Chủ điểm tuyên truyền

Kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941-19/5/2022) Mặt trận Việt Minh Long An đối với chính sách ruộng đất

11/05/2022 03:55:49PM
Màu chữ Cỡ chữ

Chỉ thị Toàn dân kháng chiến ngày 22/12/1946 của Trung ương Đảng đã thôi thúc nhân dân Nam bộ, trong đó có nhân dân Chợ Lớn, Tân An cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính bắt đầu. Chính sách chăm lo đời sống cho nhân dân, đặc biệt là lực lượng nông dân là chủ trương lớn của cách mạng nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, dân chủ với khẩu hiệu chiến lược “độc lập dân tộc, người cày có ruộng”.

Tại tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Tân An, chính quyền cách mạng các cấp dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Nam bộ, Tỉnh uỷ hai tỉnh Chợ Lớn, Tân An được củng cố lại từ sau cách mạng tháng Tám. Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc (Đoàn thanh niên cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Đoàn Phụ nữ cứu quốc) của tỉnh cũng được kiện toàn để đẩy mạnh hoạt động, tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chính quyền mới, tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ lâu dài.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Nam bộ, Tỉnh uỷ Chợ Lớn, Tân An đã lãnh đạo và củng cố các tổ chức, lực lượng, như xây dựng căn cứ địa kháng chiến ở chiến khu Đông Thành, Vườn Thơm, chiến khu Đồng Tháp Mười, nơi có Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam bộ, trung tâm đầu não kháng chiến Nam bộ đóng, từng bước tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân, phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất trong toàn dân, toàn quân, phát động tinh thần tương thân tương ái nhằm tranh thủ củng cố và phát triển tiềm lực an ninh chính trị, dự trữ kinh tế kháng chiến phục vụ cách mạng dài lâu. Chính sách thực hiện tạm cấp đất cho nông dân, người cày có ruộng theo chủ trương của Trung ương Đảng là hoạt động nổi bật nhất trong giai đoạn này, trong đó, vai trò, đóng góp của Mặt trận Việt Minh của tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Tân An tiền thân của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam 2 tỉnh sau này (sau đây gọi tắt là Mặt trận) là vô cùng to lớn, góp phần thành công trong thi hành chính sách này.

Ảnh: Tư liệu

Chính sách chăm lo đời sống cho nhân dân, đặc biệt là lực lượng nông dân là chủ trương lớn của cách mạng nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, dân chủ với khẩu hiệu chiến lược “độc lập dân tộc, người cày có ruộng”. Tháng 8/1949, Chính phủ ban hành Quy định tạm cấp ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cho dân nghèo. Năm 1950, sắc lệnh Tạm giáo ruộng đất của địa chủ chạy vào vùng địch tạm chiếm và sắc lệnh Trưng thu tất cả ruộng đất bỏ hoang, tạm cấp cho nông dân cày cấy cũng được ban hành. Tháng 2/1950, Xứ uỷ Nam bộ ra Nghị quyết bước đầu tạm cấp đất cho nông dân nghèo. Nghị quyết chỉ rõ “Tịch thu tất cả ruộng đất của thực dân Pháp, ngoại kiều và bọn Việt gian chia cho dân cày nghèo. Xóa bỏ chế độ đấu giá công điền. Nhà nước cách mạng coi đất đai là của quốc gia, xét và cấp về tay dân nghèo nhất là những người không có đất hoặc phải lĩnh canh của địa chủ”. Tỉnh uỷ Tân An và Tỉnh uỷ Chợ Lớn đã thành lập Hội đồng tạm cấp đất cấp tỉnh. Lực lượng Mặt trận và các đoàn thể là những đơn vị xuyên suốt, đồng hành, phối hợp giúp các Hội đồng tạm cấp đất các cấp trong công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục các địa chủ, người sở hữu nhiều ruộng đất hiến tặng, giảm tô; vận động quân lính nguỵ nhận ra chính sách chăm lo đời sống cho nhân dân của chính quyền cách mạng.

