Chương trình phối hợp

Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực

10/05/2024 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Các quy định về Bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực được quy định từ Điều 61 đến Điều 71 trong Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Tình huống 17

Gần khu tôi ở có 1 nghĩa trang được quy hoạch bài bản, sắp có có đầy đủ các dịch vụ chăm sóc, an táng và đặc biệt là dịch vụ hỏa táng. Tôi và người dân quang khu vực rất lo lắng sẽ bị ảnh hưởng đến môi trường, nhất là nguồn nước. Xin hỏi, pháp luật quy định như thế nào về bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng?

Trả lời

Điều 63 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng quy định:

1. Khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy hoạch; có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.

Chính phủ quy định việc bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng, hỏa táng phù hợp đặc điểm phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Việc quàn, ướp, di chuyển, chôn cất thi thể, hài cốt phải bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mai táng, hỏa táng phải chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

4. Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng, mai táng hợp vệ sinh, trong khu nghĩa trang theo quy hoạch; xóa bỏ hủ tục trong mai táng, hỏa táng gây ô nhiễm môi trường.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc mai táng, hỏa táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm.

Tình huống 18

Anh con bác tôi có thuê quyền sử dụng mặt nước 400 m2 để thả cá. Hộ chăn nuôi trang trại H nuôi lợn công nghiệp đã xả chất thải và phân lợn chưa qua xử lý xuống ao nuôi cá của anh họ tôi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm cá chết hàng loạt. Tôi muốn hỏi pháp luật có quy định như thế nào về việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp?

Trả lời

Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp như sau:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón trong sản xuất nông nghiệp phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.

- Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng phải được quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Bao bì đựng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải. Bùn nạo vét từ kênh, mương, công trình thủy lợi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế và quản lý theo quy định của pháp luật. Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

- Phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường.

- Việc sử dụng chất thải từ hoạt động chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc mục đích khác phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.

- Nhà nước có chính sách khuyến khích đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức quản lý bùn nạo vét từ kênh, mương và công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tình huống 19

Hiện nay, việc nhập khẩu phế liệu đang dần được quan tâm ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động là nhiều doanh nghiệp lại lợi dụng việc này mà nhập khẩu những phế liệu, rác thải không giấy phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào nước ta. Vậy đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

Trả lời

Vấn đề bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu được quy định tại Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, quy định:

1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu;

b) Có giấy phép môi trường;

c) Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác;

d) Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tình huống 20

Pháp luật quy định như thế nào về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế?

Trả lời

Khoản 1, 2 Điều 62, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:

1. Bệnh viện, cơ sở y tế khác phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:

 a) Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra môi trường;

 b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn; thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường lẫn vào chất thải y tế lây nhiễm thì phải quản lý như đối với chất thải y tế lây nhiễm;

 c) Ưu tiên lựa chọn công nghệ không đốt, thân thiện môi trường và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải y tế lây nhiễm;

 d) Khuyến khích việc khử khuẩn chất thải y tế lây nhiễm để loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi xử lý tập trung;

đ) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra;

e) Xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

g) Xây dựng, vận hành công trình vệ sinh, hệ thống thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải theo quy định.

2. Cơ sở y tế sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

 Tình huống 21

 Việc kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người phải được quản lý như thế nào?

 Trả lời

Theo khoản 3, Điều 62, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định thì  chất ô nhiễm tác động trực tiếp đến sức khỏe con người phải được quản lý như sau:

a) Nhận diện, đánh giá, cảnh báo, phòng ngừa và kiểm soát chất ô nhiễm có khả năng tác động đến sức khỏe con người; các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến chất ô nhiễm;

b) Kiểm soát và xử lý từ nguồn phát sinh đối với chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người và vấn đề về bệnh tật được xác định có nguyên nhân trực tiếp từ chất ô nhiễm;

c) Quản lý, chia sẻ, công bố thông tin về chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế; xác định, đánh giá, cảnh báo, theo dõi và phát hiện triệu chứng, nguyên nhân của bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến các chất ô nhiễm; xác định và công bố về giới hạn của các chất ô nhiễm trong cơ thể con người có nguy cơ tác động đến sức khỏe con người; quản lý, thống kê, chia sẻ, công bố thông tin về các vấn đề bệnh tật liên quan đến các chất ô nhiễm; đánh giá chi phí và thiệt hại kinh tế do bệnh tật, các vấn đề về sức khỏe liên quan đến ô nhiễm môi trường; xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai biện pháp giám sát, dự phòng bệnh tật, các vấn đề về sức khỏe con người do các chất ô nhiễm gây ra; quản lý, chia sẻ, trao đổi, công bố thông tin về các chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế phù hợp với điều kiện của địa phương; chịu trách nhiệm thực hiện quản lý các chất ô nhiễm liên quan đến các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người trên địa bàn.

Thanh Long

Các tin khác

  • Long An: Phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới (04/11/2024)
  • Long An xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn (21/10/2024)
  • Tình hình thực hiện quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn (18/10/2024)
  • Tập trung, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong ứng phó sự cố chất thải (15/10/2024)
  • Quy định về Giấy phép môi trường (Bài 2) (08/10/2024)
  • Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (07/10/2024)
  • Tình hình trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2024 (02/10/2024)
  • Quy định về Giấy phép môi trường (25/09/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Đánh giá tác động môi trường (27/08/2024)
  • Kết quả triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với UBND tỉnh, các sở ngành liên quan 6 tháng đầu năm 2024 (25/08/2024)
  • Trang đầu 12345 Trang cuối