Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (20/06/2024)
  • Trang đầu 123 Trang cuối