Ở Chợ Lớn, chính quyền cách mạng đã tịch thu hàng chục ngàn ha đất, tạm cấp đất theo cách chính quyền quản thủ toàn bộ số ruộng công điền tịch thu của Pháp và Việt gian, đồng thời quản thủ số ruộng vắng chủ. Tuỳ theo quỹ đất của từng địa phương mỗi hộ sẽ có số đất được chia. Tại Đông Thành (Đức Huệ), đất được chia theo công thức “trăm ngang, ngàn dọc” tức 100m nhân 1.000m bằng 10.000m (10 ha) không kể đìa bàu, tịch thu 750 ha đất của Hội đồng Sầm thuộc hai xã Bình Hoà Bắc, Bình Thành, tịch thu  hàng trăm mẫu đất của Nhâm Như ở Giồng Nhỏ, Bàu Tràm, tịch thu 210 ha đất của Mai Đức Nhuận (Sài Gòn), thầy Ký Con, Chà Him (Tân An). Các nơi khác nông dân được cấp từ 0,5 ha đến 1,5 ha. Đất nhà chung, nhà chùa, đất của địa chủ Mặt trận và các đoàn thể vận động giảm tô cho nông dân. Đối với những địa chủ lớn chưa giác ngộ, thì các lực lượng ta đấu tranh để chống thủ đoạn “xáo canh”, xoá bỏ lệ đấu giá công điền và chống tăng mức tô quá 25% theo quy định của Chính phủ. Ở Trung Huyện, tạm cấp 2.000 mẫu ruộng, một số như Long Phú, tịch thu ruộng đất của 2 tên địa chủ Đặng Hữu Đồn, Hội đồng Hống chia cho dân nghèo, Long Hiệp lấy 600 mẫu đất công điền chia cho dân nghèo. Ở Cần Đước, phong trào tịch thu ruộng đất của địa chủ phát triển mạnh ở các xã Phước Tuy, Tân Lân, Long Hoà lấy được hàng trăm ha đất chia cho nông dân. Phong trào đấu tranh giành lại ruộng đất lan rộng đến các xã quanh tỉnh lỵ Tân An như An Vĩnh Ngãi, Lợi Bình Nhơn, Bình Lập, Bình Tâm, Bình Quới.

Tại  tỉnh Tân An, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể còn vận động các địa chủ yêu nước, cán bộ trung nông lớp trên hiến ruộng đất cho kháng chiến, Cai tổng Võ Ngọc Rạng ở Mộc Hoá hiến 100 ha ruộng đất để chia cho dân nghèo. Vùng Đồng Tháp Mười do quỹ đất lớn, Tỉnh uỷ chủ trương cấp rộng rãi cho dân canh tác, tránh để thừa, hạn chế hoang hoá, số đất cấp thông thường là 5.000m2 một nhân khẩu. Ngoài các nông dân địa phương, cán bộ, nhân viên tham gia kháng chiến ai đưa gia đình vào đều được cấp đất. Những hộ dân trước đây có ít đất canh tác nay được cấp bổ sung. Các địa phương như Châu Thành, Thủ Thừa có quỹ đất ít, mỗi hộ được cấp từ 0, 5-1,5 ha đất canh tác. Bên cạnh việc thực hiện chủ trương chung của Xứ uỷ tạm cấp ruộng đất cho trong vùng căn cứ và vùng du kích, tỉnh Tân An và tỉnh Chợ Lớn còn chỉ đạo tạm cấp ruộng đất cho nông dân vùng tạm bị chiếm. Các hộ nông dân vùng tạm chiếm nhận quyết định của Uỷ ban kháng chiến hành chính cấp đất tịch thu của Việt gian, họ bí mật cất giữ, nơi nào chuyển thế lên vùng tự do hoặc vùng du kích thì nông dân thực hiện quyền ruộng đất được cấp. Những người trong hàng ngũ địch, nếu giác ngộ theo lời kêu gọi của kháng chiến, quay súng chống lại thực dân, trở về với cách mạng thì cũng được tạm cấp ruộng đất. Nhiều lính nguỵ qua quá trình vận động của Mặt trận đã đào ngũ, bỏ súng quay về để được cấp ruộng. Có lính tháp canh nhắn với đồng bào qua lại xin cách mạng dành một suất đất cho mình.

Ảnh: Tư liệu

Công việc cấp đất gặp không ít khó khăn, quyết liệt, địch tìm cách phá hoại, đây cũng là một mặt trận đấu tranh đầy cam go, thương tổn. Chúng cho xe càn ủi những ruộng đất mới được cấp, tuyên truyền xuyên tạc, cho lính đi hù  doạ, hỗ trợ cho địa chủ Việt gian về giành giật lại đất. Đảng bộ Chợ Lớn, Tân An đã lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ len lỏi vào vùng tạm bị chiếm để phát động quần chúng. Có nơi phải tiến hành đo cấp đất vào ban đêm. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên của mặt trận và đoàn thể phải hy sinh, mất mát. Trong năm 1950, có hơn 50 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh, tại huyện Châu Thành từ cuối 1950 đã có 36 cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đo cấp đất cho nông dân.

Việc bảo vệ sản xuất cũng là một cuộc đấu tranh gian khổ. Địch bắn trâu bò, đốt lúa, nông dân chuyển sang sản xuất ban đêm và làm mùa ngịch, dùng sức người kéo thay trâu. Đồng bào, du kích tổ chức luân phiên canh gác bảo vệ sản xuất. Tại Đồng Tháp Mười, Đông Thành đồng bào đào hầm giấu trâu, giấu lúa. Tỉnh đội Tân An tổ chức một đại đội nông binh quản lý hàng trăm mẫu ruộng canh tác.

Theo tính toán khi triển khai chủ trương tạm cấp đất của tất cả các tỉnh Nam bộ, số đất có thể tạm cấp là 411.061 mẫu (ha), số người có điều kiện được tạm cấp là 397.981 người. Tỉnh Gia Định đã tạm cấp 1.854 mẫu ruộng đất của bọn Việt gian và đất vắng chủ cho 6.111 gia đình với 23.825 nhân khẩu trong 48 xã của 4 huyện, bình quân 53% nông dân được tạm cấp ruộng đất. Tỉnh Bà Rịa-Chợ Lớn cấp 1.540 ha cho 2.151 nhân khẩu, Mỹ Tho (gồm Tân An, Mỹ Tho, Gò Công) cấp 43.032 ha cho 44.530 nhân khẩu.

Lần đầu tiên sau bao đời bị địa chủ, phong kiến, thực dân áp bức, bóc lột, đông đảo nông dân nghèo được làm chủ ruộng đất, làm chủ nông thôn. Có được ruộng đất, được giảm tô, giảm tức, người nông dân phấn khởi tăng gia sản xuất, phong trào sản xuất phát triển rầm rộ, một sinh khí mới bao trùm khắp thôn xóm, họ kiên quyết bám đất giữ làng, kiên quyết chống bọn tề nguỵ ngóc đầu dậy, bảo vệ thành quả đã đạt được. Đời sống của nông dân được cải thiện, họ hỗ trợ nhau, tự nguyện đóng góp cho kháng chiến và tin vào cách mạng. Năm 1949 miền Đông Nam bộ số lúa thu được ở vùng độc lập tăng gấp 20 lần so với mùa cuối năm 1947. Nhân dân phấn khởi đóng góp cho kháng chiến. Ở Cần Giuộc, vùng độc lập đã tự túc được lương thực và các nhu yếu cần thiết của đời sống. Ở Phước Lại, nhiều hộ nông dân có bò từ 10 con trở lên, 8/10 số hộ có chăn nuôi thêm gà vịt. Nhà nào cũng muốn được tham gia kháng chiến và lập công đền ơn Đảng, đền ơn Bác Hồ.

Có thể nhận định, chính sách ruộng đất tuy diễn ra trong thời gian ngắn và chưa triệt để, trọn vẹn nhưng việc tạm cấp ruộng đất cho nông dân mang ý nghĩa lớn về chính trị và kinh tế. Hàng vạn nông dân thiếu đất và những người quanh năm suốt tháng bán sức lao động làm thuê cho địa chủ, phú nông từ nay được chính quyền cách mạng cấp đất, xác định chủ quyền mảnh ruộng về mặt pháp lý, không còn tô tức và những hình thức bóc lột khác ở nông thôn. Lần đầu tiên khẩu hiệu “ruộng đất cho dân cày” được ghi trong Luận cương cách mạng của Đảng năm 1930 được thực hiện ở Long An dù trong hoàn cảnh chiến tranh. Đời sống người dân được cải thiện, sản xuất phát triển và nguồn cung cấp lương thực cho bộ đội được bảo đảm hơn. Chủ trương tạm cấp ruộng đất đạt được một số thành công đã động viên được sức người, sức của cho kháng chiến và kiến quốc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phân hóa hàng ngũ địa chủ phong kiến, người nông dân càng tin tưởng gắn bó thêm với cách mạng. Nhận xét về tình hình Nam bộ, đồng chí Lê Duẩn đánh giá “Chỉ trong hơn 3 năm kháng chiến, tình hình kinh tế và xã hội ở Nam bộ đã có nhiều chuyển biến mạnh. Nếu đời sống của tá điền, trung, bần nông có phần dễ chịu hơn, thì đời sống của địa chủ bị sút hẳn xuống”. Đạt được kết quả đó, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, còn có lực lượng Mặt trận Việt Minh đóng vai trò là trung tâm vận động, đoàn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng vững tin bước cuộc chiến mới, lâu dài, gian khổ, ác liệt với kẻ thù nguy hiểm, thiện chiến và hiện đại là đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngô Thành Trung

Các tin khác

  • Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh (25/09/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2024) (19/09/2024)
  • Long An “Trung dũng kiên cường, Toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Kỷ niệm 69 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024) (09/09/2024)
  • Xô viết Nghệ - Tĩnh vang mãi bản hùng ca cách mạng (05/09/2024)
  • Cao Bằng “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc Việt Nam, nơi tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (04/09/2024)
  • Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (03/09/2024)
  • Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo các đối tượng chính sách, Người có công và thương binh, liệt sỹ (30/08/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02/9 (30/08/2024)
  • 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN ( 02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024) (05/08/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối